Ai Cập bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ

Hạ viện Ai Cập ngày 11/3 quyết định sẽ xúc tiến các thủ tục để bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ vì điều hành yếu kém trong vụ bê bối liên quan tới hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) tại đất nước Bắc Phi này.

Theo hãng thông tấn chính thức MENA, Hạ viện Ai Cập cũng kêu gọi bỏ phiếu nhằm từ chối nhận khoản viện trợ lên tới trên 1 tỉ USD của Mỹ, đồng thời yêu cầu xác định những quan chức chịu trách nhiệm trong việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhân viên NGO hoạt động trái phái luật. Một số nghị sỹ thậm chí còn yêu cầu chính phủ từ chức vì đã thất bại trong xử lý vụ việc pháp lý nổi cộm trên và không đảm bảo tính độc lập trong hoạt động tư pháp của nước này.

Trước đó, Tòa án tại Ai Cập ngày 26/2 đã xét xử 43 công dân nước ngoài, trong đó có 19 công dân Mỹ, làm việc cho các NGO ở nước này, bị cáo buộc tội danh "thiết lập những tổ chức quốc tế không được cấp phép và nhận tiền tài trợ từ nước ngoài theo cách vi phạm chủ quyền quốc gia Ai Cập". Trong cáo trạng, 5 NGO (gồm 4 của Mỹ và 1 của Đức) bị cáo buộc đã nhận tài trợ trái phép tới 48 triệu USD.
 
Tuy nhiên, phần lớn các đối tượng bị buộc tội không có mặt tại phiên tòa trong khi 14 người có mặt tại tòa đều bác bỏ các lời buộc tội. Các nghị sỹ Mỹ đã gây sức ép đối với Cairô khi đe dọa sẽ xem xét lại các khoản viện trợ trị giá 1,5 tỉ USD cho Ai Cập nếu nước này kiên quyết theo đuổi vụ xử các nhà hoạt động NGO.

Ngày 1/3, 15 bị cáo làm việc cho các NGO đã rời khỏi Ai Cập sau khi Viện Kiểm sát Ai Cập nước này hủy bỏ lệnh cấm xuất cảnh vào ngày 29/2. Động thái này khiến giới truyền thông Ai Cập rất giận dữ, cáo buộc chính quyền quân sự đã nhượng bộ trước sức ép từ Mỹ, dỡ bỏ lệnh cấm xuất nhập cảnh để nhóm nhà hoạt động NGO nước ngoài thoát phiên tòa xét xử.

Theo các nhà phân tích chính trị, những diễn biến mới đây trên chính trường Ai Cập và động thái mới của Hạ viện nước này sẽ gây sức ép đối với Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) - cơ quan đang nắm quyền điều hành đất nước - trong việc tiến tới thành lập chính phủ mới do Đảng Tự do và Công lý (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo, hiện đang nắm nhiều ghế nhất trong Quốc hội, giữ vai trò chủ đạo.


TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN