12:10 30/12/2010

Tháo ''nút thắt'' các cơ sở gây ô nhiễm nội đô

Theo các nhà quản lý đô thị của Hà Nội, sức ép về ô nhiễm môi trường, quá tải giao thông, bụi, tiếng ồn... ở Hà Nội hiện đã lên đến mức báo động.

Theo các nhà quản lý đô thị của Hà Nội, sức ép về ô nhiễm môi trường, quá tải giao thông, bụi, tiếng ồn... ở Hà Nội hiện đã lên đến mức báo động.


Giải pháp cho vấn đề này là Hà Nội phải khẩn trương di dời các bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trường đại học ra ngoại thành để giảm thiểu các sức ép. Nhằm tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị phải di dời, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 86/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Với cơ chế mới ban hành, các nhà quản lý lạc quan: Kế hoạch sẽ được đẩy nhanh tiến độ.

Quyết định 86 - tháo "nút thắt"


Do quy hoạch cũ để lại, thành phố Hà Nội đang là một đô thị tổng hợp các công trình gồm bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, trường đại học, dân cư, cơ quan hành chính xen nhau chặt chẽ trong các quận nội thành. Hiện trạng đô thị tổng hợp này đã làm nổi lên nhiều vấn đề như nạn ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông... do các ngành sản xuất cơ khí, hóa chất, dệt nhuộm, bệnh viện, trường học… ngày càng mở rộng, thu hút thêm người và phương tiện vào nội đô.

Nhiều cuộc hội thảo để đả thông tư tưởng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (CSSX-KD) nhưng không thành công. Ách tắc là do thành phố Hà Nội và các đối tượng trong diện phải di dời đều không có nguồn tài chính để triển khai, trong khi quỹ đất vàng mà các cơ quan, tổ chức, CSSX-KD đang sở hữu chưa có cơ chế xử lý.

Từ những ách tắc trên, ngày 22/12/2010, Quyết định 86 (QĐ 86) được ban hành. Theo các chuyên gia kinh tế, do hầu hết các cơ quan, tổ chức, CSSX-KD thuộc diện phải di dời đều đang sở hữu các khu đất "vàng" trong nội đô nên nếu có chiến lược khai thác tốt, nguồn vốn từ việc xử lý các vị trí đất này sẽ giúp các đối tượng phải di dời dư sức mua đất, xây dựng cơ sở mới đàng hoàng, to đẹp hơn.


Đơn cử như các nhà máy thuộc diện phải di dời như Nhà máy cao su Sao Vàng, Giày Thượng Đình, Bóng đèn phích nước Rạng Đông hay các bệnh viện, trường đại học... Và Hà Nội không thiếu những ví dụ thành công khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất như từ đất Nhà máy cơ khí Quang Trung thành Trung tâm Thương mại Vincom; từ Nhà máy cơ khí số 1 thành Khu đô thị cao cấp...

Nguồn nước của sông Nhuệ (Hà Nội) bị ô nhiễm nặng một phần do nước thải của các cơ sở sản xuất. Ảnh: TTXVN


Điểm nhấn chủ chốt trong QĐ 86 của Chính phủ là cho phép các tổ chức, cơ quan, CSSX-KD được bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.


Trường hợp chủ đất không có chức năng kinh doanh phù hợp với yêu cầu của Luật Đất đai thì QĐ 86 cũng cho phép liên doanh với pháp nhân có chức năng (xây dựng, kinh doanh bất động sản) thành lập pháp nhân mới để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng và Kinh doanh bất động sản Việt Nam cho rằng, với cơ chế tại QĐ 86, việc các trường đại học than khó vì không lấy đâu ra vài ba trăm tỉ đồng đã có giải pháp. Vấn đề tới đây là các tổ chức, cơ quan, CSSX-KD chọn đối tác nào để khai thác khu đất cho có hiệu quả nhất để có nguồn tạo lập cơ sở mới.

Nhưng phải làm đúng

17 ngành, nghề có nguy cơ ô nhiễm phải di dời:
1. Ngành hóa chất; 2. Ngành tái chế, mua bán chất phế thải; 3. Ngành tẩy, nhuộm, hồ, in; 4. Ngành luyện cán cao su; 5. Ngành thuộc da; 6. Xi măng mạ điện; 7. Gia công cơ khí; 8. Ngành in, tráng bao bì kim loại; 9. Sản xuất bột giấy; 10. Sản xuất vật liệu xây dựng; 12. Chế biến thực phẩm tươi sống; 13. Sản xuất bánh mứt kẹo, cồn, rượu, bia, nước giải khát; 14. Sản xuất thuốc lá; 15. Chăn nuôi gia súc, gia cầm; 16. Ngành giết mổ gia súc; 17. Ngành chế biến than. Hà Nội có khoảng 422 cơ sở trong 17 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm, trong đó có 209 cơ sở nằm trong nội thành.

Để phòng ngừa các trường hợp thiếu minh bạch trong việc xử lý các khu đất vàng, QĐ 86 quy định rõ: Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thực hiện theo hình thức đấu giá.


Giá tài sản gắn liền với đất phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế. Giá trị quyền sử dụng đất mang ra đấu cũng phải được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm chuyển nhượng và theo mục đích sử dụng mới của khu đất.

Chưa hết, lường tính đến việc có thể có những cơ sở, DN vẫn cố tình chậm trễ, chây ỳ trong việc di dời, QĐ 86 ghi rõ: Nếu quá thời hạn quy định mà các đối tượng phải di dời chưa thực hiện di dời thì không được áp dụng các quy định tại QĐ 86. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm di dời phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Công sản, Bộ Tài chính, mục đích của cơ chế tài chính mới là nhằm tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh tiến độ di dời. Những trường hợp mà quy chế này chưa xử lý được triệt để (nguồn gốc đất chưa xác định) sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp tháo gỡ.

Ông Nguyễn Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Giáo dục, Công Thương và UBND hai thành phố Hà Nội và TP.HCM thực hiện.

Theo kế hoạch của Hà Nội, từ nay đến quý II/2011, thành phố sẽ tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách các đơn vị đang sử dụng đất gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp với quy hoạch cần phải di dời.


Trước mắt, thành phố sẽ lên phương án di dời ngay các cơ sở có diện tích đất lớn hoặc đang gây ô nhiễm nghiêm trọng hoặc không phù hợp quy hoạch tại các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai và Hà Đông trước năm 2012. Các trường hợp còn lại hoàn thành xong trong năm 2015.

Xuân Hương