500 người Iraq thương vong trong hai ngày cuối tuần

Theo các nguồn tin an ninh của Iraq (Irắc), trong hai ngày 8-9/9, trên toàn lãnh thổ nước này đã xảy ra hơn 30 vụ tấn công làm ít nhất 88 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương, trong đó nhiều vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh chính phủ và các khu chợ đông người.

 

 Đây là một trong những đợt bạo lực đẫm máu nhất tại Iraq kể từ khi Mỹ hoàn tất rút quân khỏi nước này vào ngày 18/12/2011.

 

Nhân viên an ninh điều tra tại hiện trường vụ đánh bom xe ở thành phố Basra ngày 9/9. Ảnh: AFP-TTXVN

 

Nguồn tin từ Bộ Nội vụ Iraq cho biết, tối 9/9, bốn vụ nổ xe bom đã xảy ra tại các khu vực Washash ở phía Tây thủ đô Baghdad (Bátđa), các quận Sula và Shula và Hurriya ở Tây Bắc Baghdad, khu vực Nahrawan phía Đông Baghdad, làm ít nhất 18 người thiệt mạng và 66 người bị thương. Đây là các khu vực tập trung chủ yếu người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống. Trước đó, các vụ tấn công bằng bom, súng đạn xảy ra liên tiếp từ tối 8/9 trên cả nước Iraq đã làm tổng cộng 70 người thiệt mạng. Tin cho biết có 3 binh sĩ thiệt mạng trong một vụ tấn công của các tay súng vào một trạm kiểm soát quân sự tại khu vực Abu Ghraib, cách Baghdad 25 km về phía Tây. Lãnh sự quán Pháp tại thành phố Nassiriya, cách Baghdad 300 km về phía Nam, cũng bị tấn công.

 

Đợt bạo lực này diễn ra trong bối cảnh một tòa án hình sự Iraq ngày 9/9 kết án tử hình vắng mặt Phó Tổng thống đang bỏ trốn của nước này, ông Tareq al-Hashemi, một người Hồi giáo dòng Sunni, với các tội danh điều hành các nhóm sát thủ chống lại lực lượng an ninh, sát hại một luật sư và một chuẩn tướng. Thư ký và là con rể của ông Hashemi là Ahmed Qahtan cũng bị kết án tử hình.

 

Phiên tòa trên, bắt đầu hồi tháng Năm, đã xem xét cáo trạng đầu tiên trong số 150 cáo buộc nhằm vào Phó Tổng thống Hashemi và các vệ sĩ của ông này. Tuy nhiên, ông Hashemi phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời cho rằng đây là một hành động "trả thù chính trị" nhằm vào ông.

 

Giới phân tích nhận định việc Phó Tổng thống Hashemi bị kết án, cùng với làn sóng bạo lực leo thang, đe dọa làm gia tăng hơn nữa xung đột sắc tộc tại Iraq kể từ khi chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein- một người Hồi giáo dòng Sunni - sụp đổ, và chính phủ của người Shiite lên nắm quyền đang phải chật vật giải quyết bế tắc chính trị cũng như các hoạt động nổi dậy của người Sunni cho rằng họ bị loại khỏi đời sống chính trị xã hội của đất nước.

 

Theo các nhà quan sát, tình trạng bạo lực tại Iraq đã dịu bớt kể từ thời kỳ xung đột lên tới đỉnh điểm vào các năm 2006-2007 khi các vụ xung đột sắc tộc cướp đi sinh mạng hàng nghìn người. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân hồi tháng 12/2011, các nhóm Hồi giáo cực đoan và các phần tử khủng bố Al Qaeda thường xuyên tiến hành các vụ tấn công lớn nhằm kích động căng thẳng giữa hai cộng đồng Sunni và Shiite.

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN