15 năm nắm quyền và '10 vụ khó' mà Tổng thống Putin đối mặt

Trong 15 năm nắm quyền ở các cương vị cao nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng phải đối mặt với nhiều vụ việc, sự kiện mà việc đưa ra quyết định là rất khó khăn, trước các sức ép ở cả trong và ngoài nước.

1. Cuộc chiến Chechnya: Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang năm 2000, ông Putin đã áp đặt sự kiểm soát liên bang đối với Chechnya – vùng đất lúc đó đang đòi độc lập, tách khỏi Nga. Quyết định này đưa đến cuộc chiến lần 2 ở Chechyna, với chiến thắng cuối cùng thuộc về Nga vào năm 2009. Tuy nhiên, những hậu quả của cuộc chiến thì vẫn còn dai dẳng.

2. Bắt giữ tỉ phú Khodorkovsky: Năm 2003, tỉ phú giàu nhất nước Nga, Mikhail Khodorkovsky bị cáo buộc phạm tội gian lận, trốn thuế và bị bỏ tù. Có thông tin cho rằng, vụ việc diễn ra sau khi Khodorkovsky có tranh cãi với Putin về tệ tham nhũng trong giới quan chức cấp cao ở Điện Kremlin. Tháng 12/2010, tỉ phú này cùng với đối tác kinh doanh Platon Lebedev còn bị kết tội biển thủ và rửa tiền, kéo dài thời hạn thụ án đến năm 2014. Tuy nhiên, Khodorkovsky đã được phóng thích vào ngày 20/12/2013.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti


3. Cải tổ quyền lực: Năm 2005, ông Putin áp đặt “mô hình quyền lực theo chiều dọc” nhằm mở rộng quyền lực của chính quyền liên bang, với việc bãi bỏ các cuộc bầu cử trực tiếp để chọn ra các thống đốc, người đứng đầu chính quyền các thực thể trực thuộc liên bang. Thay vào đó là một hệ thống cho phép Moskva chỉ định thống đốc ở 83 khu vực trên cả nước.

4. Vụ bắt giữ con tin Beslan: Từ 1-3/9/2004, Tổng thống Putin và lực lượng vũ trang liên bang Nga đối mặt với một “cơn đau đầu” thực sự liên quan vụ bắt giữ con tin ở một trường học tại Beslan, do các phần tử ly khai Chechnya thực hiện. 334/1.000 con tin đã thiệt mạng sau khi cơ quan chức năng quyết định mở cuộc tấn công trấn áp bọn khủng bố. Xuất hiện một số chỉ trích nhằm vào cách thức xử lý khủng hoảng được cho là chưa phù hợp, khi chú trọng sử dụng vũ khí hạng nặng, có cả dàn súng phóng lựu và xe tăng để giải cứu các con tin.

5. Tạo lập bộ đôi Putin - Medvedev: Tổng thống Putin được cho là đã có cách “né hạ” những quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga, thông qua “trò chơi quay vòng” tại cuộc bầu cử hồi giữa năm 2008. Ông chuyển sang vai trò là Thủ tướng, trong khi ông Dmitry Medvedev nắm chức Tổng thống. Hiến pháp liên bang không cho phép một cá nhân đảm nhận cương vị Tổng thống quá 2 nhiệm kì liên tiếp. Khi nhiệm kỳ 4 năm của ông Medvedev sắp kết thúc vào năm 2012, đã xuất hiện chiến dịch đưa Putin trở lại làm ông chủ Điện Kremlin. Tại Đại hội Đảng nước Nga thống nhất, đương kim Thủ tướng Putin chấp nhận lời đề nghị tranh cử vào vị trí Tổng thống. Quyết định này gây ra một số cuộc biểu tình chống đối. Nhiều người đã bị bắt giữ, đáng chú ý trong số này là 2 thành viên thuộc nhóm nhạc Pussy Riot là Nadezhda Tolokonnikova và Maria Alyokhina.

6. Cấm đồng tính: Nga chính thức thông qua luật cấm đồng tính, theo đó cấm mọi hoạt động “tuyên truyền đồng tính”. Điều này đã gây ra sự phản đối từ dư luận quốc tế, rõ nhất là Văn phòng Cao ủy LHQ về nhân quyền và Hội đồng nghị viện châu Âu. Một số cá nhân, tổ chức thậm chí còn kêu gọi đoàn thể thao các nước tẩy chay Olympic Sochi tổ chức tại Nga năm 2014.

7. Giải thể RIA Novosti: Tháng 12/2013, Tổng thống Putin ra lệnh đóng cửa hãng thông tấn quốc gia RIA Novosti và thế vào đó là tổ hợp truyền thông Russia Today (RT). Người đứng đầu RT là nhà báo Dmitry Kiselev, một người mang tư tưởng bảo thủ cực đoan, từng có tuyên bố: cấm người đồng tính cho máu, tim người đồng tính mang đi đốt chứ không thể để dùng hiến tạng.

8. Olympic Sochi 2014: Đã có những tranh cãi liên quan đến việc tổ chức Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014. Một số người cho rằng nước Nga đã quá hoang phí khi bỏ ra số tiền lên tới 51 tỉ USD cho sự kiện này, mà chưa đâu vào đâu, với cơ sở hạ tầng, nhà ở cho vận động viên, phóng viên báo chí vẫn còn trong tình trạng chắp vá khi giải đấu bắt đầu.

9. Sáp nhập Crimea: Ngày 17/3/2014, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh "phê chuẩn hiệp ước dự thảo giữa Liên bang Nga với nước Cộng hòa tự trị Crimea về việc chuẩn thuận Crimea sáp nhập Nga". 4 ngày sau, Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê chuẩn thành luật Hiệp ước sáp nhập Crimea, hoàn tất tiến trình sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga. Quyết định này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Ukraine và nhiều nước phương Tây.

10. Thảm kịch MH17: Vụ máy bay MH17 “bị rơi” trên bầu trời Ukraine hôm 17/7 vừa qua đã tạo ra những sức ép nhất định đối với Điện Kremlin và cá nhân Tổng thống Putin. Tổng thống Ukraine cùng một loạt các lãnh đạo phương Tây đổ lỗi cho phe ly khai miền đông là thủ phạm bắn tên lửa, hạ máy bay và đằng sau đó là trách nhiệm liên đới của Nga. Về phần mình, Tổng thống Putin cáo buộc chính quyền Kiev đã không làm hết trách nhiệm; kịch liệt phản đối ý đồ lợi dụng vụ việc để đạt được các mục đích chính trị. 


Hoài Thanh (Tổng hợp)

TT Putin: Cần điều tra quốc tế độc lập và khách quan vụ MH17
TT Putin: Cần điều tra quốc tế độc lập và khách quan vụ MH17

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rute trong đó hai bên nhấn mạnh cần mở một cuộc điều tra mang tính quốc tế và do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chủ trì, với sự tham gia của tất cả các bên có liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN