Anh đang 'đùa với lửa' trong vấn đề Brexit

Anh sẽ rời Liên minh châu Âu, nhưng họ sẽ rời đi như thế nào là câu hỏi còn bỏ ngõ. Chỉ biết phía trước thách thức đang chờ nước Anh.

Thủ tướng Theresa May (ảnh) sẽ có thể "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Anh bắt đầu quá trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (Brexit). Ảnh: AFP/TTXVN

Cuối tháng 3 này, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ khởi động tiến trình đàm phán được coi là quan trọng nhất kể từ đầu thập niên 1970 khi London tìm cách gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC).

Giờ đây, Chính phủ Anh sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bước vào tiến trình từ bỏ tư cách thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Theo bình luận ngày 7/3 của tờ Thời báo Tài chính, Anh đang "đùa với lửa" trong vấn đề Brexit, nếu họ chấp nhận phương án rời EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Nước Anh chưa hội đủ sức mạnh cần thiết để tiến hành các cuộc đàm phán với EU về Brexit. Trong thâm tâm, mỗi cử tri Anh đều mong muốn bà May có thể đạt được một thỏa thuận nào đó tốt đẹp và thuận lợi cho đảo quốc, bởi phương án "Brexit cứng" sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại, đầu tư cũng như mối quan hệ giữa Anh với châu Âu lục địa. Rời khỏi EU, nhưng hẳn nhiên, số phận của Anh vẫn gắn chặt với châu Âu, và trên thực tế họ vẫn là một cường quốc.

Tuy nhiên, những yếu tố này lại không đủ sức mang lại cho Anh một thỏa thuận khả dĩ làm hài lòng chính giới và dư luận xã hội.

Phía trước Thủ tướng May và Chính phủ Anh là chặng đường đàm phán đầy chông gai. Tiến trình Brexit càng kéo dài thì càng nảy sinh nhiều thách thức và kết quả như ý càng xa rời tầm với. Ngay trước thềm tiến trình đàm phán với EU, chính giới Anh vẫn chưa thể hàn gắn chia rẽ và bất đồng, khiến bà May phải đối mặt với không ít khó khăn.

Vậy Chính phủ Anh sẽ lựa chọn cách tiếp cận nào trong đàm phán với EU để không "trắng tay" khi nói lời chia tay? Rõ ràng, Anh sẽ phải đánh giá đúng vị thế hiện nay của họ và đưa ra một loạt mục tiêu phù hợp, khả thi.

Hoạt động mậu dịch của Anh với phần còn lại của châu Âu chiếm ưu thế vượt trội, với nhiều lợi ích đan xen và ràng buộc. Vì thế, tỷ trọng thương mại hai chiều luôn nghiêng về phía Anh. Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận kết thúc đàm phán thì hoạt động thương mại của Anh với châu Âu sẽ bị đình trệ và chịu thiệt hại đáng kể. Họ không thể nhanh chóng bắt tay ngay vào một tiến trình đàm phán khác để ký kết hiệp định mậu dịch tự do với châu Âu, khỏa lấp khoảng trống do Brexit tạo ra.

Cựu Thủ tướng Anh John Major từng nói rằng nếu cả hai bên đều có thiện chí trong tiến trình đàm phán, chắc chắn họ sẽ có được kết quả tốt đẹp nhất, bởi "thỏa thuận với một người bạn dễ hơn là với một người hàng xóm thích gây gổ". Tuy nhiên, làm thế nào để Anh và EU có thể tăng cường lòng tin và sự thiện chí trong bối cảnh tình hình nảy sinh nhiều nguy cơ gây bất ổn?

Khi tiến trình đàm phán được thúc đẩy, Chính phủ Anh sẽ phải tập trung vào nguồn lực vốn có của mình. Họ không thể chỉ chăm chăm vào những điều khoản ngắn hạn, ví dụ như vấn đề chi phí (để tiếp cận thị trường chung) hay việc cho phép công dân EU ở lại. Tuy nhiên, tương lai mối quan hệ song phương là điều quan trọng hơn nhiều những điều khoản cụ thể.

Nếu Anh và EU có thể thống nhất về mô hình mối quan hệ, mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn. Giai đoạn chuyển tiếp sẽ êm thấm hơn khi Anh chấp nhận trả chi phí để có quyền tiếp cận thị trường chung. Điều này hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố hùng hồn của phe phản đối EU rằng Brexit sẽ mang lại khoản tiền 350 triệu bảng cho dịch vụ y tế của Anh. Đó chắc chắn là lời nói dối.

Theo ý kiến của một số người, nếu không đạt được thỏa thuận với EU, Anh nên tăng cường mở cửa nền kinh tế và giảm thuế, tương tự như trường hợp Hong Kong, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp tối ưu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa phục hồi mạnh. Anh vẫn cần đến châu Âu để đảm bảo các lợi ích, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Sự thực là nước Anh sẽ rời EU. Nhưng họ sẽ rời như thế nào?

Một câu hỏi còn để ngỏ khi thời điểm kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon đang đến gần. Anh sẽ phải có một chiến lược đàm phán với các mục tiêu cụ thể, rõ ràng để tìm kiếm thỏa thuận tốt nhất với EU. Điều này chắn hẳn không dễ dàng bởi nước Anh đang ở vào tình thế tương đối khó khăn.

TTXVN/Tin Tức
EC khẳng định Brexit không thể cản bước EU
EC khẳng định Brexit không thể cản bước EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 1/3 khẳng định việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ không thể cản bước phát triển của toàn khối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN