03:11 09/03/2011

Thắt chặt chi tiêu khi giá cả tăng

Thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chính sách bình ổn giá, trợ giá. Tuy nhiên, sự tăng giá của điện, xăng đang kéo theo giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là đời sống của công nhân.

Thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chính sách bình ổn giá, trợ giá. Tuy nhiên, sự tăng giá của điện, xăng đang kéo theo giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là đời sống của công nhân.

Thắt chặt chi tiêu

Theo chân một tốp nữ công nhân tan đến một khu chợ tự phát gần khu chế xuất Linh Trung 2 (quận Thủ Đức), tại đây kẻ mua người bán đông nghịt, chủ yếu là công nhân sau khi tan ca tìm đến để lo bữa cơm chiều tối cho gia đình.


Bắt chuyện với chị Nguyễn Thị Hoa trên tay đang cầm bó rau cải và vài miếng đậu phụ, chị Hoa nhiệt tình cho hay: “Dạo quanh mấy vòng chợ, sau vài lần cầm lên bỏ xuống, tôi mới mua được bó rau cải và mấy miếng đâu phụ cho bữa cơm tối của hai vợ chồng. Từ sau Tết đến nay, trong mọi chi tiêu hàng ngày, tôi phải tính rất kỹ vì hầu như mọi thứ đều tăng giá. Chẳng hạn, trước kia, rau muống chỉ 3.000 đồng/kg nay tăng 10.000 đồng/kg, thịt heo trước chỉ có 65.000 đồng/kg giờ lên 85.000 đồng/kg, đậu hũ trước 2.000 đồng/miếng nay đã 3.000 đồng/miếng...”.

Trước sự tăng giá của mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhiều công nhân phải tiết kiệm chi tiêu từ bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Hoàng Tuyết


Vợ chồng chị Hoa cũng từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân cách đây 7 năm, có 2 con nhỏ. Chị Hoa tâm sự: “Do 2 vợ chồng phải tăng ca nhiều nên đưa hai con về quê nhờ ông bà nội chăm sóc.


Thu nhập của công nhân, tính cả tăng ca thường xuyên một tháng 2 vợ chồng cũng chỉ được hơn 4 triệu đồng, trong khi đó hàng tháng tiền ăn hết 700.000 đồng, tiền gửi về quê cho ông bà 1 triệu đồng để lo cho hai đứa con, số còn lại để chi trả tiền sinh hoạt phí như điện, nước, đi đám cưới... Nhưng nay giá cả thực phẩm đang tăng cao khiến chúng tôi phải suy nghĩ có nên làm công nhân nữa hay trở về quê làm ruộng như ngày trước hay không?”.

Sau một ngày làm việc vất vả trong khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) chiều tối những khu nhà trọ gần Khu chế xuất này lại trở nên nhộn nhịp hơn. Chị Võ Bảo Ngọc (quê An Giang) phân trần: “Ngày trước đi chợ 50.000 đồng ăn hai ngày. Giờ cầm 50.000 đồng chưa mua được gì đã hết”. Để vượt qua lúc khó khăn này, chị Ngọc dự định sẽ “nhảy việc” sang một công ty may nào có lương cao hơn, như vậy mới mong có tiền lo chi trả mọi phí sinh hoạt.

Chủ - thợ cùng nhau hợp tác vượt khó

Công nhân nghèo tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với giá tiền phòng trọ, nước... Nhiều công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2, Thủ Đức cho biết, tất cả các khu nhà trọ xung quanh các Khu công nghiệp - Khu chế xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều đã có thông báo tăng giá phòng, giá nước sinh hoạt...

Dạo quanh khu vực có nhiều nhà trọ cho thuê tại phường Linh Trung, Thủ Đức, chúng tôi gặp chị Thúy Hạnh, công nhân Công ty may mặc Kollan và Hugo Knit, đang chuẩn bị dọn đồ đạc đi ở ghép.


Chị Hạnh cho hay: “Chủ nhà trọ vừa tăng tiền phòng mỗi tháng từ 600.000 đồng lên 800.000 đồng, tiền điện, nước cũng tăng trong khi lương của tôi vẫn ở mức 2,2 triệu đồng/tháng nên phải dọn đi ở chung với bạn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”. Cùng cảnh ngộ với chị Hạnh, anh Lê Gia Hòa (công nhân tại công ty Dệt Phong Phú (quận 9) buồn bã chia sẻ: “Chủ nhà tôi vừa tăng giá tiền phòng từ 1 triệu đồng thành 1,5 triệu đồng/tháng, tiền điện cũng tăng từ 3.500 đồng lên 5.000 đồng/Kw, tiền nước tăng từ 80.000 đồng/tháng lên 100.000 đồng/tháng...”.

Với tổng thu nhập trung bình của công nhận hiện nay khoảng hơn 2 triệu đồng, trong khi đó có không ít khoản phải trang trải như: Tiền phòng, điện, tiền nước, tiền rác... đang khiến nhiều công nhân lao đao.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, trước hết, các doanh nghiệp nên chủ động xây dựng kế hoạch ổn định sản xuất dài hạn, có sự điều chỉnh lương và các mức hỗ trợ khác để ổn định đời sống công nhân. Ngoài ra, để có thể chia sẻ những khó khăn của công nhân, không chỉ có tổ chức công đoàn mà người sử dụng lao động và người lao động cũng phải cùng nhau nỗ lực vượt khó trên tinh thần tổ chức sản xuất và làm việc một cách có hiệu quả nhất.

Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh cũng đang giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu cho công nhân theo đúng quy định tại các công ty, xí nghiệp và tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ giá điện cho công nhân, thúc đẩy các chương trình đưa hàng bình ổn đến với công nhân để họ vượt qua lúc giá cả tăng.

Hoàng Tuyết