09:08 17/09/2011

Thế bí của các bên trong vấn đề Palextin tại LHQ

Sau nhiều năm đàm phán với Ixraen không mang lại kết quả, tuần tới chính quyền Palextin sẽ chính thức đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) công nhận là một nhà nước độc lập.

Sau nhiều năm đàm phán với Ixraen không mang lại kết quả, tuần tới chính quyền Palextin sẽ chính thức đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) công nhận là một nhà nước độc lập. Tờ The Guardian (Người Bảo vệ) của Anh ngày 14/9 phân tích về một cuộc chạy đua nước rút đang diễn ra giữa các bên, liên quan tới sự kiện có tính chất quyết định với “con tàu hòa bình Trung Đông”.

Đông đảo người dân Palextin đã tham gia cuộc tuần hành tại thành phố Nablus, khu Bờ Tây để bày tỏ sự ủng hộ đề nghị Palextin là thành viên của Liên hợp quốc. THX-TTXVN


Lâu nay, Mỹ vẫn tìm cách thiết kế một vòng đàm phán hòa bình Trung Đông mới nhằm ngăn chặn tình huống ngoại giao khó xử một khi Palextin đệ đơn lên LHQ. Oasinhtơn đang tung sứ giả đi gặp các nhà lãnh đạo Palextin và Ixraen để thuyết phục hai bên trở lại bàn đàm phán. Các nhà ngoại giao Mỹ cũng đang tiếp xúc với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - đặc phái viên Trung Đông của nhóm “bộ Tứ” gồm LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga - nhằm xây dựng một khuôn khổ đối thoại cho các bên. Những cuộc làm việc giữa một bên là các sứ giả Mỹ David Hale và Dennis Ross, ủy viên đối ngoại EU Catherine Ashton và ông Blair; và một bên là các nhà lãnh đạo của Palextin và Ixraen cũng đã được lên lịch.

Ở trong nước, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ dùng quyền phủ quyết nếu đề nghị của Palextin được trình lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Ngày 14/9, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã mở phiên điều trần về việc liệu Mỹ có nên ngừng viện trợ cho Palextin hay không. Trong khi nhóm ủng hộ Ixraen chiếm đa số lên tiếng đòi cắt viện trợ, một số người khác lo ngại việc này có thể khiến Ixraen sẽ phải trả giá đắt hơn cho hành vi xâm chiếm của họ.

Oasinhtơn cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của Anh cho cách tiếp cận hiện nay đối với vấn đề Palextin. Hai thành viên thường trực của HĐBA là Trung Quốc và Nga đã công khai ủng hộ Palextin trở thành một quốc gia độc lập. Pháp tỏ ra thông cảm với Palextin, nhưng cũng đang tìm kiếm một giải pháp dung hòa để có thể nhận được sự ủng hộ từ Đức - nước đang phản đối LHQ kết nạp Palextin - nhằm tạo lập một quan điểm chung cho EU.

Tới nay, Anh vẫn chưa công khai sẽ bỏ phiếu ủng hộ hay phản đối. Các nguồn tin ngoại giao nói rằng nước này đang bị giằng xé giữa một bên là ủng hộ Mỹ và một bên là nỗi lo vị thế của mình ở Trung Đông, nhất là trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh chóng như hiện nay. Hơn nữa, Anh vẫn đang nhúng tay khá sâu vào Libi.

Tổng thống Palextin Mahmuod Abbas nói, ông sẽ đưa đề nghị công nhận nhà nước độc lập lên HĐBA vào tuần tới. Nhưng một số quốc gia Arập và châu Âu đang gây sức ép để ông Abbas chấp nhận trình lên Đại Hội đồng - nơi chỉ có quyền phê chuẩn quy chế quan sát viên - nhằm tránh cho Oasinhtơn rơi vào tình thế khó xử buộc phải dùng quyền phủ quyết.

Ixraen cũng đang chạy nước rút thuyết phục những nước còn đang do dự không bỏ phiếu phê chuẩn nghị quyết của LHQ về Palextin. Đã có những đồn đoán rằng Ixraen đe dọa rút khỏi các thỏa thuận đã ký, áp đặt lệnh trừng phạt tài chính nếu như đề nghị của Palextin được thông qua. Ron Prosor, Đại sứ Ixraen tại LHQ, thừa nhận họ đã thất bại trong “cuộc chiến ngăn chặn sóng thủy triều” từ phía Palextin, nhưng cảnh báo rằng “quá trình hành xử đơn phương này sẽ không dẫn tới hòa bình và không dẫn tới sự ra đời của một nhà nước Palextin độc lập”.

Hiện EU đang là tâm điểm cho những nỗ lực nhằm tránh cho các bên rơi vào một tình huống ngoại giao khó xử. EU duy trì quan điểm, chỉ thông qua con đường đàm phán mới giải quyết được cuộc xung đột Ixraen – Palextin; bởi liên minh này không muốn có sự chia rẽ giữa 27 thành viên. Tuy nhiên, các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đột phá đang vấp phải hòn đá tảng, đó là yêu cầu tiên quyết của Palextin rằng bất cứ một cuộc đàm phán nào cũng phải chấp nhận đường biên giới thiết lập trước năm 1967 và Ixraen phải ngừng mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây – điều mà Ixraen không bao giờ chấp nhận.

Các quan chức Palextin nói rằng đệ đơn lên LHQ không có nghĩa là tiến trình đàm phán sẽ chấm dứt, trái lại nó là “sự khởi đầu của một quá trình”. Bề ngoài, giới lãnh đạo Palextin tỏ ra rất kiên quyết với quan điểm này, nhưng bên trong họ tỏ ra khá dao động. Tuy nhiên, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế đã cảnh báo rằng bất cứ một sự xuống nước nào “cũng có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của ông Abbas... Hầu hết người Palextin không ủng hộ mạnh mẽ đề nghị lên LHQ, nhưng họ sẽ phản đối mạnh mẽ một quyết định tháo lui mà không được đền bù xứng đáng”.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)