11:07 01/11/2012

Thế giới sau tháng 11/2012 sẽ ra sao?

Ngày 6/11 tới, đương kim Tổng thống Barack Obama hoặc cựu Thống đốc Mitt Romney sẽ trở thành vị tổng thống mới của nước Mỹ sau một trong những kỳ bầu cử khó đoán nhất trong lịch sử nước này.

Ngày 6/11 tới, đương kim Tổng thống Barack Obama hoặc cựu Thống đốc Mitt Romney sẽ trở thành vị tổng thống mới của nước Mỹ sau một trong những kỳ bầu cử khó đoán nhất trong lịch sử nước này. Ở phía bên kia đại dương, ngày 8/11, hơn 2.000 đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tới Bắc Kinh dự Đại hội Đảng lần thứ 18 để một tuần sau đó bầu ra thế hệ lãnh đạo thứ năm của cường quốc 1,3 tỷ dân này.


 

Ông Obama (trái) và ông Romney trong các cuộc vận động tranh cử.

 

Trong bài viết đăng trên báo Project Syndicate (Mỹ) mới đây, nguyên Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Javier Solana đã có bài phân tích về tình hình thế giới sau tháng 11/2012. Theo ông Javier Solana, khi lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thay đổi, thế giới cũng thay đổi theo.


Trước hết, khu vực Trung Đông đang trải qua giai đoạn thay đổi sâu sắc. Quá trình tái thiết, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đang bắt đầu ở một vài nước. Trong khi đó, tình hình ở một số quốc gia như Xyri, Iran vẫn khá nóng, khiến quan hệ giữa các cường quốc trong khu vực cũng nóng theo. Sau bài phát biểu tại Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi đặt ra một “ranh giới đỏ” cho chương trình hạt nhân của Iran vào mùa xuân hoặc mùa hè năm 2013, Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu đã kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm mà kết quả của nó có thể tạo thêm vị thế cho ông trong hành động với Iran. Trong khi đó, Ai Cập cũng đang tìm kiếm sự cân bằng cả về đối nội (soạn thảo hiến pháp mới) và đối ngoại.


Đây là một phần bức tranh đang thay đổi mà các nhà lãnh đạo thế giới mới sẽ thừa hưởng ở Trung Đông, nơi Mỹ đã can dự sâu sắc. Sau gần 1 thập kỷ can dự quân sự ở khu vực này, các lực lượng Mỹ đã rút quân khỏi Irắc và lên kế hoạch kết thúc cuộc chiến ở Ápganixtan vào năm 2014.


Tổng thống mới của Mỹ cũng sẽ thừa hưởng một đất nước có sự thay đổi đáng kể khi nhìn nhận về địa chính trị thế giới. Những tiến bộ về công nghệ đã bắt đầu biến giấc mơ độc lập về năng lượng của người Mỹ thành hiện thực. Công nghệ khoan khí đã tạo ra cuộc cách mạng về khai thác khí đá phiến, một nguồn khí quan trọng giúp Mỹ có thể trở thành quốc gia xuất khẩu số một về khí đốt trong tương lai. Ngoài ra, người Mỹ đã đạt đỉnh về tiết kiệm năng lượng. Năm 2011, lần đầu tiên trong 15 năm, lượng dầu nhập khẩu đã giảm xuống dưới 50% tổng mức tiêu thụ. Sản xuất khí đá phiến đã tăng từ 17% giai đoạn 2000 - 2006 lên 48% trong giai đoạn 2006 - 2010. Ước tính đến năm 2035, khí đá phiến sẽ chiếm gần một nửa tổng sản xuất năng lượng của Mỹ.


Đột phá của cuộc cách mạng công nghệ này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà về chính trị, việc giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài có thể cho phép Mỹ tập trung vào chính sách đối ngoại hướng đến châu Á.


Không chỉ giới lãnh đạo Mỹ sẽ thừa hưởng một thế giới thay đổi. Bên kia bờ Thái Bình Dương, những ngày tháng tăng trưởng kinh tế cao ở châu Á có thể đi đến hồi kết. Thực tế, các vụ việc xảy ra trong những tháng gần đây đã bộc lộ dấu hiệu bất ổn trong nội bộ Trung Quốc. Các vấn đề đối nội nghiêm trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cần phải được giải quyết.


Trong bối cảnh các nước lớn còn phải bận tâm giải quyết những thay đổi nội bộ của mình, khu vực Trung Đông tiếp tục cháy âm ỉ. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo mới ở Oasinhtơn và Bắc Kinh sau tháng 11/2012 sẽ trở thành những người "chữa cháy" hay là những người làm cho ngọn lửa cháy to hơn?

 

Quang Tuyến