06:22 01/06/2014

Thánh thót Sơn Ca giữa lòng Praha

Những người Việt ở CH Séc dù chỉ một lần được nghe tiếng hát lảnh lót, được xem những điệu bộ nhí nhảnh, tươi vui của của các em nhỏ trong CLB Sơn Ca thì sẽ nhớ rất lâu.

Những người Việt ở CH Séc dù chỉ một lần được nghe tiếng hát lảnh lót, được xem những điệu bộ nhí nhảnh, tươi vui của của các em nhỏ trong CLB Sơn Ca thì sẽ nhớ rất lâu. Bởi giữa bộn bề những lo toan, tính toán của người lớn vào thời "gạo châu củi quế" ở chốn xa quê thì sự hồn nhiên của trẻ thơ như một liều thuốc quý.

Các phóng viên TTXVN đến Sơn Hương Music tại TTTM Sa Pa (Praha) vào một buổi chiều cuối tháng 5 trời mưa rả rích. 13 "chú Sơn Ca" tuổi từ 7 đến 14 đang miệt mài tập luyện dưới sự chỉ đạo của cô giáo dạy hát Thu Hương đồng thời là chủ nhiệm CLB, cùng 3 đại diện tích cực nhất của "hội các mẹ Sơn Ca".

Các "chú Sơn Ca" luyện tập cho đêm diễn nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tại Praha. Ảnh: Quang Vinh/TTXVN


Các em đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn được mong đợi nhất vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. "Âm thịnh, dương suy" (2 nam và 11 nữ), lứa tuổi không đồng đều, em cao em thấp, em mảnh khảnh, em tròn trĩnh, năng khiếu bẩm sinh cũng khá xa nhau nhưng có một cái chung kết nối cả nhóm lại, đó là niềm đam mê ca hát.

Chị Thu Hương, con gái của NSƯT Kim Dung nổi tiếng qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong thập niên 70, 80 với giọng ngâm thơ lanh lảnh, là ca sĩ rất quen thuộc với cộng đồng người Việt ở Séc. Trên sân khấu chị dịu dàng, điệu đà bao nhiêu thì ở cương vị cô giáo chị lại mạnh mẽ, nghiêm khắc bấy nhiêu.

Chị tâm sự: "Thời thơ ấu tôi sinh hoạt trong đội Sơn Ca của Đài TNVN nên khi sang Séc lập nghiệp tôi luôn ấp ủ mong ước một ngày nào đó sẽ lập ra CLB Sơn Ca của trẻ em Việt ngay tại Praha. Và "ngày nào đó" đã đến với tôi cách đây hai năm. Vậy là mơ ước của tôi và nguyện vọng cho con học hát, học nhạc từ phía những người mẹ trẻ đã gặp nhau".

Chị Trần Minh Thúy nói rằng chị đưa bé Phương Thảo đến Sơn Hương Music để tham gia CLB Sơn Ca không phải với mục đích đào tạo một ca sĩ nhí. Điều cốt yếu là chị muốn cô con gái nhút nhát có môi trường tiếp xúc với bạn bè là người Việt để trau dồi vốn ngôn ngữ mẹ đẻ vì Phương Thảo học ở trường quốc tế. Sau 2 năm tham gia lớp học hát cô bé đã trở nên mạnh bạo trong giao tiếp, nói tiếng Việt lưu loát và trở thành "cây văn nghệ" ở trường.

Nỗi lo về sự nghèo nàn vốn từ tiếng Việt của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Séc hoàn toàn có cơ sở. Trong số các em ở CLB Sơn Ca thì Quốc Hùng nói sõi tiếng Việt nhất dù trong lớp học ở trường tiểu học chỉ duy nhất cháu là người Việt Nam. Một phần là vì trong các buổi học hát cháu rất hay hỏi cô giáo về ý nghĩa của những từ trong các bài ca mà cháu không hiểu hay hiểu mù mờ, luôn cố gắng phát âm sao cho đúng chuẩn. Còn cậu bé Ba Dương, con trai của cô giáo Thu Hương, lại là thành viên có "chất nghệ sĩ" nhất, luôn luôn khuấy động bầu không khí trong các buổi tập. Cậu bé không chỉ hát hay mà còn nhảy đẹp. Vốn ngôn ngữ và kiến thức về văn hóa Việt của Dương cũng đã tiến bộ hơn nhiều từ khi tham gia CLB Sơn Ca, nhưng khi nói chuyện cách phát âm của em vẫn lơ lớ, không tròn vành rõ chữ như khi hát...

Các em thiếu nhi trong dàn đồng ca Hướng vể biển đảo quê hương tối 20/5. Ảnh: Ngọc Mai/TTXVN


Cô giáo Thu Hương cho biết, chị cảm thấy hài lòng vì công sức của các em, của chị và "hội mẹ Sơn Ca" đã được bù đắp bởi sự đóng góp về mặt nghệ thuật của CLB được cộng đồng ghi nhận. Giọng ca lảnh lót của các "chú Sơn Ca" ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các sự kiện lớn, nhỏ của cộng đồng người Việt ở Praha, trong đó có Ngày Văn hóa Việt Nam. Danh tiếng của CLB Sơn Ca cũng đã được các trung tâm văn hóa thiếu nhi ở Praha bắt đầu biết đến và mời giao lưu, cùng biểu diễn trong một số sự kiện của địa phương.

Ấn tượng sâu đậm nhất mà CLB Sơn Ca để lại trong lòng khán giả Việt ở Séc chính là những tiết mục ngợi ca quê hương, ngợi ca lòng quả cảm của các chú hải quân trong Đêm nhạc Hướng về biển đảo quê hương và chủ quyền quốc gia được tổ chức tại TTTM Sa Pa tối 20/5. Bức ảnh do phóng viên TTXVN ghi lại khoảnh khắc các "chú Sơn Ca" trong chiếc áo phông đỏ đứng hát trước màn hình có lá Quốc kỳ tung bay và chiến sĩ hải quân ôm súng canh giữ biển trời, đã được nhiều báo trong nước sử dụng. Bức ảnh này cùng Quỹ Hướng về biển đảo quê hương do Hội Người Việt Nam tại Séc phát động ngay trong Đêm nhạc đã trở thành biểu tượng tấm lòng son sắt của các nghệ sĩ nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung ở nơi xa đối với Tổ quốc.


Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)