4 nội dung then chốt trong Tuyên bố New Delhi của G20

Tuyên bố tập trung chủ yếu vào các vấn đề về khí hậu, phát triển bền vững, và giữ quan điểm trung lập khi đề cập cuộc xung đột ở Ukraine

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi bắt đầu phiên làm việc thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. Ảnh: AFP

20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đưa ra tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào ngày 9/9. Tài liệu này được công bố trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị lớn giữa một số thành viên và cuộc xung đột tiếp diễn trong bế tắc tại Ukraine. Tuyên bố đã không lên án Nga về cuộc xung đột ở Ukraine như mong muốn của các nước phương Tây, và kêu gọi tất cả các quốc gia không sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ.

"Nhờ sự làm việc chăm chỉ của tất cả các nhóm, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận về Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20. Tôi tuyên bố thông qua Tuyên bố này", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo.

Sự đồng thuận đã đến khá bất ngờ khi G20 bị chia rẽ sâu sắc về cuộc xung đột ở Ukraine, với việc các quốc gia phương Tây trước đó thúc đẩy việc lên án mạnh mẽ Nga trong Tuyên bố, trong khi các nước khác yêu cầu tập trung vào các vấn đề kinh tế rộng lớn hơn.

Cuộc xung đột ở Ukraine

Tuyên bố New Delhi nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định".

Theo đài RT, Tuyên bố này khó có thể đứng về một phía rõ ràng trong cuộc xung đột ở Ukraine, do cả những bất đồng giữa các thành viên và lập trường trung lập của nước chủ nhà Ấn Độ về vấn đề. Với việc các đoạn cuối cùng về Ukraine sẽ được hoàn thiện, Tuyên bố nêu rõ rằng tất cả các quốc gia “phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm cách chiếm đoạt lãnh thổ chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”, đồng thời nói thêm rằng “việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.”

Đài RT cho rằng, với việc Nga và Ukraine đều tấn công lãnh thổ mà bên kia tuyên bố chủ quyền, cách diễn đạt này đưa ra một sự thỏa hiệp về mặt kỹ thuật mà đại diện của Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov và những người đồng cấp phương Tây đều có thể chấp nhận.

Mặc dù lưu ý rằng “G20 không phải là nền tảng để giải quyết các vấn đề địa chính trị và an ninh”, Tuyên bố vẫn kêu gọi khôi phục Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen mà Nga đã rút khỏi vào tháng 7 với lý do là Mỹ và EU không giữ cam kết về tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm lương thực và phân bón của Nga.

Tuyên bố kêu gọi rõ ràng “việc cung cấp ngũ cốc, thực phẩm và phân bón/vật tư đầu vào không bị cản trở” từ cả Nga và Ukraine.

Tăng trưởng bền vững

Tuyên bố New Delhi kêu gọi tái định hình các thể chế tài chính toàn cầu để “thúc đẩy tăng trưởng, giảm bất bình đẳng và duy trì sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô”.

Trước đó, vào sáng 9/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với các đại biểu rằng ông tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20 nhằm “củng cố tiếng nói của 'Thế giới phương Nam'”.

Tuyên bố cho rằng các nước đang phát triển nên cơ cấu lại các khoản nợ của mình trong một số trường hợp và các quốc gia này nên được tiếp cận với một “hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử, công bằng, cởi mở, toàn diện, công bằng, bền vững và minh bạch”.

Tài liệu cũng kêu gọi tăng cường nghiên cứu về “các loại ngũ cốc giàu dinh dưỡng và chống chịu được khí hậu” cũng như tăng cường sản xuất phân bón trên toàn cầu để chống lại tình trạng thiếu lương thực.

Chương trình nghị sự về khí hậu

Tuyên bố kêu gọi “thực hiện đầy đủ và hiệu quả Thỏa thuận Paris cũng như mục tiêu về nhiệt độ của nó”. Văn bản này nêu rõ, việc đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức cao hơn hai độ so với mức tiền công nghiệp sẽ đòi hỏi “những hành động có ý nghĩa và hiệu quả”, bao gồm thuế carbon cao hơn, chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và loại bỏ dần năng lượng than.

Tuy nhiên, việc đạt được những mục tiêu này sẽ là một công việc tốn kém. Tuyên bố lưu ý rằng các nước đang phát triển sẽ cần tới 5,9 nghìn tỷ USD vào năm 2030, trong khi toàn thế giới sẽ cần 4 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 để giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050.

Thế giới đa cực

Mặc dù các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Trung Quốc và Nga đều báo trước sự xuất hiện của một trật tự thế giới “đa cực”, trong đó tập thể phương Tây không còn là trọng tài duy nhất trong quan hệ quốc tế, nhưng Tuyên bố của G20 đã tránh đề cập đến thuật ngữ này.

Thay vào đó, Tuyên bố New Delhi kêu gọi cải cách tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc phải “có trách nhiệm với toàn bộ thành viên, trung thành với các mục đích thành lập và các nguyên tắc trong Hiến chương LHQ và thích nghi để thực hiện nhiệm vụ của mình”. Đặc biệt, Ấn Độ đã nhiều lần kêu gọi có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và mong có thêm nhiều nước đang phát triển có ghế trong cơ quan này.

Tuyên bố kêu gọi “một chủ nghĩa đa phương toàn diện hơn và được tiếp thêm sinh lực” để “làm cho việc quản trị toàn cầu trở nên mang tính đại diện hơn”.

Theo đài RT, việc thảo luận về đa cực có thể sẽ chi phối các cuộc họp trong tương lai của G20, với các thành viên BRICS là Brazil và Nam Phi sẽ lần lượt đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh năm 2024 và 2025.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, Reuters)
Những lợi ích mà Liên minh châu Phi có được khi gia nhập G20
Những lợi ích mà Liên minh châu Phi có được khi gia nhập G20

Trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã chào đón Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực. Đây là một sự thừa nhận mạnh mẽ đối với châu Phi khi hơn 50 quốc gia tại đây đang tìm kiếm một vai trò quan trọng hơn trên trường toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN