2,4 triệu người biểu tình đòi Tổng thống Brazil từ chức

Ngày 13/3, hơn 2,4 triệu người trên khắp Brazil đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành lớn yêu cầu Tổng thống Dilma Rousseff từ chức.

Biển người biểu tình tại Sao Paulo.

Ngày 13/3, hơn 2,4 triệu người trên khắp Brazil đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành lớn do phe đối lập kêu gọi nhằm phản đối Chính phủ và yêu cầu Tổng thống Dilma Rousseff từ chức, bởi tình trạng kinh tế khó khăn và cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên trầm trọng tại Brazil từ năm ngoái cũng như vụ bê bối tham nhũng khổng lồ tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras bị phanh phui.

Chỉ riêng tại Sao Paulo - trung tâm kinh tế và công nghiệp của Brazil và cũng là thành trì của phe đối lập - 1,4 triệu người đã tham gia cuộc tuần hành. Thượng nghị sĩ Aecio Neves, Chủ tịch đảng Xã hội dân chủ (PSDB) đối lập và là ứng cử viên tổng thống đã bị bà Rousseff đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014, cũng đã tham gia cuộc biểu tình.

Trong khi đó, tại thủ đô Brasilia, thành phố Rio de Janeiro và hàng trăm thành phố khác trên cả nước, hàng chục nghìn người cũng đã xuống đường.

Trong một thông cáo chính thức ra cùng ngày, Chính phủ Brazil đánh giá cuộc tuần hành đã diễn ra trong không khí hòa bình, dân chủ, tự do và mọi ý kiến cần phải được tôn trọng. Tối cùng ngày, Tổng thống Rousseff cũng đã có buổi họp với Chánh văn phòng nội các Jaques Wagner và một số bộ trưởng thân cận nhằm đánh giá ảnh hưởng của cuộc biểu tình.

Trước đó, ngày 12/3, đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) trong liên minh cầm quyền thông báo trong vòng 30 ngày tới sẽ đưa ra quyết định về việc có tiếp tục ở lại trong thành phần của Chính phủ hiện nay hay không. Điều này cho thấy có sự rạn nứt lớn trong liên minh cầm quyền và cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Brazil đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Phó Tổng thống Michel Temer, Chủ tịch PMDB, thừa nhận cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế hiện nay tại nước này là “rất trầm trọng” và kêu gọi đoàn kết để vượt qua khó khăn. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil trở nên nghiêm trọng từ năm ngoái do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như vụ bê bối ở Petrobras khiến khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra. Vụ việc này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh đảng PT cầm quyền, cựu Tổng thống Lula da Silva - người sáng lập đảng này, và uy tín của Tổng thống Rousseff.

Hiện bà Rousseff đang phải đối đầu trước nguy cơ bị đưa ra xét xử trước một phiên tòa chính trị tại Quốc hội nhằm cách chức Tổng thống. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm bà Rousseff, ông Temer sẽ là người giữ chức Tổng thống tạm quyền tới hết nhiệm kỳ của Chính phủ vào cuối năm 2018.

Năm 2015, kinh tế Brazil suy giảm 3,8% - mức giảm mạnh nhất trong 25 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, tương đương 8 triệu người không có việc làm, và đây là tỷ lệ cao nhất trong 8 năm gần đây. Điều đáng lo ngại hơn cả đó là 75% số người thất nghiệp là thanh niên dưới 24 tuổi. Trong giai đoạn 2003-2014, có tới 40 triệu người thoát nghèo thì hiện tại tỷ lệ người nghèo lại đang gia tăng. Với diện tích 8,5 triệu km2 và hơn 200 triệu dân, Brazil hiện vẫn là một quốc gia có sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn và xã hội bị chia rẽ nặng nề.

TTXVN/Tin Tức
Chính phủ Brazil trước nguy cơ tan rã
Chính phủ Brazil trước nguy cơ tan rã

Ngày 12/3, Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Dilma Rousseff thông báo trong vòng 30 ngày tới sẽ đưa ra quyết định về việc có tiếp tục ở lại trong thành phần của Chính phủ hiện nay hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN