09:10 09/09/2011

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường phòng chống dịch bệnh trong trường học

Theo dự báo trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), trong những tháng cuối năm tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) và bệnh sốt xuất huyết (SXH) sẽ diễn biến phức tạp.

Theo dự báo trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), trong những tháng cuối năm tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) và bệnh sốt xuất huyết (SXH) sẽ diễn biến phức tạp. Trước nguy cơ bệnh có chiều hướng lan rộng khi năm học mới đã bắt đầu, các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM cũng chủ động tăng cường công tác phòng chống bệnh.

Tăng cường vệ sinh trường lớp

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay bệnh TCM vẫn diễn biến rất phức tạp, đến nay trong cả nước đã có thêm 2.218 người mắc bệnh mới. Hiện có 59 tỉnh, thành đã ghi nhận bệnh nhận TCM, trong đó TP.HCM là địa phương có người mắc cao nhất trong cả nước. Trước nguy cơ bệnh TCM sẽ tiếp tục lan rộng, ngành y tế khuyến cáo người dân và các trường học cần nâng cao nhận thức, thực hiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cho trẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Sen (quận Phú Nhuận) cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm học mới, trường đã tiến hành khử khuẩn và diệt loăng quăng, côn trùng trong khuôn viên nhà trường. Ngoài sử dụng nước Cloramin B do Trung tâm y tế dự phòng phát, trường còn chủ động mua thêm nước rửa javen để lau chùi lau sàn nhà, vệ sinh phòng học. Tất cả giáo viên của nhà trường đều được tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh.

Không để bệnh lây lan trong trường học.


Cô Kim Loan chia sẻ: Mối quan tâm và lo ngại nhất của nhà trường hiện nay là các bé bị bệnh ở nhà rồi mang vào trường học lây lan sang cho các bé khác. Do đó, nhà trường rất chú trọng đến công tác tuyên truyền phổ biến cho phụ huynh về cách phòng chống bệnh trong khuôn viên trường, cũng như vệ sinh cho bé khi ở nhà. Việc phòng bệnh cần phải có sự phối hợp của phụ huynh và nhà trường thì mới đạt hiệu quả.

Tại trường Mầm non 20/10 (quận 3), công tác phòng chống dịch bệnh cũng được nhà trường hết sức chú trọng. Cô Lan Hương, Hiệu trưởng cho biết: Nhà trường lau chùi bàn ghế, dụng cụ học sinh hàng ngày bằng nước khử khuẩn và tuyên truyền cho phụ huynh biết về cách phòng bệnh và nhận biết trẻ bị bệnh.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường, đặc biệt là các trường thuộc khối tư thục, nhóm trẻ gia đình, vẫn còn rất lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Thành lập các đoàn thanh tra

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại các trường học, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh TCM và SXH trong trường học. Theo đó, ngành giáo dục xác định công tác phòng chống dịch bệnh TCM và SXH là nhiệm vụ quan trọng. Các trường tăng cường vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đặc biệt là các cơ sở bán trú, các bếp ăn tập thể, khu vệ sinh.

Ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Sở y tế TP.HCM đã thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH và TCM từ nay đến hết năm 2011 tại 24 quận, huyện. Theo đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM tiến hành kiểm tra tại các trường học với các nội dung về tuyên truyền và huấn luyện phòng chống bệnh dịch trong trường học; rửa tay cho trẻ, vệ sinh, khử khuẩn lớp học và đồ chơi, khử khuẩn hàng tuần môi trường sinh hoạt của trẻ; dọn dẹp các vật phế thải có khả năng ứ động nước mưa… Mỗi đoàn kiểm tra phải chịu trách nhiệm giám sát dịch bệnh tại hai quận, huyện được phân công. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện những khó khăn vướng mắc sẽ đề xuất lên trên và có hướng xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, ngành y tế và các nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường học khi phát hiện trẻ mắc bệnh phải thông báo cho y tế trường học biết để nhà trường cùng với Trung tâm Y tế Dự phòng quận, huyện tổ chức xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch. Trẻ bị bệnh phải được cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện, không được tự ý đi học để tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Khi phát hiện có học sinh nhiễm bệnh tại đơn vị cần phải cách ly ngay, cho trẻ nghỉ học từ 7 đến 10 ngày, xử lý triệt để ổ dịch bằng Cloramin B theo đúng hướng dẫn.

Bài và ảnh: Đan Phương