Ấn tượng thành phố Á vận hội 2014

“Cậu là phóng viên, vậy cậu có biết gì về thành phố nơi sẽ tổ chức Á vận hội năm 2014 không?" Một người bạn yêu thể thao đã hỏi tôi với vẻ thách đố. May thay, gần đây tôi đã có dịp đến thăm thành phố Incheon của Hàn Quốc để phần nào thỏa mãn câu hỏi của bạn mình.


Incheon phát triển xanh


Incheon, thành phố xinh đẹp và hiện đại, đã giành được quyền tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 17 (còn gọi là Á vận hội hay ASIAD 17) năm 2014, trở thành thành phố thứ ba của Hàn Quốc sau Seoul và Busan đăng cai ASIAD.

 

Khách du lịch vào thăm Cung điện Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung) ở thủ đô Seoul.


Incheon mở hải cảng từ cuối thế kỷ 19 và có tới 150 hòn đảo lớn nhỏ, một trong những đảo nổi tiếng nhất là đảo Ganghwa. Tuy không có thời gian khám phá tất cả các đảo, những gì tôi thấy trên đường phố Incheon đủ khiến tôi tin rằng thành phố du lịch biển này thực sự tập trung vào công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên. Sân bay quốc tế Incheon rộng lớn và đông đúc là cửa ngõ vào Hàn Quốc, có vai trò to lớn giúp Incheon đạt vị thế là một thành phố quan trọng hàng đầu trên thế giới.


Chính phủ Hàn Quốc đã biến Incheon thành một “thành phố phát triển xanh” cùng với việc xây dựng Khu kinh tế Incheon. Người dân ở đây tự hào có những điểm đến văn hóa và du lịch mang đậm bản sắc lịch sử Hàn Quốc từ thời cổ đến ngày nay. Nhiều người địa phương mà tôi gặp cho biết họ cảm thấy tự hào rằng ở đây có Songdo, Cheongna và Yeongjongdo là những khu kinh tế tự do đầu tiên của Hàn Quốc, và sẽ là những thành phố phát triển trong tương lai.


Tôi gặp cô Lee Na Yoon, nhân viên trực tại quầy cung cấp thông tin hỗ trợ khách du lịch trên phố NC Cure Malling. Mặc dù cô khá bận rộn, Lee rất nhanh nhẹn dẫn đường giúp tôi mấy lần đi tìm vài địa chỉ mà tôi yêu cầu. Sự nhiệt tình của Lee làm tôi thực sự thấy ấn tượng với cách người Hàn Quốc đón tiếp du khách nước ngoài! Chúng tôi đã gặp những công nhân đang bận rộn hoàn thành giai đoạn cuối việc xây dựng các sân vận động phục vụ ASIAD. Trong tổng số 16 sân vận động mới, Trung tâm thi đấu thể dục Songrim, Trung tâm Thể thao dưới nước Munhak Park Taehwan và Sân thi đấu Yeorumul đã hoàn thành. Sân vận động chính cho ASIAD là nơi cuối cùng sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2014, với sức chứa theo thiết kế tới 60.000 chỗ.


Seoul cổ xưa và hiện đại


Chúng tôi thăm tập đoàn truyền thông Munhwa Broadcasting Corporation (MBC) tại Seoul, một trong bốn đài truyền hình và phát thanh quốc gia lớn ở Hàn Quốc. Trong tiếng Hàn, Munhwa nghĩa là văn hóa. MBC có 19 đài địa phương trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc, chín văn phòng thường trực ở nước ngoài và có các thỏa thuận dịch vụ với các tổ chức truyền thông khác như CNN, NBC, Reuters TV và APTN.


Tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc có đôi sư tử đá uy nghiêm được tạo tác theo phong cách triều đại Joseon cổ xưa trấn giữ ngay ngoài cửa chính. Có một đại sảnh lớn, với hai góc phòng là tượng hai Người phát ngôn thứ nhất và thứ hai từ thời mới thành lập Quốc hội Đại Hàn Dân Quốc. Nữ hướng dẫn viên của Quốc hội cho biết hai góc phòng còn trống sẽ là nơi đặt tượng các vị lãnh đạo Quốc hội nào đó trong tương lai khi hai miền Triều Tiên thống nhất.


Tầng một là trung tâm nghị trường của Quốc hội Hàn Quốc. Người hướng dẫn cho biết, các ghế ngồi khu vực giữa dành cho thành viên của 2 đảng lớn gồm đảng cầm quyền và đảng đối lập, các dãy ghế hai bên cánh dành cho các nghị sĩ thuộc hai đảng nhỏ hơn. Tầng hai của tòa nhà Quốc hội này có khu vực cho người dân được vào ngồi xem các phiên họp Quốc hội. Chúng tôi gặp ở đó nhiều đoàn học sinh đang vào tham quan, vui vẻ nói cười.


Từ một tấm kính lớn có hình mặt trời gắn trên trần cao chót vót của tòa nhà, ánh mặt trời buổi trưa chiếu thẳng xuống chính giữa đại sảnh dưới tầng một. Người Hàn Quốc tin rằng ai đứng đúng điểm ánh sáng rọi xuống và cầu nguyện sẽ cầu được ước thấy. Đoàn chúng tôi, gồm các nhà báo đến từ các quốc gia châu Á, đều đứng cầu nguyện ở đó, một số người với vẻ nghiêm trang thành kính, nhưng cũng nhiều người chỉ đứng cho vui.


Trở ra, chúng tôi bắt gặp ngoài đại sảnh tầng một là 2 tượng đá cao như người thật: tượng Đại đế Sejong (người sáng tạo ra bộ chữ Hàn dựa trên chữ Hán) tay cầm cuốn sách; và tướng quân Lý Thuấn Thần (người có công kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản) mặc giáp, cầm trường kiếm.


Thư viện của Quốc hội có phòng trưng bày các hiện vật lịch sử liên quan tới hoạt động của Quốc hội Hàn Quốc, nơi mọi người trầm trồ ngắm mô hình thu nhỏ miêu tả phiên họp Quốc hội đầu tiên, với cả trăm bức tượng nghị viên nhỏ như quả chuối con, được tạo tác tinh xảo, sống động, ông này đang phát biểu, ông khác nhăn mặt, ông kia đang ghé tai nói nhỏ với người bên cạnh…


Tôi cũng dành cả một ngày thăm Cung điện Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung) là cung điện hoàng gia ở phía bắc Seoul. Tên cung điện này nghĩa là "Cung điện được Trời ban phúc". Cung điện tựa lưng vào núi Bugaksan, cổng chính là Quảng Hòa Môn mở ra một đường phố lớn là nơi có dinh thự của sáu Bộ thời phong kiến. Gyeongbokgung còn được gọi là “Bắc Cung” vì cung điện này nằm ở vị trí xa nhất về phía Bắc khi so sánh với các cung điện gần đó bao gồm Changdeokgung (Xương Đức cung - Đông Cung) và Gyeongheegung (Tây Cung).


Cung điện này được xây dựng lần đầu vào năm 1395, sau đó bị đốt cháy và bị bỏ hoang gần ba thế kỷ, rồi được xây dựng lại vào năm 1867. Đây là cung điện chính và nguy nga nhất trong năm Đại cung điện được các triều đại Joseon xây dựng. Trong những năm đầu thế kỷ 20, nhiều khu vực của cung điện này đã bị quân đội Nhật phá hủy. Sau đó, cung điện được dần dần khôi phục trở lại hình dạng ban đầu.


Tôi có cảm nhận là di tích cung điện này không phong phú và đẹp như Đại nội cố đô Huế của ta, nhưng người Hàn rất giỏi quảng bá du lịch và các tour đến Seoul đều đưa khách vào đây nên có rất đông du khách, trong đó rất nhiều người nước ngoài. Người hướng dẫn, một phụ nữ Hàn trạc 40 tuổi, nói thao thao không ngớt về phong thủy cung điện “lưng dựa núi, mặt nhìn ra sông Hàn” rồi ý nghĩa các linh thú trên nóc điện, Rồng 7 móng tượng trưng cho hoàng đế… Mỗi nóc điện đều có vạch kẻ màu trắng tượng trưng cho Rồng mang lại nguồn nước cho đất nước này, chị nói. Mỗi tòa nhà phục vụ yến tiệc cho hoàng gia đều được xây dựng sao cho khói từ nhà bếp được dẫn ra những ống khói xây tít xa ngoài vườn.


Gần đây, Ban tổ chức ASIAD 17 của Hàn Quốc đã tổ chức chương trình lưu diễn nghệ thuật và quảng bá cho Á vận hội Incheon ở nhiều nước châu Á, bao gồm Việt Nam. Chủ tịch Ban tổ chức, ông Kim Youngsoo, nói ông tin rằng bạn bè khắp châu Á và thế giới sẽ biết đến Incheon như là một thành phố du lịch văn minh, hiện đại và thân thiện.


"Tôi tin rằng Hà Nội cũng sẽ có những phương thức tuyệt vời quảng bá cho Á vận hội lần thứ 18 sẽ được tổ chức tại thành phố của các bạn"- ông nói. "Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam để Á vận hội thực sự trở thành lễ hội lớn nhất của châu Á".


Sau khi tận mắt chứng kiến những nỗ lực của người Hàn chuẩn bị cho ASIAD 17 tại Incheon, tôi trở về Hà Nội, cảm thấy thực sự phấn khởi rằng ASIAD 18 châu Á sẽ được tổ chức ở thành phố quê hương yêu dấu năm 2019. Hẹn gặp lại các bạn bè quốc tế vào năm ấy!

 

Bài và ảnh:Hoàng Trung Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN