01:11 22/01/2015

Tháo “nút thắt” cho chính sách giảm nghèo

Các chuyên gia đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm được góp phần xây dựng, phát huy hiệu quả tốt nhất cho công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ nói riêng.

Các chuyên gia đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm được góp phần xây dựng, phát huy hiệu quả tốt nhất cho công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ nói riêng.

Ông Phạm Tiết Khánh, Hiệu Trưởng Trường Đại học Trà Vinh: Cần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer


Khi nói đến người Khmer Nam Bộ là nói đến một nền văn hóa truyền thống mang màu sắc bản địa và tôn giáo. Đó là tất cả những giá trị được thể hiện qua đời sống tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội,… phong phú. Để các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc nói chung và giáo dục đào tạo cho đồng bào Khmer nói riêng đi vào đời sống thì phải hỗ trợ đồng bào Khmer bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo gắn với các hoạt động kinh tế, giáo dục vùng đồng bào Khmer. Để thực hiện được điều này, cần chú trọng mở những lớp bồi dưỡng kiến thức về ngôn ngữ, phong tục tập quán, tâm lý dân tộc, tâm lý tôn giáo và đạo Phật Tiểu thừa của người Khmer cho những cán bộ công tác ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Tháo “nút thắt” cho chính sách giảm nghèo



Bên cạnh đó, để giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc Khmer cần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer. Để thực hiện tốt giải pháp này thì vấn đề cơ bản vẫn là triển khai thực hiện những kế hoạch, dự án nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer hiện có và tạo nguồn cho tương lai. Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người Khmer về vai trò của tri thức, của khoa học công nghệ trong cuộc chiến chống đói nghèo và tiến tới một đời sống tốt đẹp.

Ông Võ Thanh Hùng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Sớm có chính sách xây dựng các mô hình kinh tế

Các chính sách này thông qua các dự án phát triển kinh tế - xã hội toàn diện đối với tộc người và gắn với quy hoạch phát triển của vùng, địa phương và phải được triển khai qua các kế hoạch mang tính hệ thống với nhiều dự án thành phần và tính bằng hàng chục năm. Đây là mô hình cần thu hút nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, văn hóa, du lịch, các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư… Các chính sách hiện nay chưa làm được điều này nên đã tạo ra sự thiếu đồng bộ. Thời gian triển khai ngắn, không phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm địa hình vùng miền núi, biên giới... nên hiệu quả thiếu tính bền vững. Mỗi vùng căn cứ vào thành phần tộc người đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa mà định ra hệ thống, thứ tự các dự án thành phần và lộ trình thực hiện thì mới đạt mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh:Giảm nghèo từ mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ

Khả năng giảm nghèo của doanh nghiệp siêu nhỏ tại các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã được nhìn nhận và đánh giá cao qua rất nhiều công trình nghiên cứu cũng như các chương trình hợp tác quốc tế, các chính sách xóa, giảm nghèo cấp quốc gia…

Vấn đề là cần giải pháp hỗ trợ pháp lý, trước tiên cần phải xác định lại cách thức tiếp cận đối với doanh nghiệp siêu nhỏ như một nguồn lực quan trọng hiện nay trong chiến lược giảm nghèo…

Thứ hai là có giải pháp hỗ trợ khả năng tiếp cận thị trường vì doanh nghiệp siêu nhỏ tự thân đã mang tính rời rạc, nhỏ lẻ… Do đó rất cần thiết phải có một chương trình liên kết qua hoạt động của những trung tâm hỗ trợ tại các địa phương để giúp cho chủ doanh nghiệp, đặc biệt chủ doanh nghiệp là phụ nữ, dễ dàng tham gia vào thị trường các sản phẩm như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, chế biến thục phẩm.

Cuối cùng là giải pháp hỗ trợ tín dụng siêu nhỏ. Chính phủ cần thiết lập những khung pháp lý hỗ trợ hình thành các tổ chức tài chính siêu nhỏ để thực hiện cho vay các khoản nhỏ giúp vốn chăn nuôi gia súc, buôn bán nhỏ lẻ, phát triển các nghề thủ công, nghề dịch vụ đang có trong từng cộng đồng dân cư nhỏ… Khuyến khích người đi vay được vay nhiều hơn nếu hoàn trả đúng hạn, nhờ đó giúp các hộ kinh doanh nghèo vốn không có nhiều tài sản thế chấp được vay vốn.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Học Viện Chính Trị Khu vực II: Xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi

Hoạt động cho vay nặng lãi đặc biệt ở vùng Khmer Nam Bộ là hoạt động mang tính bóc lột. Nó chèn ép người nghèo, bần cùng hóa họ, làm cho họ không còn cơ hội vươn lên. Để tăng cường hiệu quả vốn tín dụng Ngân hàng CSXH, cần phải xóa bỏ tệ nạn này. Chính quyền các cấp cùng với công an và các ban ngành khác cần bám sát địa bàn. Trừng phạt nghiêm khắc những kẻ cho vay nặng lãi dưới nhiều hình thức như cầm cố tài sản, bán lúa non...

Mặt khác, huy động sự tham gia của Nhà chùa trong hoạt động tín dụng: Nhà chùa giữ vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần của đồng bào vùng Khmer Nam Bộ. Các vị sư sãi là người có uy tín và ảnh hưởng lớn đến người dân. Ngân hàng cần phối hợp với các sư sãi tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về chính sách của ngân hàng, về trách nhiệm của người vay vốn, tuyên truyền hạn chế tập quán chi tiêu không tiết kiệm của đồng bào..

Ông Vương Đức Hoàng Quân, Viện phó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM: Xuất khẩu lao động - giải pháp giảm nghèo

Xét dưới góc độ kinh tế học, xuất khẩu lao động về cơ bản được nhìn nhận là sẽ đem lại lợi ích cho cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và chính bản thân người lao động.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, nhiều vấn đề hạn chế vẫn còn tồn tại khiến cho những lợi ích của hoạt động xuất khẩu lao động không đạt được như kỳ vọng. Người lao động, đặc biệt là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là đối tượng phải gánh chịu nhiều rủi ro và thiệt thòi nhất. Các rủi ro thường liên quan đến việc bảo vệ người lao động Việt Nam tại nước sở tại, kỹ năng nghề và khả năng thích ứng với môi trường làm việc và văn hóa khác biệt của người lao động, và việc giám sát trách nhiệm và cam kết của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ XKLĐ đối với người lao động. Những rủi ro này thường cao hơn đối với người lao động là dân tộc thiểu số do khả năng tiếp cận thông tin và trình độ học vấn thấp hơn. Việc tận dụng nguồn nhân lực sau xuất khẩu cũng như thực hiện xuất khẩu lao động tại chỗ đối với đồng bào dân tộc hầu như vẫn chưa được chú ý.

Anh Đức ghi