11:11 05/11/2011

Thảo luận dự thảo Luật Quảng cáo và Luật Giáo dục đại học; nghe tờ trình về 4 dự án luật

Sáng 4/11, đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Quảng cáo và Dự thảo Luật Giáo dục đại học.

Sáng 4/11, đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Quảng cáo và Dự thảo Luật Giáo dục đại học.

Xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai sự thật

Các đại biểu nhất trí cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Quảng cáo trong bối cảnh hoạt động quảng cáo ở nước ta đang phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện, đặc biệt là quảng cáo trên Internet và các phương tiện điện tử. Hệ thống pháp luật về quảng cáo không còn phù hợp, bộc lộ nhiều mâu thuẫn bất cập, đặt ra yêu cầu phải có một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn điều chỉnh hoạt động quảng cáo trong tình hình mới.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, ông Phùng Khắc Đăng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Đa số đại biểu đề nghị giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo bởi mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo. Đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội), Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan để công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) lại đề nghị công tác quản lý nhà nước về quảng cáo nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung quảng cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm, bởi hiện nay, có tới 80% thị phần quảng cáo được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời.

Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Nga, Phạm Thanh Hùng (Hà Nội) hiện nay hoạt động quảng cáo còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhất là việc quảng cáo sai sự thật vẫn đang tồn tại, gây hệ lụy rất lớn cho xã hội. Tin nhắn quảng cáo gửi vào điện thoại, phát tờ rơi ở ngã tư đèn đỏ, rao vặt bằng loa đài, âm thanh gây ồn ào nơi công cộng hoặc quảng cáo có yếu tố nước ngoài, không hề có tiếng Việt… là những vấn đề cần quy định cụ thể trong Luật với mức xử phạt thật nghiêm.

Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đề nghị cần quy định cấm sử dụng thuần túy tiếng nước ngoài vào quảng cáo; quy định rõ trách nhiệm của người quảng cáo, kinh doanh quảng cáo, phát hành quảng cáo để dễ quy kết khi có sai phạm.

Thảo luận dự thảo Luật Giáo dục đại học, các đại biểu tập trung vào các nội dung quản lý nhà nước trong giáo dục đại học; mô hình tổ chức và việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học; xã hội hóa giáo dục đại học; kiểm định chất lượng đào tạo; giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học và người học…

Nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo Luật còn chung chung, chưa thể hiện rõ những vấn đề cốt lõi của bậc giáo dục đại học; chưa thể chế hóa một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học,...

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh, muốn đào tạo tốt thì đội ngũ giáo viên rất quan trọng, trong luật chưa thể hiện được cách tuyển chọn đội ngũ giảng viên đại học. Cần quy định chặt chẽ điều kiện thành lập trường: Đội ngũ giáo viên, phòng thí nghiệm,... Theo đại biểu, chất lượng đào tạo cũng cần đặc biệt quan tâm, cần tổ chức đào tạo chuyên sâu theo chuyên ngành.

* Chiều 4/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật Phòng, chống rửa tiền; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Làm rõ hơn quan điểm xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền

Trình bày Tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng, Dự án Luật Phòng chống rửa tiền được ban hành sẽ khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành. Việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền có điều chỉnh vấn đề tài trợ khủng bố là cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu minh bạch nền tài chính quốc gia mà còn thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, đáp ứng nhu cầu hội nhập và tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn quan điểm xây dựng luật, nhất là quan điểm về bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền là cần thiết, tuy nhiên phải phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của nước ta. Ủy ban Kinh tế cho rằng Luật này chỉ nên điều chỉnh vấn đề phòng, chống rửa tiền bởi tài trợ khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, vì Luật Phòng, chống khủng bố được ban hành sau, để thể hiện sự cam kết của Nhà nước ta với quốc tế, trong Luật Phòng, chống rửa tiền, cần có 1 điều quy định nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố.

Tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ những sửa đổi, bổ sung cơ bản trong 17 chương của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đáng chú ý là những sửa đổi trong quy định về Hợp đồng lao động so với luật hiện hành như: Sửa đổi quy định về phân loại hợp đồng lao động, theo đó bỏ giới hạn 36 tháng đối với hợp đồng lao động có thời hạn xác định từ đủ 12 tháng trở lên. Quy định thời hạn (15 ngày) bắt buộc để ký hợp đồng lao động bằng văn bản đối với người lao động làm việc theo loại hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên. Nâng mức tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc để bảo đảm quyền lợi cho người lao động (85% so với 70% hiện hành)...

Những sửa đổi, bổ sung trong quy định về tiền lương tập trung vào các vấn đề như: Tiền lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và mức tiền lương, tiền công trên thị trường.

Thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế. Trong điều kiện hiện tại, cần quy định mức lương tối thiểu vùng nhưng trong tương lai khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên, nên hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế tối đa việc người sử dụng lao động lợi dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu để chi trả tiền lương không hợp lý.

Làm rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia công đoàn

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, liên quan đến: Địa vị pháp lý của công đoàn; vấn đề đại diện cho người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; vai trò công đoàn cấp trên trực tiếp đối với công đoàn cơ sở; vấn đề tài chính công đoàn...

Dự thảo đề cập một vấn đề mới là quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài. Trong thực tế, quan hệ lao động giữa người lao động là người nước ngoài và người sử dụng lao động bắt đầu có những phát sinh mâu thuẫn nhưng chưa có tổ chức công đoàn bảo vệ họ. Dự thảo cũng quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên phải thành lập công đoàn để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn chủ trương không hành chính hóa tổ chức và hoạt động công đoàn; đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp và công đoàn tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở. Theo Ủy ban Pháp luật, để công đoàn thực sự có sức hấp dẫn đối với người lao động và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động, dự thảo Luật cần làm rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia công đoàn, trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với thành viên của mình và cơ chế đại diện, bảo vệ người lao động như thế nào chứ không chỉ quy định về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn.

Ưu tiên bảo vệ lợi ích của sức khỏe cộng đồng

Một vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) là về Quỹ PCTHTL, nâng cao sức khỏe cộng đồng và nguồn hình thành quỹ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thành lập Quỹ là giải pháp thiết yếu để huy động đủ nguồn tài chính ổn định, bền vững cho công tác PCTHTL và bảo đảm tính khả thi của Luật. Việc thành lập Quỹ sẽ bảo đảm cho công tác PCTHTL được thực hiện thường xuyên, lâu dài, chủ động và linh hoạt; huy động sự đóng góp của xã hội cho công tác PCTHTL, mang tính chất xã hội hóa, không lệ thuộc vào ngân sách.

Theo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đây là một dự án mang đậm tính nhân văn, vừa bảo đảm quyền được bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc lá cũng như quyền và nghĩa vụ của người hút thuốc lá. Ủy ban này cho rằng, lợi ích từ thuế, việc làm dù có hàng chục ngàn tỷ cũng khó có thể bù đắp những thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người dân. Chính sách vĩ mô phải hướng đến việc ưu tiên bảo vệ lợi ích của sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích chung của người dân.
 
Thanh Hòa - Bích Thủy