06:00 04/06/2012

Thất thoát mủ ở Công ty cao su Kon Tum

Mặc dù chuẩn bị bước vào tháng cạo thứ 3 của năm 2012 nhưng đến nay một loạt vườn cây của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum (Công ty cao su Kon Tum) vẫn chưa thu được một giọt mủ nào.

Mặc dù chuẩn bị bước vào tháng cạo thứ 3 của năm 2012 nhưng đến nay một loạt vườn cây của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum (Công ty cao su Kon Tum) vẫn chưa thu được một giọt mủ nào.


 

Nông trường Thanh Trung có gần 600 ha cao su kinh doanh được trồng trên địa bàn 4 xã của huyện Đắk Hà và thành phố Kon Tum. Tại xã Kroong (thành phố Kon Tum), nông trường có 102 hộ nhận khoán hơn 151 ha, nhưng trong suốt 2 năm qua các hộ trên đã không thực hiện nghĩa vụ cạo của mình. Riêng năm 2012, từ đầu vụ cạo đến nay các hộ trên chỉ vào vườn cây cạo 50% số cây mà không nộp lại sản phẩm.

Hàng ngày cán bộ nông trường cùng chính quyền xã Kroong cắm bảng cấm cạo, canh ở đầu lô cao su nhưng ai vào cạo thì cán bộ chỉ dừng lại ở việc ghi danh sách cùng với chính quyền xã Kroong tự ký xác nhận với nhau rồi xong.
Mặc dù chính quyền địa phương (xã, thành phố và tỉnh) đã vận động, thuyết phục nhưng 2 năm qua các hộ nhận khoán vẫn bất chấp pháp luật tự cho mình quyền được hưởng thụ trên tài sản nhà nước. “Đây là năm thứ 2 liên tiếp số diện tích trên vẫn chưa thu được giọt mủ nào” - ông Võ Văn Toàn, Phó Giám đốc nông trường thừa nhận. Theo một cán bộ kỹ thuật của nông trường thì các hộ dân còn tự ý mua thuốc kích thích ở ngoài (không nằm trong danh mục được sử dụng) bôi lên để kích thích cây ra mủ.


Cũng như vậy, tại Nông trường Sa Sơn có hàng trăm hộ nhận khoán 519 ha nhưng đã có tới 112 hộ vi phạm hợp đồng (sang nhượng trái phép diện tích vườn cây. Đến nay mới chỉ có 37/193 hộ ký hợp đồng khoán mới (đây là hộ không vi phạm hợp đồng). Tuy chưa hợp đồng với nông trường nhưng những ngày qua hàng trăm hộ nhận khoán vẫn cứ vô tư vào vườn cạo. Theo bà Phạm Thị Hà, ở thôn 1, xã Sa Sơn cho biết: “Tôi có 6 ha nhận khoán. Tôi chưa ký khoán mới nhưng vẫn vào cạo để nuôi sống gia đình. Chúng tôi biết nhảy vào cạo là sai nhưng vì cuộc sống phải làm”.

 

Cũng theo bà Hà thì diện tích trên do bà khai hoang, sau góp cùng công ty trồng cao su. Tuy nhiên bà thừa nhận không có giấy tờ gì chứng minh đây là đất của bà (bìa đỏ). Mặc dù nói vậy nhưng bà Hà vẫn thừa nhận bà còn 1 ha liên kết (góp đất cùng công ty, được hưởng 49%). Trong khi đó, tất cả diện tích nhận khoán trên của nông trường đã được UBND tỉnh cho thuê trồng 50 năm. Với những hộ có công khai hoang đã được công ty đền bù công tiền công (dựa trên tính toán của công ty và chính quyền huyện). Khi tiếp xúc với nhiều hộ nhận khoán khác ai cũng thừa nhận việc vào khai thác là sai nhưng vẫn làm vì không có đất….


Mặc dù luôn nói không có đất nhưng thực tế tại Sa Sơn toàn xã có trên 500 hộ thì ngoài diện tích nhận khoán, người dân còn có gần 1.000 ha cây trồng các loại (trung bình mỗi hộ 2 ha), trong đó có 800 ha cao su tiểu điền, 100 ha các loại cây trồng khác, chưa kể diện tích sản xuất quanh vườn nhà.


Không những vậy, thời gian qua hộ nhận khoán ở Công ty cao su Kon Tum cũng liên tục có những hành vi phá hoại, trộm cắp mủ cao su, phá tài sản trên lô… làm thất thoát tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của công ty, gây hoang mang cho người lao động. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thành phố liên tục có những ý kiến chỉ đạo tại Công văn 637/UBND - NC; Kế hoạch số 85/KH - TCT; Thông báo số 289/TB - HU hay Công văn số 1322/CV - VPTU… Nhưng đến nay “những giải pháp trên vẫn chưa đem lại kết quả” là khẳng định của công ty tại Báo cáo số 703/BC - CSKT.


Cao Nguyên