01:09 06/01/2015

Tháp nghiêng Pisa - kiến trúc kì lạ của thế giới

Trong lịch sử của ngành kiến trúc, hiếm có công trình nghệ thuật nào mà chính sự sai lầm trong quá trình xây dựng lại biến nó thành một tuyệt tác của nhân loại. Vậy mà ở Italy lại tồn tại một công trình như vậy, đó là ngọn tháp nghiêng Pisa nổi tiếng.

Trong lịch sử của ngành kiến trúc, hiếm có công trình nghệ thuật nào mà chính sự sai lầm trong quá trình xây dựng lại biến nó thành một tuyệt tác của nhân loại. Vậy mà ở Italy lại tồn tại một công trình như vậy, đó là ngọn tháp nghiêng Pisa nổi tiếng. Tuy nhiên, sau hơn 800 năm tồn tại, độ nghiêng của tháp đã tăng lên nhanh chóng và có nguy cơ bị đổ nên ngày 7-1-1990, tháp nghiêng Pisa đã phải chính thức đóng cửa để tiến hành trùng tu.

Tọa lạc tại Piazza dei Miracoli (tạm dịch là: Cánh đồng của những điều kỳ diệu), miền Trung Pisa, phía Tây Bắc nước Ý, tháp nghiêng Pisa là một trong bốn công trình quan trọng của khu phức hợp gồm nhà thờ, nhà nguyện và nghĩa trang được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Tháp gồm 8 tầng, cao 54,8 m, có trọng lượng khoảng 14.500 tấn, được xây theo hình dạng một hình trụ rỗng với các dãy cột chung quanh. Mặt trong và ngoài tháp được ốp bằng cẩm thạch và điều đặc biệt nhất là tháp không đứng thẳng mà nghiêng 5 độ về phía Nam.

Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của tòa tháp. Và có lẽ không ít người trong chúng ta cũng đã từng đặt câu hỏi về nguồn gốc, nguyên nhân khiến cho công trình này có được hình dáng độc đáo như vậy.

Tháp nghiêng Pisa được xây dựng vào năm 1173 với mục đích để chứng minh cho thế giới biết sự giàu có, thịnh vượng của thành phố Pisa.

Ban đầu tháp được xây thẳng đứng trên nền đá thô, với phần chân tháp âm xuống dưới đất 3m. Tuy nhiên vì sau đó xảy ra cuộc chiến với Florence nên việc thi công bị đình trệ.

Mãi đến năm 1180, mọi việc bắt đầu lại và khi 3 tầng tháp đã được hoàn thành thì nền đất bị lún và tháp bắt đầu nghiêng. Để hạn chế độ nghiêng, những nhà thiết kế đã phải xây dựng các cột và mái vòm phía bắc cao hơn. Nhưng chiến tranh với Florence một lần nữa lại xảy ra, do đó việc xây tháp tạm dừng để ưu tiên cho cuộc chiến.

Tháp nghiêng Pisa ngày nay. Nguồn: Internet.


Sau gần 100 năm, tòa tháp vẫn trong tình trạng dở dang và đất dưới móng tiếp tục sụt dần. Năm 1272, công trình được xây dựng tiếp, người ta cố gắng điều chỉnh độ nghiêng nhưng không đạt kết quả như mong đợi.

Mặc dù tháp bị lún dần và nhiều lúc ở mức báo động nhưng điều này cũng không ngăn các nhà chức trách và công nhân tiếp tục quá trình xây dựng của họ. Cuối cùng tháp nghiêng Pisa cũng được hoàn tất vào khoảng giữa những năm 1360-1370. Và để giữ cho tòa tháp cân bằng họ đã đặt tháp chuông trên tầng 8 nghiêng nhiều về hướng Bắc.

Theo thời gian, độ nghiêng của tháp ngày càng tăng lên, người ta lo sợ đến một lúc công trình vĩ đại này sẽ sụp đổ. Và đã có lúc các nhà chức trách phải đóng cửa tham quan để bảo dưỡng.

* Những nỗ lực để cứu tháp nghiêng Pisa

Để tránh nguy cơ có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào, hiện tại tháp Pisa đang được bảo tồn một cách tổng thể. 830 tấn chì đã được sử dụng để đỡ mặt phía bắc của tòa tháp, đó là chưa kể đến các dây chằng bằng thép bao quanh thân tháp, trong đó có một mạng lưới dây thép dài hơn 100m. Thế nhưng cũng chưa đủ để xóa đi cảm giác một thảm họa đang lơ lửng trên đầu người dân thành phố, và đã có một nhóm các chuyên gia quốc tế đã tìm kiếm giải pháp duy trì sự tồn tại vĩnh viễn của tháp nghiêng Pisa.

Kỹ sư địa chất Michele Jarniolkowski cho rằng: “Đây là công việc không hề đơn giản. Không chỉ riêng với tôi mà mọi thành viên khác trong nhóm đều cảm thấy áp lực công việc là rất nặng nề và cảm nhận được mức độ rủi ro là rất lớn”.

Mục tiêu của nhóm chuyên gia là giảm độ nghiêng của tháp đi khoảng 40 cm. Như vậy ngọn tháp sẽ thoát đi tình trạng nguy hiểm mà vẫn giữ nguyên được dáng vẻ của nó, bởi vì dù sao cũng không có ai muốn tháp Pisa đứng thẳng cả.

Cho tới năm 1990, tháp Pisa đã nghiêng đến 5,5 độ, tương đương với 5,1cm so với góc vuông. Sự tồn tại của tháp là sự thách đố đối với quy tắc vật lý.

Kiến trúc sư John Burland đã nói: “Tôi nghĩ đó là một điều kỳ diệu. Năm 1990 khi chúng tôi đến đây, chúng tôi đã không thể dựng được ngọn tháp này bằng máy tính. Độ nghiêng của tháp là 5,5 độ và máy tính của chúng tôi chỉ dựng được tháp nghiêng đến 5,44 độ là đổ. Tháp Pisa đúng là một kỳ tích”.

Sau khi khảo sát công trình, kiến trúc sư John Burland đã nêu ý kiến: Nếu giảm lượng đất ở nền phía Bắc của tháp thì rất có thể sẽ đưa được tháp trở lại chiều dọc.

Và nhờ có kế hoạch này mà đến năm 2001, tòa tháp đã giảm được 4,4 cm độ nghiêng, đủ để các nhà chức trách mở cửa tòa tháp trở lại để công chúng vào tham quan. Đến tận tháng 5 năm 2008, máy cảm biến vẫn không đo thêm được bất kỳ chuyển động nào của tháp Pisa. Và cho đến nay, sau nhiều nỗ lực của các nhà nghiên cứu tháp nghiêng đã được dựng thẳng hơn, chỉ còn nghiêng 3,9 độ và có thể tồn tại trong ít nhất 200 năm nữa.

Mặc dù phải đối mặt với khá nhiều nguy cơ tiềm tàng nhưng với công nghệ kỹ thuật đang ngày càng phát triển, người dân Italy hy vọng rằng, đến hàng trăm năm sau thì tòa tháp nghiêng Pisa này vẫn sừng sững giữa trời với vẻ đẹp nguy nga và kỳ lạ như hiện nay.


TTTL/TTXVN