ALBA ủng hộ Áchentina về vấn đề chủ quyền quần đảo Malvinas

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 11 của Liên minh Bôliva cho châu Mỹ (ALBA), khai mạc ngày 4/2 tại Caracát (Vênêxuêla), đã thông qua một tuyên bố tái khẳng định sự ủng hộ Áchentina trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Malvinas mà Anh gọi là Falkland.

Tại Buenos Aires, đã có thêm năm nước gồm Nicaragoa, Cuba, Xanh Vinxen và Grênađin, Đôminica, Antigoa và Bácbuđa cấm các tàu mang cờ Phoóclen cập cảng. Như vậy, cho tới nay, tất cả các nước thành viên ALBA và của Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) đều đã đáp lại kêu gọi của Áchentina "cấm cửa" các tàu mang cờ Falkland.


Quần đảo Malvinas- Nguồn: Internet.



Phát biểu tại hội nghị của ALBA, Tổng thống Êcuađo Rafael Correa cho rẳng chủ quyền của quần đảo Malvinas không chỉ là vấn đề của Áchentina, mà của cả khu vực Mỹ Latinh, đồng thời đề xuất ALBA áp đặt trừng phạt đối với Anh do nước này không tiến hành đối thoại song phương để giải quyết tranh chấp với Áchentina theo các nghị quyết của Liên hợp quốc. Ông cho rằng khu vực này có thể thể hiện quan điểm chung bằng hành động cụ thể, như rút khỏi Hiệp ước hỗ tương liên Mỹ (TIAR).

Theo hiệp ước TIAR, cả châu Mỹ phải đoàn kết với nước ở châu lục bị tấn công từ bên ngoài, thế nhưng Mỹ đã ủng hộ Anh chứ không ủng hộ Áchentina trong cuộc chiến trên. Trong cương vị là người chủ trì hội nghị, Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chávez khẳng định ALBA sẽ xem xét đề xuất của Tổng thống Êcuađo. Tại hội nghị của ALBA, Tổng thống Bôlivia Evo Morales cũng đề xuất thành lập Hội đồng phòng thủ của tổ chức này. Theo đó, các lực lượng vũ trang phải là lực lượng chống chủ nghĩa tư bản và chống đế quốc.

* Cũng tại Hội nghị, Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chávez đã duyệt đề xuất do Hội đồng kinh tế nước này đưa ra về việc sử dụng 1% dự trữ ngoại tệ quốc gia, tương đương 300 triệu USD, để góp vốn cho Ngân hàng ALBA - công cụ của ALBA phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại các nước thành viên nói riêng và tại Mỹ Latinh và Caribê nói chung. Ngoài ra, Vênêxuêla còn đề xuất ALBA thiết lập quan hệ chiến lược với Trung Quốc. Tổng thống Chávez cho biết nếu các nước trong tổ chức này nhất trí, ALBA sẽ mời đại biểu của Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh lần tới, tạo điều kiện để các thành viên khác của ALBA tiếp cận vốn và công nghệ của quốc gia đang phát triển mạnh mẽ này.

ALBA là cơ chế hội nhập trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ Latinh do Vênêxuêla và Cuba khởi xướng năm 2004 như một sự lựa chọn thay thế Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) do Mỹ đề xuất, nhưng thất bại vì không nhận được sự ủng hộ của các nước tại châu lục này. Hiện ALBA có tám thành viên đầy đủ là Vênêxuêla, Cuba, Bôlivia, Nicaragoa, Đôminica, Êcuađo, Xanh Vinxen và Grênađin, và Antigoa và Bácbuđa. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, ba nước Haiti, Xurinam và Xanta Luxia tham dự với tư cách khách mời đặc biệt, bước đệm để trở thành thành viên đầy đủ.

TTXVN/ Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN