Bất chấp cam kết của Taliban về một chính phủ mang tính toàn diện và bao trùm cũng như những nỗ lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, người dân Afghanistan vẫn phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đan xen.
Khó khăn chồng chất khó khăn
“Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. Đã đến lúc quân đội Mỹ trở về nhà”. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố như vậy ngày 14/4/2021, trong đó ông ấn định ngày 11/9/2021 là thời điểm rút hết binh sỹ Mỹ khỏi Afghanistan. Tổng thống Afghanistan khi đó Ashraf Ghani đã khẳng định các lực lượng của Chính phủ Afghanistan "hoàn toàn đủ khả năng" kiểm soát đất nước.
Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, ngày 15/8 đánh dấu phong trào Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan sau 20 năm. Cùng với sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani và tình trạng hỗn loạn của những dòng người chạy khỏi Afghanistan, 2 tuần sau, Mỹ tuyên bố hoàn tất việc rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, chính thức khép lại 20 năm can dự tại quốc gia Tây Nam Á.
Hiện chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền do Taliban thành lập ở Afghanistan. Các nỗ lực ngoại giao nhằm bảo đảm chuyển viện trợ nhân đạo khẩn cấp đến tay người dân nước này mà không trở thành các khoản tài trợ cho chính quyền Taliban, vẫn chưa đạt kết quả.
Sau khi Taliban nắm quyền, hơn 120.000 người Afghanistan, trong đó hầu hết đều được đào tạo và có trình độ, từng làm việc với nước ngoài trong lĩnh vực quản lý hành chính và kinh tế, đã sơ tán trong những ngày cuối cùng đầy hỗn loạn khi quân đội Mỹ và nhiều nước phương Tây rút đi. Trong khi đó, những công chức ở lại đất nước có rất ít động lực để quay lại làm việc, vì họ đã không được trả lương nhiều tháng.
Cuộc khủng hoảng tài chính do các lệnh trừng phạt quốc tế đang là mối đe dọa đối với chính quyền Taliban. Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, lâu nay Afghanistan phải dựa chủ yếu vào nguồn viện trợ nước ngoài, chiếm tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, với việc viện trợ phi nhân đạo bị tạm dừng và phần lớn tài sản nước ngoài bị đóng băng sau khi Taliban nắm chính quyền, nền kinh tế vốn phụ thuộc vào viện trợ này "đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và cán cân thanh toán nghiêm trọng". IMF dự báo kinh tế Afghanistan sẽ giảm tới 30% trong năm 2021.
Cuộc khủng hoảng tài chính cũng làm giảm chất lượng sống của người dân, đẩy hàng triệu người vào nguy cơ nghèo đói, đồng thời "châm ngòi" cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đất nước này. Hiện 50% số trẻ dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng và 14 triệu người, tương đương 30% dân số, đối mặt với tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực trong mùa Đông này.
An ninh cũng là thách thức không nhỏ với Afghanistan. Số vụ tấn công bạo lực do các tay súng có quan hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, các phiến quân thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan” (ISIS-K) ở miền Bắc, miền Đông gia tăng làm lu mờ tuyên bố của Taliban về việc mang lại hòa bình cho Afghanistan sau nhiều thập niên chiến tranh.
Nguy cơ khủng hoảng lan rộng
Tình trạng thiếu lương thực, mất an ninh nghiêm trọng và suy thoái kinh tế đã đẩy nhanh quá trình hình thành dòng người di cư ồ ạt, không chỉ ảnh hưởng tới các nước láng giềng của Afghanistan mà còn tác động tới châu Âu. Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 700.000 người Afghanistan, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, phải rời bỏ quê hương trong năm 2021. Ước tính, khoảng 5.000 người Afghanistan vượt biên trái phép để đến Iran mỗi ngày. Tới nay, hơn 3 triệu người Afghanistan đã tới Iran và 1,5 triệu người đã tới nước láng giềng Pakistan, từ đó tìm đường tới châu Âu. Các nước châu Âu đều lo ngại về một cuộc khủng hoảng di cư mới sau biến động tại Afghanistan. Đó là chưa kể các phần tử khủng bố, cực đoan từ Afghanistan có thể theo dòng người tị nạn tràn vào châu Âu.
Nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, xung đột bạo lực từ tình trạng chia rẽ đất nước không chỉ là mối đe dọa trong phạm vi lãnh thổ Afghanistan, mà có thể sẽ rất nhanh chóng tác động tới cục diện, tình hình an ninh tại nhiều quốc gia trong khu vực. Các chính phủ phương Tây lo ngại Afghanistan một lần nữa có thể trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ cực đoan.
Dù không tham gia các hoạt động khủng bố, song tư tưởng Hồi giáo chính thống mà Taliban tuân thủ có sự đồng điệu và gắn bó sâu sắc với tư tưởng của các tổ chức khủng bố. Khoảng trống quyền lực và tình hình nội bộ rối ren ở Afghanistan có thể tạo cơ hội để các tổ chức khủng bố xuyên quốc gia như al-Qaeda và IS sắp xếp lại lực lượng hoặc xây dựng nơi trú ẩn.
Ngay khi Taliban mới tiếp quản đất nước, trong lúc Mỹ cùng các nước đang nỗ lực sơ tán công dân, ngày 26/8, ISIS-K, nhánh của IS, đã tiến hành các vụ tấn công đẫm máu bên ngoài sân bay Kabul, khiến 13 binh sĩ Mỹ và hàng trăm dân thường Afghanistan thiệt mạng. Giới quan sát cho rằng, dù không phải là "chân rết" hàng đầu của IS với chỉ khoảng 2.000 tay súng, song với việc Mỹ rút quân và chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ, ISIS-K sẽ có thêm nhiều không gian hơn để phát triển lực lượng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận mạnh tay của Taliban nhằm đối phó với các cuộc nổi dậy có thể khiến khủng hoảng an ninh thêm phức tạp và có thể đẩy Afghanistan vào nội chiến. Nếu điều này xảy ra, các tay súng nước ngoài từ khắp khu vực xung quanh có thể xâm nhập vào Afghanistan để gia nhập các nhóm khủng bố trên.
Tương lai u ám
Dư luận cho rằng một khi tình hình Afghanistan chưa được ổn định thông qua việc thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện, với sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của các thành phần trong xã hội, lộ trình "hồi sức" cho Afghanistan vẫn còn rất gập ghềnh. Việc có quá nhiều sắc tộc, giáo phái cùng tồn tại và thường xuyên mâu thuẫn cũng là một thách thức rất lớn, khó có thể tạo ra một ý thức quốc gia thống nhất, đoàn kết. Tình trạng vô chính phủ và nội chiến rất có thể sẽ sớm quay trở lại Afghanistan.
Đối với đại đa số người dân nước này, tương lai của đất nước dường như chỉ toàn một màu xám xịt. Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (LHQ) ước tính có khoảng 22,8 triệu người tại Afghanistan đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, trong khi Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cảnh báo tình hình kinh tế-xã hội của Afghanistan trong 13 tháng tới là đáng báo động. UNDP dự báo đến giữa năm 2022, hơn 90% dân số Afghanistan sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói, và tăng trưởng kinh tế của Afghanistan sẽ khó phục hồi trong tương lai gần, trừ phi nước này dỡ bỏ các hạn chế việc làm đối với phụ nữ, tiếp tục nhận hỗ trợ 250 triệu USD/năm để chống dịch COVID-19 và các nước nới lỏng lệnh trừng phạt để tạo điều kiện cho hỗ trợ nhân đạo.
Giới phân tích cho rằng, thay vì liên tục tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế, chính quyền Taliban cần một tầm nhìn dài hạn và cách tiếp cận từng bước, trước hết tập trung vào việc ngăn chặn một thảm họa kinh tế và nhân đạo. Chứng minh tính hiệu quả của chính phủ thông qua các hành động là cách tốt nhất để Taliban nhận được sự ủng hộ của quốc tế. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế có thể bắt đầu từ việc nối lại viện trợ phát triển, dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, và theo thời gian, có thể công nhận chính phủ của Taliban, nếu lực lượng này thực hiện các cam kết của mình.
Trong bối cảnh đất nước Afghanistan đang đứng trước bờ vực của một thảm họa nhân đạo, các chuyên gia nhận định các tổ chức quốc tế như LHQ cần phát huy vai trò. Thay vì coi tiến trình hòa bình tại Afghanistan đã kết thúc với sự sụp đổ của chính phủ Tổng thống Ashraf Ghani, cộng đồng quốc tế cần xác định tiến trình hòa bình tại quốc gia Tây Nam Á này là một quá trình thích ứng kéo dài nhiều năm.
LHQ có thể tham gia tích cực để hỗ trợ xây dựng lại lòng tin trong nội bộ Afghanistan, cũng như giữa Taliban với thế giới, từ đó từng bước xây dựng một lộ trình hòa bình. Với sự hỗ trợ của các cường quốc khu vực và thế giới, cùng với sự hợp tác của Taliban, cộng đồng quốc tế có thể giúp đưa Afghanistan hướng tới một con đường chính trị mới vì một quốc gia ổn định hơn.