Người cổ đại tuyệt chủng ra sao?

Trước khi tuyệt chủng khoảng 40.000 năm trước, người cổ đại Neanderthal từng sống song hành với người hiện đại ở châu Âu trong khoảng 5 thiên niên kỷ, khoảng thời gian đủ dài để diễn ra những trao đổi về văn hóa và phối giống. Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu trường Đại học Oxford (Anh) đăng trên tạp trí khoa học "Tự nhiên" của nước này ra ngày 20/8.

Hai nhà nghiên cứu Thomas Higham và Katerina Douka thu thập mẫu vật để xác định độ tuổi bằng phương pháp carbon phóng xạ từ một hang động ở Nga. Ảnh: nytimes.com


Giới khoa học từ lâu đã tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi từ khi nào, như thế nào và vì sao người cổ đại tuyệt chủng, "nhường" Trái Đất cho người hiện đại? Những nghiên cứu dựa trên giải phẫu học trước đây cho thấy người hiện đại có nguồn gốc từ châu Phi, đến châu Âu từ 50.000 đến 30.000 năm trước và tìm thấy người Neanderthal ở đó. Thời gian giao lưu ngắn giữa 2 giống người này đã tạo ra giống người không phải châu Phi ngày nay mang khoảng 1,5-2,1% gen người cổ đại Neanderthal.

Trong nghiên cứu mới đây nhất nhằm xác định thời gian cuối cùng người cổ đại tồn tại trên Trái Đất, các nhà nghiên cứu trường Oxford cũng khẳng định châu Âu cách đây 45.000 năm chủ yếu do người cổ đại Neanderthal "chiếm giữ", với những nhóm nhỏ người hiện đại sống xen kẽ. Tình trạng này kéo dài hơn 5.000 năm sau đó cho đến khi người cổ đại biến mất.

Theo các nhà nghiên cứu Oxford, người cổ đại Neanderthal biến khỏi các vùng ở châu Âu vào những thời điểm khác nhau, chứ không phải bị thế chỗ bằng một cuộc "đổ bộ" của người hiện đại. Diễn biến này dường như được đánh dấu bằng sự giao thoa văn hóa và sinh học kéo dài vài nghìn năm. Không có bằng chứng cho thấy hai nhóm người này sống gần nhau, song họ cùng tồn tại trong từ 25 đến 250 thế hệ (từ 2.600 đến 5.400 năm), tùy thuộc vào các vùng, thời gian đủ dài để giao thoa văn hóa và phối giống.

Để có được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ tiên tiến để xác định niên đại 200 mẫu xương, than và vỏ thu thập từ 40 vị trí khai quật khảo cổ từ Nga đến Tây Ban Nha. Vì việc xác định niên đại dựa trên carbon phóng xạ là đáng tin cậy, nhưng thường gặp khó khăn do sự thoái biến của carbon trong xương hay mẫu đá có niên đại hơn 25.000 năm, các nhà nghiên cứu Oxford đã phải dùng các biện pháp siêu lọc để loại bỏ hết tạp chất khỏi collagen chiết xuất từ xương.

Trưởng nhóm nghiên cứu Thomas Higham khẳng định với biện pháp siêu lọc, nhóm của ông có thể tự tin khẳng định đã tìm ra lời giải cho câu hỏi người cổ đại Neanderthal biến mất vào thời gian nào trong lịch sử. Nhóm của ông tiến hành nghiên cứu này trong 6 năm.


TTXVN/Tin tức
Ai là người đầu tiên thuần hóa mèo?
Ai là người đầu tiên thuần hóa mèo?

Trong khi nhiều người vẫn cho rằng loài mèo được thuần hóa lần đầu tiên ở Ai Cập cách đây 4.000 năm thì theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học, những người đầu tiên thuần hóa mèo hoang dã thành mèo nhà là nông dân Trung Quốc. Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này hình thành cách đây 5.300 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN