Cơ quan công tố Ai Cập ngày 7/9 đã ra lệnh giam giữ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi thêm 4 ngày để điều tra cáo buộc "xúc phạm các cơ quan tư pháp". Tổng thống bị phế truất Morsi. Ảnh: CNN. |
Ông Morsi bị cáo buộc lăng mạ giới tư pháp khi ông cáo buộc 22 thẩm phán gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2005 trong một cuộc trả lời phỏng vấn được phát sóng truyền hình. Nhà lãnh đạo Hồi giáo này cũng bị cáo buộc can thiệp vào hệ thống tư pháp và âm mưu tác động giới quan chức ngành tòa án hình sự liên quan tới vụ xét xử cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq - đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ông trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào tháng 6/2012.
Trước đó, ngày 26/7, tòa án Ai Cập đã ra lệnh giam giữ ông Morsi 15 ngày để điều tra về hàng loạt cáo buộc, trong đó có việc làm gián điệp, cấu kết với phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine để đào thoát khỏi nhà ngục, thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào các đồn cảnh sát, cố ý sát hại và bắt cóc các sĩ quan cảnh sát cũng như các tù nhân trong làn sóng chính biến đầu năm 2011. Ông Morsi hiện vẫn bị giam giữ tại một địa điểm bí mật kể từ khi bị quân đội Ai Cập phế truất hôm 3/7 vừa qua.
Trong suốt một năm cầm quyền, chính quyền của ông Morsi thường xuyên mâu thuẫn với giới tư pháp. Đỉnh điểm của cuộc đối đầu này nổ ra vào tháng 11/2012 khi ông Morsi đột ngột ra tuyên bố hiến pháp trong đó ra lệnh sa thải Tổng công tố Meguid Mahmud. Tuyên bố hiến pháp cũng quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng lập hiến hoặc Hội đồng Shura (tức Thượng viện Ai Cập) do phe Hồi giáo kiểm soát, cũng không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do ông ban hành kể từ khi lên nhậm chức cho đến khi Hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra.
Cũng trong ngày 7/9, một tòa án hình sự ở Cairo đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử thủ lĩnh tổ chức Anh em Hồi giáo Mohamed El-Beltagi và giáo sĩ Hồi giáo Safwat Hegazi tới ngày 5/10 tới. Hai nhân vật này đang bị giam giữ với các cáo buộc bắt cóc và tấn công cảnh sát trong một cuộc tuần hành của phe Hồi giáo hồi tháng 7 vừa qua, cũng như kích động bạo lực trong các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi.
Quân đội mở chiến dịch tấn công phiến quân tại Sinai
Cùng ngày, người phát ngôn quân đội Ai Cập, Đại tá Ahmed Ali, cho biết quân đội nước này đã mở chiến dịch quân sự lớn ở tỉnh Bắc Sinai, tiêu diệt 9 phiến quân, làm bị thương 10 tên và bắt giữ 15 tên khác.
Ông Ali cũng cho biết các máy bay đã không kích một số địa điểm bị tình nghi là nơi ẩn náu của phiến quân, trong khi các xe bọc thép được triển khai tại khu vực và dọc theo cửa khẩu Rafah, giáp với Dải Gaza. Quân đội Ai Cập đã phá hủy 3 kho vũ khí, 107 lán trại và một số xe ô tô được phiến quân sử dụng làm phương tiện tấn công quân đội và cảnh sát.
Được triển khai gần thị trấn Sheikh Zuweid, cách Dải Gaza của Palestine vài kilômét, chiến dịch này huy động hàng chục xe tăng, xe bọc thép, máy bay chiến đấu và khoảng 2.500 binh lính, cảnh sát tham gia và được tiến hành hai ngày sau khi Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim bị ám sát hụt ngay giữa thủ đô Cairo. Các quan chức an ninh cho biết các phiến quân thực hiện vụ đánh bom liều chết này có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Bán đảo Sinai.
Trong một diễn biến khác, truyền hình nhà nước Ai Cập cho biết một quả lựu đạn tự tạo đã phát nổ tại một đồn cảnh sát ở Cairo nhưng không gây thương vong. Đây là vụ tấn công thứ hai trong chưa đầy một tuần nhằm vào các đồn cảnh sát ở thủ đô của Ai Cập.
Cùng ngày, nhật báo "Al Ahram" dẫn một quan chức an ninh cho biết các chuyến tàu hỏa giữa tỉnh Suez và tỉnh Ismailia đang phải tạm dừng hoạt động cho tới khi các chuyên gia chất nổ hoàn tất việc kiểm tra toàn tuyến đường sắt này.
Trước đó, lực lượng an ninh Ai Cập đã phát hiện và vô hiệu hóa ba quả đạn cối được cài trên đường ray tàu hỏa này. Những vụ việc này làm dấy lên lo ngại về tình hình bất ổn ở Ai Cập, hơn 2 tháng sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Morsi.
TTXVN/Tin tức