Phát hiện tinh trùng 50 triệu tuổi ở Nam Cực

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện mẫu hóa thạch tinh trung của loài giun đốt có niên đại 50 triệu năm tại Nam Cực. Đây là loại mẫu vật cổ nhất loại này từng được biết đến.

Hóa thạch tinh trùng 50 triệu tuổi được phát hiện ở Nam Cực.


Mẫu vật tinh trùng mới được phát hiện là của một loài giun Nam Cực đã tuyệt chủng. Trong chiếc kén được tạo ra nhằm mục đích giao phối đã bị hóa thạch, các nhà khoa học phát hiện hóa thạch các tế bào tinh trùng. Thông tin về phát hiện ít gặp này mới được đăng tải trên tạp chí Biological Letters.

Tác giả Benjamin Bomfleur, một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển ở Stockholm nói: “Bởi vì các tế bào tinh trùng có vòng đời ngắn và mong manh, chúng rất hiếm khi được phát hiện trong các hồ sơ hóa thạch”.

Một thành viên trong đội nghiên cứu tình cờ phát hiện ra hóa thạch này trong lúc sàng lọc các mẫu đá từ Nam Cực nhằm tìm kiếm hóa thạch của những loài động vật nhỏ. Khi chiếc kén hóa thạch được tìm thấy và quan sát kĩ hơn nhờ sự hỗ trợ của kính hiển vi điện tử, các nhà khoa học phát hiện sự hiện diện của một số lượng lớn các tế bào tinh trùng.

Đảo Seymour, Nam Cực - nơi phát hiện tinh trùng hóa thạch.


Sau khi so sánh với các tính chất vật lý của tinh trùng hóa thạch với tinh trùng của những loài giun vẫn tồn tại đến ngày nay, đội nghiên cứu kết luận rằng đây là tinh trùng của loài giun đốt, một nhóm động vật gồm giun đất và đỉa. Cụ thể, tinh trùng hóa thạch có nét tương đồng với tinh trùng của loài giun sống kí sinh trên tôm hùm đất hiện đại. Loài giun hiện đại này là những sinh vật nhỏ, có hình dạng như đỉa, sống trên lớp vỏ của tôm và ăn những chất hữu cơ phân hủy.

Đồng tác giả Steve McLoughlin cho hay, điều ngạc nhiên là việc “loài giun tôm hùm đất hiện đại được biết đến chỉ xuất hiện ở bán cầu Bắc. Nếu sự xác định của chúng tôi chính xác thì điều này chỉ ra rằng nhóm động vật này từng có khu vực sinh sống lớn hơn vào 50 triệu năm trước”.

Theo Renate Matzke-Karasz, một nhà địa sinh vật học tại trường đại học Ludwig Maximilian Munich (Đức), một cuộc điều tra về hình thái học của tinh trùng hóa thạch có thể hé lộ những chi tiết khác về sự tiến hóa của nhóm động vật này.

Ngoài ra, vì kén của loài giun đốt này phải mất nhiều ngày để có thể để trở nên cứng cáp, các nhà khoa học cho rằng nhiều sinh vật nhỏ khác có thể bị kẹt trong lớp vỏ kén này. “Chúng tôi có nhiều kén hóa thạch từ nhiều địa điểm trên thế giới. Trong tương lai chúng tôi sẽ nghiên cứu để xem liệu chúng có chứa các tế bào tinh trùng hay những sinh vật nhỏ bị mắc kẹt khác hay không”, McLoughlin nói.

Năm 2014, nhóm nghiên cứu của nhà cổ sinh vật học Michael Archer (trường đại học New South Wales, Australia), đã phát hiện tinh trùng tôm nhỏ 17 triệu năm tuổi trong một hang động ở Queensland. Ngoài nhân (tế bào) hóa thạch, những tế bào tinh trùng này còn có những cấu trúc dưới mức tế bào khác. Nhà cổ sinh vật học này cho rằng các nhà khoa học cũng có thể có những phát hiện tương tự với  các tế bào tinh trùng của loài giun đốt mới được tìm thấy.

“Sẽ vô cùng thú vị để xem xét liệu những tế bào tinh trùng của loài giun đốt có chứa các cấu trúc dưới tế bào hay không. Quá khứ đang chờ đợi được hé lộ bằng những nghiên cứu sâu hơn”, Archer nói.

Anh Tiếu (Theo National Geographic)
Mặt nạ chống nắng kiểu “khủng bố” nở rộ
Mặt nạ chống nắng kiểu “khủng bố” nở rộ

Trên khắp các bãi biển ở Trung Quốc hiện không hiếm bắt gặp cảnh tượng khách du lịch bơi tại đây đeo một chiếc mặt nạ kỳ lạ trông giống các đối tượng khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN