06:16 20/06/2014

Thay đổi cơ chế để thu hút đầu tư nhiều hơn

Cơ quan chức năng cần theo sát để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam thay vì chỉ đưa ra những chính sách ban đầu nhằm thu hút họ đến đầu tư.

Cơ quan chức năng cần theo sát để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam thay vì chỉ đưa ra những chính sách ban đầu nhằm thu hút họ đến đầu tư. Đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) khi trò chuyện với phóng viên báo Tin Tức.

Thưa ông, xin ông cho biết, những hành động phá hoại nhà xưởng của công nhân vừa xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai… đã ảnh hưởng như thế nào đến môi trường đầu tư ở Việt Nam?

Tôi nghĩ có lực lượng xấu muốn phá hoại môi trường đầu tư của Việt Nam nên đã kích động công nhân phá hoại, đốt nhà xưởng, đánh người… và cơ quan chức năng có trách nhiệm phải tìm ra. Những việc làm này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khiến một số doanh nghiệp (DN) phải dừng sản xuất, gây hoang mang cho một bộ phận công nhân người nước ngoài. Một số DN Đài Loan ở Bắc Ninh, Bắc Giang không bị đập phá nhưng cũng đề phòng bằng cách cho công nhân về nước…

Nhà máy Samsung đầu tư tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Về việc này, Chính phủ Việt Nam đã sớm phát hiện, lập lại trật tự ngay, làm rõ nguyên nhân và xử lí kịp thời. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa tôi muốn nhấn mạnh, đó là yếu kém về mặt quản lý. Tức là, cơ quan chức năng chưa làm tròn chức năng quản lý từ chính quyền địa phương đến cả các bộ ngành. Chúng ta thiếu cơ chế để giám sát hoạt động của DN, để xảy ra chuyện rồi mới “chữa cháy”.

Xin ông phân tích sâu hơn về những bất cập trong việc quản lý DN FDI tại Việt Nam hiện nay?

Các cơ quan quản lý hầu như mới chỉ làm được việc là duyệt hồ sơ, cấp giấy, thu tiền. Còn DN hoạt động trong thực tế như thế nào, thuận lợi hay khó khăn, gặp vướng mắc gì thì hầu như không biết. Đến khi báo chí phản ánh thì mới cử người đi xử lý. Việc xử lý theo kiểu “vớt váng”, chứ không kiểm tra thường xuyên. Đây là yếu kém căn bản của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Chúng ta mới chỉ nghĩ ra chính sách ưu đãi để người ta vào đầu tư còn về sau DN hoạt động thế nào thì ít quan tâm. Chính sách kêu gọi thì đa dạng: ưu đãi giảm thuế, tài nguyên, môi trường, lao động nhưng đó chỉ là thu hút bước đầu, “mồi ưu đãi”. Còn khi DN hoạt động thì lại chưa được tạo thuận lợi. Bộ máy quản lý chưa bám sâu sát hoạt động thực tiễn của DN.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại. Ảnh: Hoàng Dương


Ngoài ra, môi trường đầu tư tại Việt Nam còn những hạn chế gì cần khắc phục, thưa ông?


Hiện nay, thu hút vốn nước ngoài tại Việt Nam so với các nước khác trong khu vực chỉ đạt hạng trung bình, mặc dù ta có nhiều tiềm năng như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, có khả năng lao động tốt, giao thông gần biển thuận lợi, chính trị ổn định… Tuy có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng môi trường đầu tư còn nhiều điểm yếu như: không thực hiện đúng và đủ chức năng quản lý, thủ tục hành chính phiền hà… khiến nhiều DN vẫn chưa dám đầu tư. “Đồng tiền liền khúc ruột”, các DN đầu tư theo chu kì 20-30 năm, thậm chí 100 năm nên họ phải yên tâm thì mới đầu tư.

Theo tôi, Việt Nam cần quyết tâm thực sự để “dọn dẹp” môi trường đầu tư cho DN nước ngoài vào làm ăn. Hiện ta còn nhiều mệnh lệnh hành chính, dư âm của thời bao cấp trong điều hành chính sách vẫn còn, chính sách thuế liên tục thay đổi. Đó là những bất lợi.

Theo ông, cần làm gì để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam?

Thủ tục hành chính còn rất phiền hà. Thậm chí, có sự phiền hà được đặt ra có chủ đích để thu phí của DN. Trong khi nhiệm vụ cơ bản của cơ quan nhà nước, chính quyền các địa phương là tạo thuận lợi nhất cho DN, phải kỉ luật những người dùng thủ tục hành chính để cản trở hoạt động của DN. Một khi đã cấp phép cho DN hoạt động thì phải theo dõi thường xuyên, nếu họ có vướng mắc gì thì tạo điều kiện tháo gỡ, thay vì thực tế DN làm gì cũng phải xin giấy phép, xin ý kiến.

Những tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh đã có những cơ chế thuận lợi cho DN đáng ghi nhận. Chẳng hạn tại Bình Dương, theo tìm hiểu của chúng tôi, khi DN đến tỉnh tìm hiểu để thiết lập dự án, lãnh đạo tỉnh quán triệt tuyệt đối không được để họ mời cơm mà mình phải mời người ta.

Một vấn đề khác, đó là luật pháp. Luật phải ổn định chứ không để vài ba năm điều chỉnh một lần. Hiện nay, tư tưởng làm luật còn ngắn hạn, chưa có tầm nhìn mang tính chiến lược, dài hạn dù đã bỏ công sức nhiều. Đồng thời, việc thực thi luật pháp, thực thi quản lý phải được nâng cao chất lượng. Chúng ta quán triệt luật cho DN và người dân nhưng chính những người trong bộ máy quản lý, những cơ quan thực thi luật lại chưa có sự thống nhất và hiểu về luật. Từ đó dẫn tới việc mỗi địa phương thực thi một kiểu.

Tôi nghĩ Việt Nam là một thị trường có sức hấp dẫn riêng. Việt Nam đang trên đường thay đổi theo hướng ngày càng tốt lên. Các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận ra điều này nên họ tuyên bố Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư mang tính chiến lược. Họ nhìn dài hạn chứ không nhìn trước mắt nên họ thấy được cơ hội từ thị trường này. Nếu lãnh đạo của ta có quyết tâm thực sự thì chỉ 3-5 năm, môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ tốt lên rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!


Hoàng Dương (ghi)