05:08 01/05/2011

Thành phố mang tên Bác phải đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế

“TP.HCM phải tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, công tác chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

“TP.HCM phải tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, công tác chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù kinh tế TP.HCM đang bị tác động bất lợi trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng các ngành, các cấp phải nỗ lực hết sức mình, huy động mọi nguồn lực xã hội để giữ tăng trưởng, phát triển bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và giữ vững ổn định chính trị” - đó là những vấn đề cốt lõi mà đồng chí Lê Thanh Hải (ảnh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết khi trò chuyện với PV báo Tin Tức (TTXVN).

Ảnh: Tràng Dương-TTXVN

Thưa đồng chí, tình hình kinh tế đang có những diễn biến khó lường, trước thực trạng này, TP.HCM đã có những giải pháp gì để góp phần kiềm chế lạm phát và giữ vững tăng trưởng?

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với những khó khăn trong nước đã tác động bất lợi đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Song nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố cùng với sự năng động, sáng tạo, vượt khó của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân, bước đầu thành phố đã đạt một số kết quả quan trọng.

Đó là, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,3% so với cùng kỳ, bằng 1,87 lần tốc độ tăng của cả nước; kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố và phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển sản xuất - kinh doanh, bình ổn thị trường; hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế với các tỉnh được mở rộng; quản lý và phát triển đô thị có tiến bộ; khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế,… có bước phát triển tích cực; an ninh chính trị được giữ vững; các chính sách an sinh xã hội được tập trung thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, lạm phát, mặt bằng lãi suất tăng cao,... gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu; việc xử lý các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn tụ tập đua xe gây rối trật tự an toàn giao thông,... chưa thực sự hiệu quả; đời sống của nhân dân, nhất là người thu nhập thấp, người về hưu, người neo đơn có nhiều khó khăn.

Thưa đồng chí, hội nghị Thành ủy lần thứ 4 diễn ra cuối tháng 3 vừa qua đã chỉ ra nhiều vấn đề kinh tế cần khắc phục. Đồng chí có thể cho biết, TP.HCM sẽ làm gì để hạn chế những yếu kém này?

Hội nghị nhất trí cao nhận định của Bộ Chính trị: Nền kinh tế nước ta hiện nay khó khăn, nguyên nhân chủ quan do những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm được khắc phục, bị tích tụ nặng nề hơn trong những năm phải đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế và do một số hạn chế trong quản lý, điều hành của các cấp. Từ đó, TP.HCM thấy có nhiều vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ.

Nghiên cứu phát triển giống nông sản giá trị cao tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN


Trong đó, chúng ta cần phát huy mạnh mẽ kinh nghiệm tốt của chương trình kích cầu đầu tư. Chương trình này là giải pháp kịp thời giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vượt khó đạt kết quả khả quan, từng bước đi vào ổn định và phát triển. Nhiều DN nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chương trình kích cầu đã có thêm cơ hội giữ vững sản xuất, đổi mới thiết bị, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp và đảm bảo ổn định xã hội. Song quan trọng là xuất hiện hiệu ứng tâm lý tích cực, làm tăng lòng tin của các DN vào sự quan tâm của chính quyền TP và triển vọng môi trường đầu tư ở TP.HCM.

Tại hội nghị, chúng tôi cũng đã thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội quý 2/2011. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Thành ủy lần thứ 2 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Chương trình hành động số 06-CTrHĐ/TU của Thành ủy thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác đánh giá và đào tạo cán bộ cũng là một trong những vấn đề mà TP.HCM chú trọng. Xin đồng chí cho biết những chiến lược cụ thể về công tác này?

Sau Đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua, mặc dù tỷ lệ cấp ủy viên trẻ tuổi tăng hơn so với nhiệm kỳ trước và tỷ lệ cấp ủy viên nữ cao hơn mức yêu cầu của Trung ương, tuy nhiên so với chỉ tiêu mà Thành ủy đặt ra, vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác cán bộ không thể thực hiện một sớm, một chiều mà đòi hỏi có quá trình quy hoạch, chuẩn bị công phu, bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Do đó, ngoài việc thực hiện đồng bộ các khâu từ rà soát, tạo nguồn, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ,... thì vấn đề đặt ra là phải tạo môi trường để cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ được phấn đấu, thử thách và rèn luyện. Ngoài ra, việc TP.HCM được Trung ương cho phép tăng thêm 10% cấp ủy viên là cán bộ trẻ tuổi đối với cấp ủy cấp trên cơ sở là điều kiện thuận lợi và vừa qua thực hiện có hiệu quả, các cấp ủy cần phát huy.

Các cấp ủy cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung mới trong quy chế đánh giá cán bộ mà Bộ Chính trị đã ban hành. Đây là khâu quan trọng đầu tiên của công tác cán bộ. Đây là việc làm khó, rất nhạy cảm vì có ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và đề bạt cán bộ. Đánh giá cán bộ đúng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đánh giá cán bộ chưa đúng thì không phát huy đúng mức khả năng của cán bộ, thậm chí là còn làm mai một động lực phát triển; có khi thui chột những tài năng, làm cho chân lý bị lu mờ, vàng thau lẫn lộn, xói mòn niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với cơ quan lãnh đạo, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Quan trọng là cấp ủy phải căn cứ thực tiễn để đề ra tiêu chí phù hợp ở đơn vị mình và phải thật công tâm, khách quan với sự quyết tâm, làm quyết liệt của các cấp ủy mà trước tiên là Bí thư cấp ủy.

Năm 2011 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, đồng chí kỳ vọng gì vào sự phát triển của thành phố mang tên Bác, một trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước?

Trong năm 2010, cả hệ thống chính trị các cấp ở thành phố đã rất nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác vận động nhân dân,... Năm 2011, Thành ủy tiếp tục yêu cầu các cấp, các ngành tập trung quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2011. Trong đó, nhanh chóng tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Thành ủy; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, hội đồng nhân dân xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011 - 2016; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần ngăn ngừa sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, góp phần xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh.

Thành phố mang tên Bác phải là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế. Thành ủy kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn quân và đồng bào thành phố tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, đoàn kết, ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong năm 2011 và các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và cả hệ thống chính trị. Những nỗ lực đó nhằm quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, tạo thế và lực mới trong thực hiện Nghị quyết những năm tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phạm Đăng Giới - Nghiêm Sỹ Dũng (thực hiện)