06:14 07/06/2014

Thanh Trì quyết 'xóa mù' bơi cho học sinh

Nhằm giúp học sinh ngay từ bậc tiểu học biết bơi, 4 năm nay huyện Thanh Trì ở Hà Nội đã xây bể và dạy bơi cho các em ngay tại trường học. Đây được xem là địa phương đi đầu cả nước về việc “xóa mù” bơi cho học sinh.

Nhằm giúp học sinh ngay từ bậc tiểu học biết bơi, 4 năm nay huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã xây bể và dạy bơi cho các em ngay tại trường học. Đây được xem là địa phương đi đầu cả nước về việc “xóa mù” bơi cho học sinh.

Huyện Thanh Trì là địa phương vùng trũng, thấp, nhiều ao hồ sâu, đã xảy ra không ít vụ chết đuối thương tâm nguyên nhân bắt nguồn từ việc trẻ không biết bơi. Trước thực trạng trên, huyện đã thành lập đề án "Xây dựng bể bơi phòng chống đuối nước và phổ cập bơi cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở huyện Thanh Trì giai đoạn 2010 - 2015". Bằng nguồn ngân sách địa phương, ngân sách xã hội hóa, người dân đóng góp, đến nay Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng 11 bể bơi trong trường học tại 11 trong tổng số 16 xã, thị trấn. Nhờ đó 4 năm qua, huyện Thanh Trì đã dạy cho hơn chục nghìn học sinh biết bơi.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, từ nay đến năm 2015, huyện sẽ tiếp tục xây dựng bể bơi tại những xã còn khuyết. Các bể bơi trên địa bàn được xây dựng theo một quy cách chung về kích thước, rộng, dài, có mái che nên an toàn cho học sinh tập bơi. Các bể bơi trong các trường học của Thanh Trì đang hoạt động hết công suất, đáp ứng nhu cầu học bơi của các em nhưng trong mùa hè này, ưu tiên học sinh lớp 4 và lớp 8, để sau ra trường là các em đã biết bơi.

Ngay sau khi mở cửa từ ngày đầu tháng 6, các bể bơi của huyện Thanh Trì đã đón nhận nhiều lượt học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 đến đăng ký học bơi. Trước thông tin một số bể bơi trên địa bàn Hà Nội chất lượng nước chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, UBND huyện Thanh Trì đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm y tế đặc biệt quan tâm, giám sát việc vận hành bể bơi cũng như chất lượng nguồn nước tại các bể.

Giờ học bơi ở một trường tiểu học thuộc Thanh Trì. Ảnh: TTXVN


Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Huyện yêu cầu, mỗi ngày nhà trường phải lấy mẫu nước và lưu lại. Về hóa chất để làm sạch nguồn nước, huyện cũng ký hợp đồng với một đơn vị có chuyên môn để cung cấp cho tất cả các trường, không để cho các trường tự mua, không đúng mẫu mã chủng loại, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Mặt khác, trước mỗi vụ bơi, huyện lại tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế học đường, giáo viên thể dục về những yêu cầu trong bảo đảm vệ sinh nguồn nước, cách thức, thời gian bơi, số lượng học sinh trong từng bể nhằm đảm bảo cho các em.

Là phụ huynh đưa con đi học bơi, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, ở xã Tứ Hiệp chai sẻ, hầu hết các gia đình có con học từ lớp 3 đến lớp 8 đều đăng ký học bơi. Nhà trường đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các em nên gia đình cũng đỡ tốn kém hơn. So với một khóa học bơi ở ngoài thì học tại trường rẻ hơn nhiều, hơn nữa lại được các thầy cô tận tình hướng dẫn. Gia đình chị cũng như nhiều bậc phụ huynh khác rất yên tâm khi gửi con em đến học bơi tại trường.

Theo quy định, mỗi lớp học bơi có 20 em. Thời gian học trong 20 ngày, mỗi học sinh đóng góp 200.000đ/khóa. Kết thúc khóa học, các em sẽ trải qua một cuộc "sát hạch" theo quy định và được nhà trường cấp chứng chỉ “xóa mù” bơi. Trong mùa hè này, huyện Thanh Trì sẽ dạy cho khoảng hơn 3.600 học sinh trên địa bàn biết bơi. Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình chính sách, được huyện miễn phí.

Cô Bùi Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tứ Hiệp, Thanh Trì chia sẻ, nhà trường đã tiếp nhận kín lịch đăng ký học bơi của các em trong tháng 6. Do nhu cầu lớn, giáo viên hướng dẫn bơi mỗi ngày phải ngâm mình 6 tiếng dưới nước để dạy các em, kéo theo đó, nhân viên y tế học đường, ban giám hiệu cũng “mất hè”, vì phải cắt cử người túc trực hỗ trợ các em. Tuy mệt nhưng vui, giáo viên thường xuyên động viên nhau “tất cả vì học sinh thân yêu, vì học sinh không bị đuối nước".



Mạnh Khánh