Ấn Độ, Mỹ thảo luận tình hình Biển Đông

Mạng tin trực tuyến của báo "The Economic Times" (Ấn Độ) đêm 3/6 cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm cùng ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Ấn Độ và Mỹ đã thảo luận tình hình khu vực Biển Đông và các biện pháp có thể giúp ổn định khu vực, trong bối cảnh việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo mới đang làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Đông Nam Á.

Theo báo trên, vấn đề Biển Đông là một điểm chính trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa Bộ trưởng Carter với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval tại New Delhi. Phía Ấn Độ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và quyền thăm dò dầu mỏ trong khu vực.

Vấn đề ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nổi lên như một ưu tiên chiến lược đối với cả Mỹ và Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước đã ra Tuyên bố tầm nhìn chung trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu năm nay.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 3/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuyên bố khẳng định: "Sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh. Mỹ và Ấn Độ khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên toàn bộ khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Mỹ và Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua mọi biện pháp hòa bình, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển".

Ngày 31/5, phát biểu tại cuộc họp báo tổng kết một năm cầm quyền của chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA), Ngoại trưởng Swaraj cũng khẳng định New Delhi sẽ tiếp tục thăm dò các lô dầu ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Các quan chức tại New Delhi cho biết chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang theo dõi chặt chẽ tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á, bởi nó liên quan đến các lợi ích kinh tế và chiến lược của Ấn Độ, trong bối cảnh New Delhi đang tích cực triển khai chính sách "Hành động phía Đông".

Liên quan đến tình hình Biển Đông, tờ "The Australian" ngày 3/6 đưa tin Chính phủ Australia đang tích cực xem xét việc điều máy bay trinh sát P-3 tới không phận bên trên vùng biển trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là khoảng cách tiêu biểu phân biệt vùng thuộc chủ quyền lãnh hải, tính từ bờ biển.

Các luật sư của Chính phủ Australia tuyên bố các chuyến bay trong phạm vi 12 hải lý là hợp pháp theo luật quốc tế, bởi vì "chỉ có những bãi đá nhô cao hơn mức thuỷ triều dâng mới có thể được tính là có chủ quyền lãnh thổ".

Trước đó, thông tin đăng trên tờ "The Guardian" của Anh ngày 2/6 cho biết Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews khẳng định Australia sẽ "tiếp tục qua lại trên Biển Đông", song nhấn mạnh rằng những chuyến tuần tra của Australia không phải là một hiện tượng mới và Canberra không chính thức thảo luận vấn đề này với đồng minh Mỹ. Người phát ngôn của Bộ trưởng Andrews ra thông báo khẳng định quyền tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, gồm cả Biển Đông. Nữ phát ngôn viên này nhấn mạnh các nước trong khu vực đều biết Australia đã tuần tra không phận trên Biển Đông từ hơn 30 năm qua trong khuôn khổ chiến dịch Cửa Ngõ (Operation Gateway), đã thực hiện nhiệm vụ này liên tục từ năm 1980 tới nay, và sẽ tiếp tục làm như thế trong tương lai, như một sự đóng góp của Australia vào việc duy trì an ninh và ổn định khu vực tại Đông Nam Á.

Bất chấp sự phản đối ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế về hoạt động xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 3/6, phía Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ "sự hiểu sai" của một số bên về luật pháp quốc tế liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời tuyên bố các hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực là "hợp pháp và đúng đắn".

Tuyên bố trên của Trung Quốc là nhằm phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Obama ngày 1/6 khuyến cáo Bắc Kinh không nên "vung tay xua đuổi người khác" ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng cho rằng Trung Quốc nên tuân thủ thông lệ quốc tế.

TTXVN/Tin tức
Trung Quốc chuyển dịch không gian hàng hải Biển Đông
Trung Quốc chuyển dịch không gian hàng hải Biển Đông

Hội thảo Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 6 xoay quanh vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đã diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhiều học giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN