06:08 19/06/2012

Thế giới tạm “thở phào” về Hy Lạp

Cuộc tổng tuyển cử lại tại Hy Lạp đã kết thúc hôm 17/6 với kết quả làm giới đầu tư khắp thế giới và các nhà lãnh đạo châu Âu tạm thời thở phào khi Aten thoát khỏi nguy cơ ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro-một viễn cảnh có thể làm chao đảo nền kinh tế cựu lục địa và toàn cầu.

Cuộc tổng tuyển cử lại tại Hy Lạp đã kết thúc hôm 17/6 với kết quả làm giới đầu tư khắp thế giới và các nhà lãnh đạo châu Âu tạm thời thở phào khi Aten thoát khỏi nguy cơ ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) - một viễn cảnh có thể làm chao đảo nền kinh tế cựu lục địa và toàn cầu. Tuy vậy, thắng lợi này cũng đồng thời mở ra những thách thức phải giải quyết cho cả Hy Lạp và châu Âu.


Theo kết quả được Bộ Nội vụ Hy Lạp công bố ngày 18/6, đảng Dân chủ Mới và đảng xã hội Pasok - hai đảng vốn ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), đã giành được đa số quá bán cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ mới, qua đó giải tỏa nỗi lo Hy Lạp sẽ rút khỏi Eurozone. Đảng Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ giành được 128 ghế trong tổng số 300 ghế tại quốc hội Hy Lạp; đảng Pasok giành 33 ghế, trong khi Liên minh Các lực lượng cực tả Syriza, phản đối các biện pháp khắc khổ, về thứ hai với 71 ghế.


Thị trường chứng khoán Tôkyô tăng điểm nhờ được hỗ trợ bởi kết quả bầu cử tại Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Mặc dù lãnh đạo đảng Dân chủ Mới, ông Antonis Samaras phát biểu rằng, kết quả bầu cử sẽ trấn an các nhà đầu tư rằng “Hy Lạp đã được neo chắc với đồng euro”, nhưng vẫn có khả năng xảy ra những kịch bản xấu, như Eurozone sẽ từ bỏ Aten trong trường hợp chính phủ mới không thể thỏa hiệp với EU về việc thay đổi các điều kiện của gói cứu trợ thứ hai, hoặc không thực hiện các biện pháp khắc khổ và cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ. Theo tính toán của các chuyên gia, việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ khiến khu vực này ngay lập tức bị mất 350 - 400 tỷ euro, đồng thời gây chấn động tới các thị trường tài chính quốc tế.


Một trong những khó khăn trước mắt là, trong cuộc bầu cử vừa qua, Đảng Dân chủ Mới giành số phiếu cao nhất, nhưng thủ lĩnh Antonis Samaras vẫn chưa thể bật nắp chai ouzo (loại rượu truyền thống của Hy Lạp) để ăn mừng khi đảng của ông vẫn phải lệ thuộc vào đảng xã hội Pasok đối thủ để thành lập một chính phủ liên minh ủng hộ gói cứu trợ từ EU. Việc xây dựng chính phủ mới là không đơn giản bởi lãnh đạo Pasok, Evangelos Venizelos khẳng định họ sẽ không tham gia liên minh nếu không có đảng cực tả Syriza, trong khi thủ lĩnh Syriza lại tuyên bố không tham gia bất cứ chính phủ nào ủng hộ cứu trợ!


Ngày 18/6, các thị trường tài chính và hàng hóa đã phản ứng tích cực sau khi “quả bom” Hy Lạp tạm thời được tháo ngòi. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 ở Tôkyô lúc đóng cửa tăng 1,77%; Chỉ số Hangseng (Hồng Công) tăng 1,24%, Thượng Hải tăng 0,58% và thị trường Xơun tăng 1,81%. Chỉ số thị trường chứng khoán ở Ôxtrâylia cũng tăng 1,96% lúc đóng cửa phiên giao dịch. Tại châu Âu, đồng euro đã hồi phục mạnh nhất trong gần một tháng qua, với mức tăng 1% so với USD, lên 1,2748 euro/USD. Thị trường chứng khoán Hy Lạp ngay lúc mở cửa đã tăng vọt 6,48%, trong đó các chứng khoán ngân hàng tăng tới 14%. Chỉ số IBEX - 35 của Tây Ban Nha tăng 1,31% chỉ trong 10 phút giao dịch đầu tiên và kết thúc phiên giao dịch buổi sáng 18/6 tăng 1,8%. Các thị trường chứng khoán quan trọng của châu Âu cũng đồng loạt khởi sắc: chỉ số FTSE 100 của Luân Đôn tăng 1,33%; chỉ số DAX 30 tại Frankfurt tăng 1,21% và chỉ số CAC 40 tại Pari tăng 1,08%. Tuy nhiên, vào lúc mở cửa, thị trường chứng khoán New York lại giảm sút sau hai ngày phục hồi với nguyên nhân theo giới chuyên gia là “mối lo ngại nằm ở vấn đề nợ công của Tây Ban Nha, chứ không phải ở Hy Lạp”. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 1.340,44 điểm, chỉ số Dow Jones cũng giảm 0,2% xuống còn 12.736,37 điểm. Riêng chỉ số NASDAQ tăng 0,17% lên 2.877,58 điểm.

