11:09 26/11/2010

Thảo luận một số luật, dự luật

Sáng 25/11, tiếp tục thảo luận về Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận thẳng thắn về quy định nên hay không nên có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát trong các phiên tòa dân sự.

Sáng 25/11, tiếp tục thảo luận về Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận thẳng thắn về quy định nên hay không nên có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát trong các phiên tòa dân sự.

Quanh chủ đề này, mặc dù các ĐB đều tán thành việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, tuy nhiên vẫn có hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, bà Võ Thị Thúy Loan phát biểu ý kiến. Ảnh: Thái Bình-TTXVN

Các ĐB Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang), Vi Thị Hương (Điện Biên) đều không đồng tình với việc tăng cường sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát trong các phiên tòa xét xử các vụ việc dân sự, bởi quá trình giải quyết vụ kiện dân sự trên tinh thần thỏa thuận, hai bên đương sự có quyền chấm dứt vụ kiện bất kỳ lúc nào. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng, nếu quy định để đại diện Viện Kiểm sát tham gia giải quyết vụ án dân sự, tham dự các phiên tòa xét xử các vụ kiện dân sự thì những phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát có thể sẽ tác động ít nhiều đến đương sự và Hội đồng xét xử. Điều này khó đảm bảo khách quan cho tiến trình giải quyết vụ việc.

Các ĐB: Trần Đình Nhã (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) cho rằng, chỉ nên quy định đại diện Viện Kiểm sát tham gia vào các vụ việc dân sự một cách chừng mực, bởi sự có mặt của Viện Kiểm sát có thể dẫn đến tình trạng Tòa án thu thập chứng cứ, Viện Kiểm sát đánh giá chứng cứ, phát biểu quan điểm. Theo ĐB Ngũ, như vậy là làm biến dạng quan hệ dân sự, không đúng với bản chất “việc dân sự, cốt ở đôi bên” trong quan hệ pháp luật dân sự.

Trong khi đó, ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) phân tích, trên thực tế có rất nhiều trường hợp đương sự không am hiểu pháp luật nên rất khó để tự bảo vệ quyền lợi của mình mà cũng không có tiền để thuê luật sư. Không phải trường hợp nào đương sự cũng phát hiện sự thiếu khách quan của thẩm phán trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ… Việc này dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không được đảm bảo. Đó cũng là nguyên nhân của số lượng lớn các kháng cáo, kháng nghị. ĐB Khanh khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng tăng cường có sự có mặt của Viện Kiểm sát trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự là cần thiết.

Trong buổi thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng chỉ nên duy trì cơ chế hai cấp xét xử; giao cơ quan định giá độc lập để định giá tài sản, đảm bảo tính khách quan; trong trường hợp không ký hợp đồng với cơ quan định giá được thì mới giao cho TAND nhưng Chủ tịch HĐ định giá phải là người của cơ quan tài chính.

Còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Chiều 25/11, Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tập trung vào các nội dung bao gồm phạm vi điều chỉnh; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tổ chức, phạm vi, phương thức hoạt động của hợp tác xã; phân phối và tài sản không chia của hợp tác xã; quản lý nhà nước đối với hợp tác xã.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhận xét các quy định trong dự thảo luật vẫn có sự lúng túng; đồng thời đề nghị sửa luật cần thống nhất 6 vấn đề, đó là cần làm rõ hợp tác xã là của ai, bản chất hợp tác xã là gì, quản trị hợp tác xã như thế nào, công tác đào tạo nguồn nhân lực, các phương tiện quản trị và có cơ chế giám sát. Có như vậy việc xây dựng luật mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy hợp tác xã phát triển nhanh, mạnh. Trái ngược với quan điểm của đại biểu Lịch cho rằng hợp tác xã là dành cho những người yếu thế trong xã hội, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) thì cho rằng không nên xác định hợp tác xã là cho người yếu thế, bởi trên thực tế có rất nhiều hợp tác xã hoạt động kinh doanh rất phát triển. Trong việc xây dựng luật, trước hết cần xác định hợp tác xã là gì, sau đó mới bàn đến những vấn đề liên quan khác. Theo đại biểu, hợp tác xã là tổ chức liên kết tự nguyện, của các cá nhân cá thể nhằm phát huy thế mạnh nguồn lực của nhau trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với quy định về quyền của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, dự thảo luật quy định “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên trên cơ sở bảo đảm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên do điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định, nhưng tối đa không quá 40% tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Trong trường hợp hợp tác xã được thành lập nhằm mục đích tạo việc làm cho thành viên, hợp tác xã có quyền thu hút lao động không phải là thành viên hợp tác xã làm việc cho hợp tác xã trên cơ sở bảo đảm việc làm cho các thành viên và chiếm tỷ lệ tối đa 40% tổng số việc làm trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”. Đại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) cho rằng việc quy định như vậy sẽ gây rối trong thiết kế luật và sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các hợp tác xã sau này. Hiện nay có hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp chỉ có vài chục xã viên nhưng đã tổ chức gia công thời vụ cho hàng trăm, hàng nghìn người, cá biệt có hợp tác xã tổ chức lao động cho gần một vạn người ở nhiều địa phương khác nhau. Đại biểu Quân đặt câu hỏi quy định như luật thì các hợp tác xã này có vi phạm luật không? Và khẳng định quy định như vậy đã trực tiếp hạn chế hoạt động của hợp tác xã, không phù hợp với thực tế và xu thế phát triển chung, thậm chí còn có tính chất gò ép các thành viên hợp tác xã, các hợp tác xã quay trở lại lối làm ăn cũ.

Đối với việc quy định phân phối lần lượt và tài sản chung không chia, đại biểu cho rằng việc quy định cá nhân khi ra khỏi hợp tác xã chỉ được rút vốn danh nghĩa phù hợp với phần vốn góp điều lệ lúc ban đầu. Toàn bộ tài sản được tích lũy trong quá trình hoạt động của hợp tác xã sẽ được đưa vào tài sản chung không chia và tài sản này sẽ được chuyển giao cho chính quyền hoặc tổ chức khác khi giải thể sẽ làm cho không ai muốn tham gia hợp tác xã nữa…

Nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu sửa đổi để ban hành luật, cần làm rõ bản chất kinh tế hợp tác để xây dựng luật, góp phần tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác xã ngày càng phát triển…

Quang Vũ - Nguyễn Bích Thủy /TTXVN