12:12 15/12/2012

Thầy thuốc của bản làng

Trong những năm qua, mô hình quân dân y kết hợp đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là ở vùng biên giới. Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả của mô hình, ý thức của người dân cũng đã thay đổi.

Trong những năm qua, mô hình quân dân y kết hợp đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là ở vùng biên giới. Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả của mô hình, ý thức của người dân cũng đã thay đổi. Họ đã bài trừ những tập tục lạc hậu, tin tưởng và nghe theo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.


 

Y sỹ của Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay đang khám bệnh cho người dân bản.

Đồng hành cùng các chiến sĩ quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), chúng tôi mới thấm hết nỗi gian truân vất vả mà các anh vượt qua hàng ngày, để có thể chăm sóc sức khỏe cho người dân.


Đồn đóng quân trên địa bàn rùng núi, quản lý 13,7 km đường biên giới Việt - Lào, phụ trách một cửa khẩu quốc gia và hai xã giáp biên là A Ngo và A Bung. Để đến được với người dân bản Cựp (xã A Bung) thăm khám bệnh cho các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, các chiến sĩ quân y của đồn phải đi bộ hơn 20 km, băng giữa đường rừng sâu thăm thẳm, vượt qua biết bao con suối, ngọn đèo... Bà con chủ yếu sống rải rác trên các bản làng xa xôi, hiểm trở nên việc khám chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt trước đây khi các phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của người dân, cứ mỗi lần có người bị ốm đau là dân bản lại tổ chức cúng bái, bói toán. Các chiến sĩ quân y lại phải trèo đèo lội suối đi bộ suốt cả ngày trời mới đến được với bản, với bà con vận động bằng tiếng dân tộc.


Chị Căn Hươm (63 tuổi), thôn La Lay, xã A Ngo, cho biết: "Tôi bị đau bụng suốt cả tuần nay nhưng nhà nghèo không có tiền đi trạm xá khám bệnh. Biết tin tôi ốm, cán bộ đã không quản ngại đường sá xa xôi, đến tận nhà khám bệnh, cho thuốc nên tôi vui lắm. Đợt trước con tôi bị sốt, may nhờ cán bộ đến khám bệnh, phát thuốc mới khỏi, nếu để lâu có lẽ sẽ nguy hiểm đến tính mạng".


Tại khu vực biên giới giáp Lào này, bệnh sốt rét có thể nói là nỗi ám ảnh đối với người dân ở đây bởi đã cướp đi biết bao sinh mệnh của những người trong bản làng. Để giúp người dân phòng tránh, các chiến sĩ quân y phải đến từng hộ gia đình hướng dẫn bà con mắc màn trước khi đi ngủ, kể cả ở trên nương rẫy cũng như ở nhà. Bên cạnh đó, hàng tuần trên những con đường tuần tra biên giới giữa rừng núi cheo leo hiểm trở, các anh cũng đến từng lán, chòi trên các nương rẫy xa xôi giáp Lào để lấy các mẫu lam về xét nghiệm kí sinh trùng sốt rét, kịp thời phát hiện và dập tắt dịch đúng lúc. Trong thời gian vừa qua, khi dịch sốt rét xuất hiện tại khu vực biên giới, các chiến sĩ quân y đã tổ chức cấp phát thuốc miễn phí, tặng màn tẩm hóa chất, phun thuốc khử khuẩn trong khu vực virút xuất hiện cho bà con đồng thời vận động người dân đưa người bệnh về bệnh viện điều trị. Chính vì vậy mà dịch nhanh chóng được dập tắt kịp thời, người dân cũng được trang bị những kiến thức cần thiết về phòng và chống bệnh sốt rét.


Trên địa bàn đồn quản lý, người dân chủ yếu thuộc dân tộc Pacô, Vân Kiều nên tư tưởng nhận thức còn hạn chế, đặc biệt là suy nghĩ sinh con đẻ cái là do Giàng ban cho. Để nâng cao nhận thức người dân, các chiến sĩ quân y thường xuyên kết hợp với già làng, trưởng bản trong các buổi họp tuyên truyền người dân hiểu về kế hoạch hóa gia đình, cách phòng tránh và giảm tỷ lệ sinh, cách bảo vệ chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ. Các chiến sĩ vận động các mẹ đưa con đi tiêm phòng, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc và bảo vệ trẻ đúng cách; tuyên truyền cho người dân hiểu được tác hại của hôn nhân cùng huyết thống, cận huyết thống; bài trừ những hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe cũng như chất lượng nòi giống về sau. Công tác tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS tại cửa khẩu được chú trọng hàng đầu. Cùng với đó, các chiến sĩ biên phòng cũng hỗ trợ bà con xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, khuyên người dân không phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường dẫn tới nguy cơ lây lan bệnh tật; hướng dẫn bà con biết cách sử dụng nước bể, ăn chín uống sôi hợp vệ sinh phòng chống bệnh tiêu chảy, thổ tả. Từ khi có mô hình quân dân y kết hợp, cuộc sống của người dân thay đổi hẳn, đặc biệt trong nhận thức và cách sống.


Vượt lên những khó khăn do quân số ít, địa bàn hoạt động rộng, địa hình đồi núi phức tạp, khi mưa lũ tràn về nước suối dâng cao chia cắt giữa các vùng, chỉ riêng trong năm qua, quân y đồn đã thăm khám, cấp cứu, điều trị và cấp thuốc điều trị miễn phí cho hơn 1.300 trường hợp an toàn. Thực hiện làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, tỷ lệ quân số khỏe đạt trên 99,3%. Chương trình kết hợp quân dân y được đẩy mạnh, hoạt động có hiệu quả nên người dân trên địa bàn tin tưởng nghe theo.


Ông Côn Thương, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Trưởng bản La Lay cho biết: "Trước kia, dân mình ốm đau chỉ biết mời thầy mo về cúng nhưng mãi mà không lành, đã có nhiều người tử vong vì thế. Từ khi có bộ đội biên phòng về khám chữa bệnh, phát thuốc cho bà con, dạy mọi người cách phòng chống bệnh tật, biết ốm đau phải đến trạm xá khám chữa bệnh, đời sống bà con vì thế mà ổn định hơn rất nhiều, không sợ ốm đau bệnh tật nữa. Người dân La Lay biết ơn cán bộ, biết ơn Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe của bà con".

 

Bài và ảnh: Thanh Thủy