10:20 27/10/2011

Thất truyền nghề chiếu Lâm Xuân

Nhờ vào từng tấm chiếu mà biết bao thế hệ con em trong làng đã được nuôi nấng thành tài. Thế nhưng, thật đáng buồn thay khi “cơn lốc thị trường” của xã hội hiện đại đã len lỏi cuốn bay một làng nghề nức tiếng từ ngàn xưa.

Làng Lâm Xuân (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị) là một ngôi làng cổ đã được “Ô châu cận lục”, “Phủ biên tạp lục” đề cập đến là nơi nổi tiếng từ hàng trăm năm với nghề làm chiếu. Đây không phải là nghề ra đời cùng lúc với làng, nhưng nhờ vào từng tấm chiếu mà biết bao thế hệ con em trong làng đã được nuôi nấng thành tài. Thế nhưng, thật đáng buồn thay khi “cơn lốc thị trường” của xã hội hiện đại đã len lỏi cuốn bay một làng nghề nức tiếng từ ngàn xưa.

Duyên nợ một nghề

Dọc theo con đường Xuyên Á uốn lượn, làng Lâm Xuân hiện ra trước mắt chúng tôi bởi một vẻ yên bình, thanh tĩnh đến lạ kỳ. Thấy có người đến tìm hiểu về nghề dệt chiếu, ông Nguyễn Xuân Vinh (83 tuổi) trầm ngâm: “ Làng tui chừ không còn ai dệt chiếu nữa chú à, thất truyền lâu rồi. Con trẻ trong làng giờ có ai biết đến cái nghề ấy đâu. Nghĩ cũng xót xa lắm, thời tui còn trẻ, trong làng ai ai cũng dệt chiếu, nhà nào cũng có 1 – 2 khung dệt, mỗi ngày cho ra lò gần 400 sản phẩm. Nghe đến chiếu Lâm Xuân, thì các lái buôn từ Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh... vào tìm mua, tấp nập như trẩy hội... Chao ôi!”.
Lúc bấy giờ, với đặc thù là vùng đất chật người đông, cùng nguồn nguyên liệu cây lác, cói dồi dào ở hai bên triền sông Khánh Hòm đã được người dân nơi đây tận dụng khai thác để dệt chiếu. Ban đầu, cứ sau mỗi vụ nông nhàn (từ tháng 2 đến tháng 4) người dân đến sông để bứt lác, cói và lên từng quả đồi để lấy rẹc (trinh) về đan chiếu, mỗi chuyến đi như vậy nếu muốn có nhiều nguyên liệu thường kéo dài 4 – 5 ngày, thậm chí cả tháng trời. Dần dần, qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, chiếu đất Lâm Xuân ngày càng nổi tiếng, được ưa chuộng gần xa, khung cảnh nhà nhà làm chiếu, người người dệt chiếu tấp nập cả một vùng. Chiếu ở đây có ưu điểm là mát về mùa hè, ấm vào mùa đông, và có độ bền cao hơn so với các loại chiếu nhựa của Trung Quốc hay Thái Lan.

Cụ Trần Thị Nậy bên khung dệt còn sót lại duy nhất của làng chiếu Lâm Xuân.

Sau khi tham quan một vòng quanh làng, chúng tôi được người dân ở đây chỉ về nhà bà Trần Thị Nậy (80 tuổi), là nghệ nhân cuối cùng còn liên quan đến nghề chiếu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, cụ Nậy tươi cười chỉ tay về phía góc nhà và nói: “Đó là khung dệt chiếu còn lại duy nhất của làng đó chú à. Tui giờ già yếu, chẳng đủ sức mà đi bứt lác nữa nên đã nghỉ được 2 năm rồi”. Cũng theo cụ Nậy, hiện giờ còn có rất nhiều hộ trong làng đi bán chiếu, nhưng chủ yếu là chiếu nhập ở tỉnh khác về rồi “nhái” hiệu chiếu Lâm Xuân đem bán ở chợ Đông Hà để được giá cao, bởi dù đã thất nghề từ lâu nhưng thương hiệu chiếu ở đây vẫn luôn được nhiều người ở thành phố biết đến và tìm mua.

“Ngày ấy, lúc đẻ tui ra thì ba mẹ tui mừng lắm. Bởi trong làng, nhà nào đẻ được con gái thì phải làm lễ tạ, vì có người mai sau làm chiếu nên có của ăn của để, con trai thì chỉ làm ruộng và mất tiền để ăn học chứ khó mà theo được nghề này. Nên nhà nào sinh được con gái là quý lắm...”, cụ Nậy tâm sự. Nghề dệt chiếu lúc bấy giờ hưng thịnh đến nỗi nhà nào muốn hỏi vay tiền thì nhà đó chỉ cần có con gái cùng hai bó cói để dệt chiếu cũng khiến người ta tin tưởng là mai này có thể sớm trả nợ để cho vay.

