06:11 26/06/2015

Thấp thỏm 'vàng xanh'

Khi nhà cao tầng dần mọc lên san sát, cau Quảng Ngãi vẫn bạt ngàn, vươn thẳng nền trời xanh. Bây giờ, khi là hàng hóa, cau đem lại niềm vui và cũng nhiều chua chát cho người dân theo những biến động thị trường.

Khi nhà cao tầng dần mọc lên san sát, cau Quảng Ngãi vẫn bạt ngàn, vươn thẳng nền trời xanh. Bây giờ, khi là hàng hóa, cau đem lại niềm vui và cũng nhiều chua chát cho người dân theo những biến động thị trường.

Xứ ngàn cau

Huyện Sơn Tây, nơi cư ngụ của đồng bào Ca Dong, được truyền tụng là “xứ ngàn cau”. Bên những dốc đèo bạt ngàn cau, sông Đắc Prinh lững lờ trôi qua. Tới bây giờ, người Ca Dong nơi đây vẫn lấy cau làm thước đo giàu nghèo. Họ phạt vạ nặng những ai chặt cau. Khi con lập gia đình, bố mẹ cho một vườn cau làm vốn. Trong lễ cúng Giàng, họ cầu thần linh phù hộ cho cau sai quả.

Vườn cau nhà ông Thoại.


Đâu chỉ vùng núi, bên hông thành phố Quảng Ngãi là huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, cau cũng bạt ngàn. Người nơi đây không biết cau mọc tự bao giờ, nhưng ghi nhớ rằng: từ thế kỷ 11 và đến những năm đầu thế kỷ 20, từ Sơn Tây, nườm nượp thuyền chở cau xuôi dòng Trà Khúc về với thương cảng Thu Xà; từ đó, thương thuyền chở cau đi các tỉnh, ra cả nước ngoài.

Cũng có nơi, khi cau trở thành sản phẩm sinh lời thì từ việc trồng cau ven rào làm cảnh, người ta cải tạo vườn tược để trồng bài bản, như ở thôn An Mô (xã Đức Lợi, Mộ Đức). Những vườn cau xuất hiện ở An Mô đã trên 30 năm. Toàn thôn hơn 300 hộ thì 100% nhà trồng cau, có hộ trồng đến gần 1.000 cây.
Trồng cau trở thành một nghề phổ biến ở Quảng Ngãi bây giờ. Ông Nguyễn Văn Thoại (72 tuổi, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành) chia sẻ từng công đoạn khi cau còn là hạt giống đến lúc cho ra trái thu hoạch. Chọn giống phải chọn hạt đặc và mọng nước. Phải giữ ẩm cho gốc bằng cách đắp rác hoặc ủ phân xanh. Để 7 năm sau, từ tháng 4 đến tháng 8, thu hoạch. Chủ vườn thuê người tới hái, xiết cau (bổ cau ra lấy hạt). Thợ hái hầu hết là thanh niên, chỉ bằng một vòng dây buộc vào chân để tăng ma sát, họ leo lên, đu từ thân cau này đến thân cau kia. Người già và trẻ nhỏ thì phụ trách việc xiết cau, quang cảnh đông vui, nhộn nhịp.

Đất trồng cau dần bị thu hẹp để thành nhà nghỉ, quán karaoke... Nhưng cau đã đi vào văn hóa Quảng Ngãi. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, người con đất Tư Nghĩa có viết đôi dòng thơ: “Tháng giêng hoa cau rụng/Chum nước ngạt ngào hương/Dịu dàng em gội tóc/Gió thơm thơm khắp vườn”.

Trăn trở “vàng xanh”

Ba mươi năm trở lại đây, ngoài việc trồng cau bán cho các dịp cưới hỏi, người trồng cau Quảng Ngãi còn bán cho các thương lái Trung Quốc. Nhiều vui mừng, chua chát khi thương lái Trung Quốc bao tiêu toàn bộ sản phẩm này.