Ngay cả khi Hy Lạp thành lập được chính phủ mới, thì những khó khăn mới chỉ là bắt đầu. Wilbur Ross, tỉ phú đầu tư, Chủ tịch công ty WL Ross & Co., cho rằng, vấn đề thực sự mà Hy Lạp đang đối mặt là chính phủ mới sẽ thực thi những chính sách nào để giải quyết khủng hoảng. Theo ông Ross, Aten đứng trước thách thức lớn là lỗ hổng khổng lồ giữa gánh nặng nợ nần với thu nhập quốc gia, và đất nước Nam Âu này đang đối mặt với nguy cơ cạn sạch tiền mặt. Ông Ross cho rằng, chính phủ nên ưu tiên bán bớt các tài sản nhà nước như bất động sản và những công ty thuộc sở hữu của chính phủ - một động thái sẽ không vấp phải nhiều phản ứng như các biện pháp khắc khổ, vốn ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và lợi ích của người lao động.


Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ đứng trước những quyết định khó khăn nhằm duy trì mức độ tín nhiệm về mặt tài chính, tránh để khủng hoảng lây lan và tạo ra tiến bộ thuyết phục để hướng tới một kế hoạch lớn cho sự hội nhập sâu hơn nữa trong Eurozone. Giới phân tích cho rằng, mặc dù liên minh ủng hộ cứu trợ giành chiến thắng, Hy Lạp chắc chắn sẽ yêu cầu nới lỏng các điều kiện của gói cứu trợ. Nếu khu vực đồng euro đưa ra quá nhiều thỏa hiệp sẽ ảnh hưởng tới uy tín của khu vực, khiến khủng hoảng lây lan do các quốc gia khác cũng sẽ yêu cầu nhân nhượng đối với những cải cách đầy đau đớn mà họ đang phải thực hiện.


Bình luận về diễn biến tại Hy Lạp, tờ El Pais của Tây Ban Nha viết: “Người Hy Lạp, Eurozone và cả thế giới đã tạm thở phào sau kết quả bầu cử tại Hy Lạp. Nhưng với kết quả này, đồng euro vẫn chưa thể thoát nạn”. Tờ Times của Anh thì bình luận: “Bế tắc có thể đã được tránh, nhưng chúng ta vẫn chưa thể đảm bảo liệu tương lai của Hy Lạp tại Eurozone có thể bền vững trong dài hạn hay không”. Tờ Spiegel của Đức cũng giật dòng tít “Một chút hy vọng” để nói về chiến thắng của liên minh ủng hộ cứu trợ tại Hy Lạp.


Trong khi đó, tờ báo kinh tế hàng đầu của Mỹ, tạp chí Wall Street đưa ra nhận định khá “sốc” rằng, Đức, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, thực chất có thể đang muốn Hy Lạp ra khỏi liên minh tiền tệ để tránh phải tốn kém quá lớn cho một gói cứu trợ không chắc đã thành công: “Người Đức đang đi đến kết luận rằng, tình hình Hy Lạp có thể không cải thiện được... Bà Merkel sẽ đối mặt với quyết định khó khăn nếu ông Samaras thành lập chính phủ và sau đó đòi thương lượng lại điều kiện cứu trợ. Liệu thủ tướng Đức có dám nói ‘không’, để sau đó sẽ là cuộc rút lui đầu tiên khỏi Eurozone?”.


Thu Hằng