06:22 15/06/2012

Thành phố Hồ Chí Minh: Loạn tên đường, bao giờ chấn chỉnh?

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày càng có nhiều con đường được đặt tên khó hiểu. Nếu không chấn chỉnh kịp thời, thì vấn đề “loạn tên đường” đã được cảnh báo sẽ trở thành hiện thực.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày càng có nhiều con đường được đặt tên khó hiểu. Nếu không chấn chỉnh kịp thời, thì vấn đề “loạn tên đường” đã được cảnh báo sẽ trở thành hiện thực.

 

Loạn tên đường


Đi vào khu vực trung tâm hành chính quận 9, không ai không ngạc nhiên khi chứng kiến những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, thiếu kết nối, được đặt tên vô tội vạ và thiếu tính khoa học. Trong đó, người ta chú ý đến những cái tên là danh nhân lịch sử lớn của đất nước như Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng lẽ ra phải được đặt trang trọng trên những đại lộ lớn của quận thì ngược lại họ chỉ “gắn” vào những con đường nhỏ trong khu dân cư (đúng ra là hẻm) mà một chiếc xe ô tô nhỏ cũng không thể vào.


 

Tên đường được đặt một cách tùy tiện, có cả “Đường Cựu Chiến Binh Không Rác”.

 

Cụ Trần Văn Kha, người dân khu phố 2, quận 9, thắc mắc: “Tôi không hiểu tại sao những người làm quy hoạch hay đặt tên đường lại sơ sài đến thế, đặt tên đường hoàn toàn không tương xứng tí nào. Lẽ ra những con hẻm nhỏ này họ chỉ cần đặt số thì họ lại đặt tên đường. Trong khi đó, tại phường Phước Bình, rất nhiều con đường rộng thênh thang thì lại được đặt tên theo số thứ tự. Nhiều người nghĩ rằng với quận mới thành lập như quận 9 (thành lập năm 1997), việc đặt tên đường sẽ được bố trí một cách khoa học hơn, thì đằng này nó giống như một bức tranh hỗn tạp”.


Không chỉ quận 9, việc đặt tên đường ở các quận, huyện mới thành lập sau này như quận 12, huyện Hóc Môn, quận Tân Phú, quận Bình Tân càng khó kiểm soát, khiến nhiều người dân đi tìm nhà hỏi tên đường phải ngao ngán. Những điều đó cũng chưa làm người dân khốn khổ bằng việc không thể biết là nhà mình nằm trên đường nào để liên lạc thư tín, giao dịch thương mại.


Dường như do “cạn” nguồn tên nên những con đường mới thành lập được gán luôn tên của địa danh đó. Ví dụ ngay quận 3, cuối đường Trương Định nối ra ga xe lửa Hòa Hưng có một con đường mang tên Rạch Bùng Binh. Trên đường Phan Văn Hớn (thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) có gần chục bảng tên đường cắt ngang ghi XTT 4, XTT 8-7A, có bảng chi tiết hơn nhưng cũng viết tắt giữa chữ là “Tuyến 11 - 2004 Xuân T Thượng” hay “Tuyến Xuân Thới Thượng 53” kèm một bên là bảng chỉ dẫn “Đường Cựu Chiến Binh Không Rác”. Tương tự, ở quận 12, hầu hết các con đường trong khu vực đều gắn bảng viết tắt như: TMT 01, TMT 02 hay TMT 2A, TMT 14A (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), TTH 01, TTH 02 (phường Tân Thới Hiệp, quận 12); hay TTN 01, TTN 14, TNT 17 (phường Tân Thới Nhất, quận 12), hay Bàu Cát 1, Bàu Cát 2, Bàu Cát 3... (quận Tân Bình) cũng xuất hiện dày đặc. Tại quận Bình Tân thì có thêm những cái tên khó hiểu như: Liên Khu 2-5, Liên Khu 10-11, Liên Khu 16-18… TP.HCM còn “nổi tiếng” với những con đường có tên “không đụng hàng” như đường Bờ bao Tân Thắng, đường Cống Hộp, đường Cống Lở, đường Điện Cao Thế, đường Hông Bệnh Viện, đường Tên Lửa… nằm ở các quận như Bình Thạnh, quận 6.


Cũng có nhiều cái tên hoàn toàn do tự phát, được người dân đặt ra lâu ngày thành quen thuộc và được cắm bảng tên đường như con đường vòng cung chạy dưới chân cầu Sài Gòn (quận 2), nối đường Quốc Hương với đường Trần Não được người dân đặt tên là “Đường dưới chân cầu Sài Gòn”. Còn đường dẫn vào Trung tâm thương mại Bình Điền (huyện Bình Chánh) mới xây dựng thì được gọi theo đúng "chức năng" của nó: “Đường vào Trung tâm thương mại Bình Điền”. Nhiều nơi người dân cũng nhận thấy cách đặt tên đường khá phức tạp và dài dòng nên… tự sửa thành tên khác, như trường hợp đường “Tân Sơn Nhì nối dài Trương Vĩnh Ký” ở quận Tân Phú thì đổi tên thành đường… “Điện Cao Thế” vì người dân thấy có đường điện cao thế chạy qua trên con đường này. Đó là chưa kể những con đường nhỏ trong các khu dân cư vừa được cải tạo ngay ở nội thành được đặt bằng những cái tên thông dụng như: Hoa Lan, Hoa Phượng, Hoa Cúc hay đặt theo số thứ tự.


Cơ quan chức năng bất lực?


Dù TP.HCM đã có Hội đồng đặt tên đường từ 15 năm nay, với nhiệm vụ đặt tên cho những con đường mới mở, chỉnh sửa tên những con đường trùng tên hoặc đã có tên nhưng tên đường không có ý nghĩa… thế nhưng hệ thống đường ở TP.HCM vẫn đang được đặt tên một cách vô tội vạ, đến nỗi các cơ quan quản lý cũng phải bất lực khi xác định tên đường.


TP.HCM có hơn 1.500 con đường nhưng có đến 310 con đường trùng tên nằm ở nhiều quận, huyện khác nhau, có trường hợp năm đường cùng mang những tên như Lê Lợi, Nguyễn Trường Tộ, Lam Sơn. Việc trùng tên đường khiến cho nhiều người ở xa đến, do không nắm kỹ địa chỉ đã phải “bở hơi tai” khi tìm kiếm nhà. Vị anh hùng Trần Hưng Đạo cũng có “hộ khẩu” trên 4 con đường tại quận 1, 5 và Tân Bình. Thậm chí, tại quận Gò Vấp, người ta không đặt tên đường Trần Hưng Đạo mà chuyển sang tên Trần Quốc Tuấn.


Không những thế, việc đặt tên đường một cách “thực dụng” sẽ gây thêm nhiều hệ lụy xã hội và ảnh hưởng đến nét văn hóa của khu phố. Có rất nhiều con đường mà nghe qua tưởng như không ảnh hưởng gì, nhưng ngẫm lại thì có nhiều điều phải bàn. Chẳng hạn như đường “Kênh Nước Đen”, “Rạch Bùng Binh”, “Đường Tên Lửa”, “Đường Vành Đai”… mà chắc chắn sau thời gian ngắn nữa nó sẽ phải được đổi tên. Nhiều ý kiến cho rằng, chẳng lẽ TP.HCM đã hết tên những người có công với đất nước để đặt cho những con đường này và cứ để cho những cái tên “tự đặt” bùng phát một cách tùy tiện rồi để sau này sửa sai?! Nước ta không thiếu những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những địa danh nổi tiếng... Việc nhanh chóng đặt, chỉnh sửa tên đường không chỉ sớm ổn định cuộc sống của người dân mà còn thể hiện “đẳng cấp” của một đô thị văn minh, hiện đại.


Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hằng năm Sở đều ban hành quyết định phân cấp cầu, đường bộ cho UBND quận, huyện và các Khu quản lý giao thông đô thị quản lý. Tuy nhiên, do tình trạng tên đường đặt loạn xạ như trên, nên công tác phân cấp quản lý rất khó khăn. Có những con đường đã hoàn thiện nhưng mãi vẫn chưa được đặt tên, khiến việc quản lý trở nên rối rắm.


Có thực tế trên là do thủ tục đặt, đổi tên đường hiện nay khá phức tạp, qua nhiều cấp quản lý như: trên cơ sở đề xuất từ các quận huyện, tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét trước khi ra quyết định đặt, sửa tên đường, trong khi đó tốc độ phát triển hạ tầng của TP quá nhanh, các khu dân cư mới, các tuyến đường mới liên tục xuất hiện khiến việc đặt tên đường của Hội đồng đặt tên đường không theo kịp thực tế. Trước thực trạng này, Sở GTVT cũng đã gửi công văn yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND các quận, huyện và các sở, ban, ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Quy chế hoạt động của Hội đồng đặt tên đường cho phù hợp với tình hình thực tế, đẩy nhanh công tác đặt tên đường, khắc phục tình trạng lộn xộn tên đường như hiện nay.


Đăng Giới - Khánh Đoan