Năm 2004, với vựa cau gần 600 gốc, ông Thoại thu về hơn 60 triệu đồng. Ông tính: “Mỗi cây bình quân cho 3 buồng, mỗi buồng khoảng 100-200 quả. Theo giá thị trường lúc ấy 1kg cau trái (khoảng 30 quả) được bán với giá từ 5.000 - 10.000 đồng thì có nhà một năm thu về đến vài trăm triệu đồng”.
Người ta gọi cau là “vàng xanh” cũng vì thế. Cùng với bán trái, nhiều người còn ươm cau con để bán. Thế nhưng, năm 2005 cau rớt giá, chỉ còn 2.000đồng/kg. Năm 2006, giá cau lên khoảng 5.000 đồng/kg. Năm 2007, rớt giá, xuống mức 1.000 đồng/kg. Kéo dài đến năm 2010, giá cau lên lại mức 10.000đồng/kg. Để đến năm 2014, lại rớt giá thảm hại. Ông Thoại nhớ lại: “Năm ngoái giá cau rớt xuống chỉ 200 đồng/kg vẫn không bán được. Tôi chặt gần 200 gốc cau, tính trồng cây khác, nhưng cũng chẳng biết trồng cây gì”.

Mấy năm qua, dân trồng cau cứ luân phiên điệp khúc cau có giá thì mở rộng vườn tược, mất giá thì chặt cau. Huyện Nghĩa Hành năm ngoái, hàng tấn cau đỏ ối thối rữa chất đầy mỗi vườn nhà. Cũng bởi, người dân hoàn toàn mù thông tin về thị trường. Khi được hỏi bán cau cho ai, ông Thoại nói bán cho thương lái Trung Quốc mà ông gọi là “tài xích”, “tài xích” đó tên gì, ông không biết; còn hỏi bán sang Trung Quốc để bên đó làm gì, ông nói không biết nốt.

Thời điểm cau được giá, người dân vẫn chịu thiệt, bởi sự tính toán của các thương lái. Cụ thể, việc tiêu thụ cau hoàn toàn phụ thuộc phía Trung Quốc nên dẫn đến tình trạng ép giá. Không ít trường hợp do cần tiền, một số hộ chấp nhận bán cau non ngay thời điểm giá cao rẻ. Bà Võ Thị Trúc (50 tuổi, khối phố 1, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa) kể rằng, đầu vụ năm 2010, bà bán trước gần 300 gốc cau với giá chưa đến 2.000 đồng/kg cau trái. Mấy tháng sau, giá cau tăng lên gấp 3 lần, muốn bán cũng không tìm ra cau để bán.

Vựa cau nhà bà Trúc được xem là lớn nhất Tư Nghĩa. Năm 2014, hơn 40 tấn cau khô trị giá hơn 1 tỷ đồng của bà đành để thối. Số cau xuất đi tuy được lựa chọn kĩ, vẫn bị thương lái trừ khấu hao lên đến 40%, với lý do… không đạt chuẩn. Bao vốn liếng vay mượn đổ vào cau, giờ nợ chồng chất. “Vốn bỏ ra cho một mùa thu hoạch, nào là hái, xiết cau, sấy cau… rất nhiều, không bán được thì chịu chết. Năm nay cau cũng vẫn ế ẩm, tôi chẳng biết tính ra sao” - bà Trúc ngậm ngùi.

Bởi tiền công thu hái cau rất ít ỏi, nên gắn bó với cau chỉ còn phụ nữ và người già. Một sự quan tâm của các cấp ngành trong việc định hướng sản xuất, tổ chức tiêu thụ, cung cấp thông tin về thị trường cho người dân là rất cần thiết; để người dân bớt đi thua thiệt khi mà giá cau đang quá phụ thuộc vào sự nóng lạnh của thị trường Trung Quốc.
Mai Thành Dũng