06:22 10/06/2015

Thất bại không nản chí

Ở thôn K8, xã Bản Phiệt, Bảo Thắng (Lào Cai), ai cũng biết ông Trung Văn Cường (ảnh), 46 tuổi, dân tộc Giáy, là hộ chăn nuôi giỏi.

Ở thôn K8, xã Bản Phiệt, Bảo Thắng (Lào Cai), ai cũng biết ông Trung Văn Cường (ảnh), 46 tuổi, dân tộc Giáy, là hộ chăn nuôi giỏi.


Năm 1992, ông Cường bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, ông chủ yếu làm nương, cộng với chăn nuôi nhỏ, dù chịu khó làm việc, nhưng chỉ đủ ăn. Đến năm 2000, ông quyết định chuyển đổi sang chăn nuôi gia súc. Bao nhiêu vốn liếng ông dồn hết cho việc xây dựng chuồng trại, gây dựng đàn lợn thịt có lúc lên đến 60 con. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, nên năm 2003, toàn bộ đàn lợn của gia đình ông mắc bệnh dịch, buộc phải tiêu hủy, công sức hai vợ chồng gây dựng lâu nay mất trắng.

Sau vụ đó, cuộc sống của gia đình càng thêm khó khăn, nhưng không vì thế mà ông Cường nản lòng. Năm 2004, ông quyết định quay trở lại với chăn nuôi. Ông sửa lại chuồng, mua con giống, đồng thời nấu rượu để vừa có nguồn thu từ việc bán rượu, vừa có nguồn thức ăn cho lợn. Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, ông tiêm phòng đầy đủ cho con giống; vệ sinh chuồng trại hằng ngày từ 2 - 3 lần. Mùa đông, ông quây bạt và thắp điện sưởi ấm cho đàn giống. Khi lợn có biểu hiện lạ, ông lập tức tham khảo ý kiến của cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, ông Cường còn xây thêm bể biogas, vừa đảm bảo khâu vệ sinh, vừa tạo nguồn khí đốt phục vụ cho việc nấu rượu. Bằng biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”, tạo vòng kín trong chăn nuôi, cùng với sự chăm chỉ của hai vợ chồng, chuồng trại ngày càng được mở rộng, đàn lợn của ông mỗi năm xuất 2 lứa với trên 70 con lợn thịt. Ông còn cung cấp lợn giống ra thị trường, cùng với các nguồn thu khác, trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi trên 120 triệu đồng.

Chia tay ông Cường, tôi nhớ mãi lời chia sẻ của ông: “Đã có nhiều lần phải nếm mùi thất bại, nhưng không vì thế mà tôi nản lòng, quan trọng nhất là phải kiên trì, vì “thất bại là mẹ của thành công!”.
Hữu Huỳnh