06:09 09/06/2012

Thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Tại buổi thảo luận, các Bộ trưởng: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải trình một số nội dung liên quan đã được các đại biểu đề cập.

 

Đề án chưa nêu bật được các giải pháp cụ thể


Đa số ý kiến các đại biểu đều khẳng định việc cần thiết thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế do thời gian gần đây nền kinh tế nước ta đã bộc lộ không ít yếu kém nội tại, tăng trưởng GDP đang có xu hướng chậm lại, lạm phát luôn ở mức khá cao, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, nợ nước ngoài và nợ công ở mức cao, nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng… Trong khi đó, Đề án chỉ mới xác định khung định hướng chung của tái cơ cấu kinh tế và nhóm các giải pháp chủ yếu, mà chưa nêu bật được điểm đặc trưng cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp cụ thể, cách thức, lộ trình thực hiện đề án, tác động khi thực hiện đề án…


 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Huỳnh Thành phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng trong quá trình triển khai thực hiện đề án phải xác định rõ trách nhiệm, vai trò của từng người đại diện chủ sở hữu, vai trò của quản lý… và có cơ chế minh bạch giám sát, vấn đề huy động nguồn vốn như thế nào trong quá trình thực hiện tái cơ cấu…


Thời gian qua, nguồn lực của Nhà nước được huy động vào sự phát triển kinh tế thông qua việc đầu tư công và đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước thì vai trò của Nhà nước giữ vị trí như thế nào trong tổng thể quá trình tái cơ cấu nền kinh tế… Vì vậy, đề án cần làm rõ vấn đề liên quan đến phân bổ nguồn lực, đặc biệt tối ưu hóa, huy động được tổng lực của nguồn lực xã hội chuyển dần từ việc sử dụng nhiều nguồn lực nhà nước, hướng tới huy động nguồn lực xã hội. Trong quá trình tái cơ cấu của mỗi ngành cần chú ý vai trò của nông nghiệp, công nghiệp… tỉ trọng của thành phần kinh tế nhà nước bao nhiêu, tỉ trọng của doanh nghiệp chiếm bao nhiêu, tỉ trọng FDI như thế nào…

 

Đa dạng nguồn lực thực hiện Đề án


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: Cuộc tái cấu trúc nào cũng cần phải có chi phí. Với điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn lực thực hiện Đề án này sẽ được huy động từ ba nguồn chủ yếu.


Thứ nhất là kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào tái cấu trúc và thời gian qua đã có nhiều tổ chức tham gia, chấp nhận tổn thất trước mắt, tạo ra lợi nhuận trong tương lai.


Thứ hai là kêu gọi nguồn đầu tư nước ngoài. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chỉ khi nào nhà đầu tư trong nước không tham gia vào đầu tư thì mới kêu gọi nước ngoài để đảm bảo lợi ích kinh tế trong nước.


Thứ ba là huy động nguồn lực của Nhà nước theo 2 phương thức chính gồm: Ngân hàng Nhà nước theo luật định sẽ được quyền góp vốn mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng để tham gia quản trị, điều hành khôi phục lại, sau đó kêu gọi mua lại hoàn vốn, thậm chí Nhà nước có lãi. Cách thức thứ hai là thành lập công ty mua bán nợ. Đây là thực tiễn các nước trong khu vực đã áp dụng, đặc biệt khủng hoảng tài chính 1998, áp dụng thành công. Với khối lượng nguồn lực phải đầu tư rất lớn, sự tham gia của Nhà nước sẽ tạo ra đòn bẩy và công cụ trong ngắn hạn, trung và dài hạn dùng nguồn lực như ở trên để bù lại trong ngắn hạn.


Cũng giải đáp băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về nguồn lực thực hiện Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Nguồn lực thực hiện Đề án này là rất lớn, có thể chiếm tới 10% GDP như thực tế Nhật Bản đã tiến hành.


Nguồn này được huy động từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nay được đổi tên thành Quỹ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nội dung đổi mới thu chi. Về thu trước có 3 nguồn nay có 7 nguồn, bổ sung chi cấp vốn điều lệ cho doanh nghiệp, đầu tư bổ sung thêm vốn, tăng tỉ lệ phần vốn nhà nước khi tham gia cơ cấu.

 

Đề án tổng thể chỉ là khung


Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế rộng và đòi hỏi cần căn cứ lựa chọn xác định hướng mới, dự báo trong những năm tới.


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Đề án tái cơ cấu nền kinh tế là đề án tổng thể nên không thể chi tiết được. Lý do là không đủ thời gian và nếu sa vào chi tiết cũng không thể đủ sức để làm thỏa mãn tất cả các nội dung được.


Sau khi xin ý kiến về chủ trương, định hướng và các giải pháp lớn từ các phía, Chính phủ sẽ giao cho các cấp các ngành thực hiện dựa trên thực tiễn và theo Nghị quyết Quốc hội. Hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đã được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, Đề án chỉ nêu các vấn đề khái quát đã được thông qua.


Kết luận phiên thảo luận ngày 8/6 về Đề án tổng thể tái cơ cấu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và ra kết luận mang tính định hướng, giao Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng Đề án và tổ chức thực hiện. Hàng năm, Chính phủ sẽ báo cáo trước Quốc hội cùng với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.


TTN