03:09 01/03/2012

Thay đổi nhận thức của phụ nữ dân tộc về kế hoạch hóa gia đình

"Đồng bào mình phải sinh đẻ ít con thì cuộc sống mới khấm khá hơn được". Đó là câu mà chị H’Ă Niê - dân tộc Êđê, người có 17 năm liên tục gắn bó với công tác dân số ở xã Cư M’Gar, huyện Cư M’Gar thường nói với chị em mỗi khi đi vận động thực hiện công tác KHH gia đình.

"Đồng bào mình phải sinh đẻ ít con thì cuộc sống mới khấm khá hơn được". Đó là câu mà chị H’Ă Niê - dân tộc Êđê, người có 17 năm liên tục gắn bó với công tác dân số ở xã Cư M’Gar, huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) thường nói với chị em mỗi khi đi vận động thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình.

Chị H’Ă Niê "bén duyên" với công tác dân số từ năm 1994. Lúc đó, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong buôn, trong xã còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình đồng bào Êđê ở đây thiếu cái ăn, cái mặc, nhưng vẫn thích sinh nhiều con. Từ khi tham gia làm công tác dân số, chị H’Ă Niê hiểu vai trò của cộng tác viên dân số là hết sức quan trọng, nhưng làm thế nào để giúp đồng bào thay đổi cách suy nghĩ về “trời sinh voi sinh cỏ”, “đông con lắm của”, “sinh thêm con để có thêm người làm cái nương, cái rẫy”... là việc làm không phải một sớm, một chiều mà có kết quả.

Để giúp đồng bào hiểu được lợi ích của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chị H’Ă Niê tuyên truyền trước hết là những người thân trong gia đình, kế đến là bà con hàng xóm láng giềng, từng cụm dân cư. Cùng với những kiến thức đọc được từ sách vở, qua các buổi tập huấn, chị H’Ă Niê đã giải thích tường tận cho chị em những ưu điểm, nhược điểm của các biện pháp tránh thai cho từng đối tượng cho phù hợp... Chị không chỉ lồng ghép tuyên truyền, vận động trong các buổi họp buôn, sinh hoạt phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, mà còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi đến các hộ gia đình, thậm chí có lúc cùng lên nương để vận động, thuyết phục chị em không sinh nhiều con. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần chị H’Ă Niê đã thuyết phục được nhiều chị em trong thôn, trong buôn thực hiện tốt các biện pháp tránh thai, nhất là vận động một số chị em có 2 con, 3 con đi đình sản. Đây cũng là địa phương đầu tiên của huyện Cư M’Gar có nhiều phụ nữ là người dân tộc Êđê tự nguyện đi đình sản.

Ngay tại buôn Kana B, hiện nay đã có trên 70% chị em trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 ngày càng giảm, 100% phụ nữ mang thai đều khám bệnh, khám thai định kỳ tại trạm xá, 100% trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường. Đặc biệt, ở xã Cư M’Gar ngày càng có nhiều người chồng sẵn sàng chia sẻ với vợ trong việc nuôi dạy con cái, thực hiện các biện pháp tránh thai, dành thời gian để phát triển kinh tế gia đình...

Quang Huy- Đình Quân