11:08 06/11/2012

Thành phố Hồ Chí Minh: Đốc thúc những công trình giao thông trọng điểm

Nhiều công trình, dự án trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ và chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Đây là những công trình mang tính đòn bẩy được thành phố quyết tâm thực hiện để giải quyết bài toán giao thông và phát triển hạ tầng giao thông, đô thị.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ và chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Đây là những công trình mang tính đòn bẩy được thành phố quyết tâm thực hiện để giải quyết bài toán giao thông và phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Tuy nhiên, nhiều công trình vẫn chưa giải được bài toán về vốn, mặt bằng.

 

Điệp khúc - Công trình nào cũng chậm


Tại TP Hồ Chí Minh hiện có 16 công trình trọng điểm được ngành giao thông thành phố chỉ đạo tăng tốc thi công, nhanh chóng khắc phục hàng loạt vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài bốn công trình là nâng cấp mở rộng cầu Kinh Thanh Đa, cầu vượt bằng thép ở ngã tư Thủ Đức, Hàng Xanh và cầu Sài Gòn 2 có khả năng hoàn thành đúng tiến độ, còn lại 12 công trình đang gặp nhiều trở ngại và chắc chắn chậm tiến độ.


 

Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi vẫn còn nhiều điểm đang thi công. Ảnh: phunuonline.com.vn

 

Đáng kể nhất là những công trình mang tính trọng điểm như dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (vốn đầu tư 171 triệu USD, tương đương với 3.562,789 tỉ đồng). Công trình này được kỳ vọng là tuyến đường vành đai nhằm giảm áp lực giao thông trên địa bàn các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức. Tuy nhiên, do không thống nhất được về phương thức đầu tư và thu hồi vốn, phương án chỉnh hướng tuyến thiếu nhất quán nên dự án này đang ì ạch và nhiều khu vực chưa thể thi công. Theo thông tin từ các đơn vị thi công và các quận liên quan thì hiện nay còn hơn 230 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng cho dự án này.


Công trình mở rộng xa lộ Hà Nội (tổng vốn đầu tư 22.000 tỉ đồng) vẫn tiến hành chậm chạp do việc tính toán khung giá bồi hoàn không thỏa đáng, nhiều hộ khiếu nại và chưa chịu giao mặt bằng. Tương tự như vậy, công trình mở rộng tỉnh lộ 10 (từ Long An đến cầu Tân Tạo) với tổng vốn đầu tư 772 tỉ đồng cũng chung cảnh ngộ cho dù thành phố đã năm, sáu lần gia hạn phải dứt điểm bàn giao mặt bằng, nhưng xem ra vẫn chưa có hồi kết. Theo thống kê, tại dự án mở rộng tỉnh lộ 10 này còn hơn 100 hộ chưa bàn giao mặt bằng hoặc đang khiếu nại.


Không chỉ chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng, việc thi công tại các công trình này cũng chậm chạp, kéo dài. Hậu quả các công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ và gây đội vốn. Hơn nữa, việc các công trình này kéo dài thi công còn đang từng ngày, từng giờ đe dọa tính mạng người tham gia giao thông. Chẳng hạn như tại khu vực trên tỉnh lộ 10, người dân phản ánh tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên mà nguyên nhân là do thi công dở dang, chắp vá vì thiếu mặt bằng. Theo dự kiến, dự án nâng cấp cải tạo đường tỉnh lộ 10 từ xã Tân Tạo đến xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được hoàn thành vào cuối năm 2009. Thế nhưng đã gần 3 năm trôi qua, con đường này vẫn còn ngổn ngang. Việc lưu thông đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng thi công quá chậm trong khi mặt đường còn nhiều ngổn ngang đã khiến cho việc giao thông trên tỉnh lộ 10 không đảm bảo an toàn và thường xuyên xảy ra tai nạn. Đây là con đường cũng được lực lượng cảnh sát giao thông liệt vào loại “cung đường đen” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về tai nạn giao thông.

 

Cân đối nguồn vốn cho phát triển giao thông


Tình trạng chậm trễ tiến độ các công trình trọng điểm gây ách tắc giao thông, chậm phát triển hạ tầng đô thị. Hơn nữa, khả năng kêu gọi vốn đầu tư đối với các công trình khác mà TP Hồ Chí Minh đang triển khai như dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc 2, xây dựng đường nối đại lộ Đông Tây với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương… cũng gặp nhiều khó khăn.


Năm 2012 là năm rất khó khăn cho ngành giao thông TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là về huy động nguồn vốn cho hạ tầng. Từ đầu năm, vốn kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của Sở GTVT được UBND TP giao đợt 1 là 2.158 tỷ đồng (chưa tính nguồn vốn đối ứng ODA, đầu tư ngoài ngân sách như BT, BOT). Như vậy, nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng 35% nhu cầu đặt ra về vốn từ đầu năm.


Các giải pháp trước mắt của ngành giao thông TP Hồ Chí Minh là đầu tư có trọng tâm, đặc biệt là các công trình gần hoàn thành để phát huy hiệu quả và giảm tai nạn, ùn tắc. Trong thời điểm khó khăn về nguồn vốn thì việc xây dựng 4 công trình cầu vượt nhẹ tại ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức), vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), vòng xoay Cây Gõ (quận 11) và vòng xoay lăng Cha Cả (quận Tân Bình) được xem như một giải pháp tình thế để hóa giải 4 nút thắt cổ chai khi ngành giao thông TP chưa tìm ra kinh phí để đầu tư xứng tầm.


Về các giải pháp dài hạn, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện để thu hút vốn vào các dự án giao thông trên địa bàn thành phố. Hiện tại, những dự án BOT, BT, tính hấp dẫn không còn cao do thiếu những công trình không thể thu phí hay thiếu quỹ đất để khai thác. Vì vậy, cần phải tìm kiếm thúc đẩy các hình thức khác, điển hình là PPP (hợp tác công - tư) rất được kỳ vọng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trương làm thí điểm. Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường chỉ đạo và ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm, bảo đảm hoàn thành trong năm 2012. Thành phố cũng ra cơ chế xin tạm ứng, như trường hợp mặt bằng dự án đủ điều kiện đáp ứng sẽ được TP xem xét, có thể cho tạm ứng vốn để hoàn thành công trình, hạn chế việc tạm ngừng thi công.


Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, cho biết ngay từ đầu năm 2012, Sở đã cho rà soát kỹ và lập được danh mục những công trình dự kiến sẽ hoàn thành và khai thác đồng bộ năm 2012, để ưu tiên phân bổ vốn, đồng thời, tổ chức theo dõi sát sao và đôn đốc tiến độ dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đang vướng mắc.


Đăng Giới