09:19 28/09/2014

Thầy giáo mang quân hàm xanh

Dưới sự hướng dẫn, giảng dạy tận tình, cầm tay uốn nắn từng con chữ của các thầy giáo mang quân hàm xanh, những bàn tay thô kệch, rắn rỏi của bà con lâu nay vốn chỉ quen cầm dao, cầm cuốc phát nương, làm rẫy nay đã thành thạo viết được những con chữ mềm mại.

Đã thành quy ước, hàng ngày cứ tầm 7 giờ tối, khắp bản Chiềng Pục, Chiềng Cồng, Đoàn Kết… bà con dân bản trong độ tuổi từ 35 - 50 lại í ới gọi nhau đi học. Tại lớp học của thượng úy Lê Đình Tuấn ở bản Chiềng Cồng lúc nào cũng đông đủ học viên.

Một lớp học xóa mù chữ ở huyện Mường Lát do các thầy giáo mang quân hàm xanh giảng dạy.


Thầy Tuấn cho biết: “Các học viên đa phần tuổi đã cao, nên khả năng tiếp thu chậm, do vậy chúng tôi phải kết hợp giữa giảng dạy trực quan và lấy những sự việc cụ thể gần gũi với đời sống bà con làm ví dụ minh họa. Việc giảng dạy cho các học viên cũng đòi hỏi phải có sự kiên trì. Trong một lớp học cũng phải có 2 thầy giáo, một người giảng dạy phía trên và một giáo viên đến từng bàn để chỉ dạy cho các học viên, để chỗ nào học viên chưa hiểu sẽ giảng lại. Nhiều học viên lớn tuổi ban đầu tự ti và rất ngại đi học, các chiến sỹ đã phải đến tận nhà động viên, khích lệ. Sau một thời gian chính họ lại là những người chăm học nhất”.

Dưới sự hướng dẫn, giảng dạy tận tình, cầm tay uốn nắn từng con chữ của các thầy giáo mang quân hàm xanh, những bàn tay thô kệch, rắn rỏi của bà con lâu nay vốn chỉ quen cầm dao, cầm cuốc phát nương, làm rẫy nay đã thành thạo viết được những con chữ mềm mại.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các thầy giáo mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Tén Tằn, đến nay tỷ lệ mù chữ trên địa bàn xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã giảm từ trên 18% xuống chỉ còn 6%.



Chị Vi Thị Ven ở bản Chiềng Công cho biết: “Ban đầu mình cũng ngại đi học lắm, gần 50 tuổi đầu rồi mà đi học với mấy thằng Thao, thằng Luận, con Mỳ… đáng tuổi con, tuổi cháu của mình. Nhưng được sự động viện của các cán bộ mình cũng nhận thấy việc học cái chữ là cần thiết, giúp mình biết tính tiền, biết đọc báo, giúp mình có thêm kiến thức để sản xuất, làm ăn, nên mình quyết tâm đi học để biết đọc, biết viết”.

Để tổ chức được một lớp học, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tén Tằn đã phải đến từng bản khảo sát số người mù chữ và tái mù; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện lên kế hoạch mở lớp; vận động, quyên góp sách vở cho bà con học... Sau đó các chiến sỹ lại cùng bà con dân bản đóng bàn, ghế, bảng viết để chuẩn bị cho khóa học mới.

Học viên chăm chú nghe giảng bài.


Cũng để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi học, các lớp học thường được mở tại nhà văn hóa bản hoặc tại tại gia đình trưởng bản. Lớp học cũng được tổ chức vào buổi tối để ban ngày bà con có thời gian lên nương, làm rẫy. Nhờ đó, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ năm 2011 đến nay Đồn đã mở được 8 lớp học cho hàng trăm học viên là bà con dân bản.

Với những thành tích trên, năm 2014 Đồn Biên phòng Tén Tằn đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về phong trào khuyến học, khuyến tài.


Bài và ảnh: Trịnh Duy Hưng