Đau đáu một nỗi niềm

Theo chân cụ Nậy, chúng tôi đến cánh đồng sông Khánh Hòm (làng Cam Phổ, Gio Linh, Quảng Trị), cụ đứng trầm ngâm một lúc rồi đưa tay chỉ một cách quả quyết: “Trước đây, cả một vùng này là nguồn sống của cả hai làng. Nơi đây bạt ngàn cói, làng Cam Phổ thì trồng cói bán, làng Lâm Xuân thì mua về dệt chiếu. Hai làng mà cứ như một vậy, dù cũng không gần nhau mấy”. Trước mắt chúng tôi, một vùng đất từng là thủ phủ của cây cói, lác bây giờ chỉ còn là một vùng đầm lầy cây cối và cỏ dại, đó đây vẫn còn rải rác những thửa cói chìa ra dọc triền sông.

Chiếu Xuân Lâm vẫn luôn được các bậc cao niên trong làng lưu giữa lại cho đến tận ngày nay.


“Anh ơi Cam Phổ trồng cói em chờ, đến mùa thu gặt nói Lâm Xuân biết mờ (mà) em mua...”, câu hát này lúc bấy giờ giữa chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa vẫn cất vang, trong lời ca của những o thôn nữ gánh cói dọc cánh đồng hay trên các triền đê. Sông Khánh Hòm (hay còn gọi là Cánh Hòm) là con sông được xây dựng từ thời đầu nhà Nguyễn, nối liền sông Bến Hải và sông Hiếu ở vùng hạ nguồn, chạy qua hai làng Lâm Xuân và Cam Phổ, không những đem đến những bãi phù sa màu mỡ với nguồn lợi thủy sản, mà nhờ nước mặc thủy triều theo sông Hiếu lên xuống hàng ngày tạo nên một vùng đầm lầy rộng lớn với hàng trăm ha cói được trồng lên ở làng Cam phổ. Lúc bấy giờ, cói chỉ bán duy nhất cho làng Lâm Xuân để dệt chiếu. Sau khi đã thỏa thuận giá cả, người mua tự xuống để cắt cói gánh về hoặc gom thành một bè hình cánh quạt mà kéo về theo triền sông Khánh Hòm. Cứ thế mối thân tình giữa hai làng được thắt chặt bằng cây cói được tiếp nối từ đời này qua đời khác với bao cảm xúc và nỗi niềm.

Xót xa bởi tình quê

Không ai nhớ nghề dệt chiếu Lâm Xuân có tự bao giờ và do ai truyền bá, chỉ biết rằng trong tâm trí của bậc cao niên trong làng nó như là một linh hồn sống một thời của làng, cùng gắn bó với bao thăng trầm để vượt qua những giây phút khổ cực nhất.

Một trong những bó cói còn sót lại của làng chiếu xưa.


Khi nghe hỏi về công đoạn làm chiếu của ngày xưa, mắt cụ Nậy như bừng sáng, ánh mắt của người con gái đôi mươi như trở về, cụ vừa hồ hởi kể, thi thoảng bắt nhịp từng động tác: “Người Lâm Xuân học làm chiếu nhanh và giỏi lắm. Mùa hạ là mùa thu hoạch cói ở Cam Phổ, cả làng tui thi nhau qua mua về để dự trữ cho cả mùa đông. Cói mua về phải chẻ ngay ra làm hai, vì để lâu sẽ rất khó làm, cói được chẻ bằng ngón tay, một lần khoảng 4 – 6 cây gọi là “rooc” cói. Công đoạn quan trọng nhất là phơi cói: Cói phơi ít nhất phải 7 lần nắng và phải trở đều liên tục, có như vậy sợi cói mới trở nên dai, bền...”. Việc vất vả hơn cả là lấy rẹc (trinh) để đan chiếu, đây là loại cây chỉ mọc ở các vùng rừng núi, người ta chỉ cần lấy phần vỏ tước ra rồi đem phơi khô thành sợi. Đây cũng là một lợi thế của chiếu Lâm Xuân, vì ở những nơi khác chủ yếu dùng sợi đay để buộc chiếu mà sợi đay thì độ bền kém xa sợi “rẹc”. Từ quá trình lao động miệt mài đó, nghề chiếu ngày nào đã trở thành một nghề nuôi sống làng, người Lâm Xuân có thể tự hào về làng nghề của họ vì nghề dệt chiếu nơi đây đã được vinh danh là một trong các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam.

Hơn mười năm trước, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam trong việc ưu tiên phát triển cây lúa đã chặn cửa sông Khánh Hòm, biến một vùng đầm lầy chua phèn thành ngọt hóa, cây cói không phát triển như trước được. Nghề làm chiếu vì thiếu nguyên liệu dần dần cũng mất đi, thêm vào đó là sự xuất hiện ồ ạt của hàng loạt mặt hàng chiếu Tây, chiếu Tàu giá rẻ bằng nhựa, gỗ, tre... đã đẩy nghề chiếu đến chỗ mai một. Làng Lâm Xuân vì không có nghề phụ, nên hiện tại nhiều người vẫn bán chiếu nhưng là chiếu nhập nơi khác về bán với cái mác “Chiếu Lâm Xuân”, tiếng thì còn nhưng nghề đã thất truyền từ lâu.

Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Nhất