12:17 22/12/2011

Thành phố Hồ Chí Minh: Cần xem xét lại việc bồi hoàn đất

Mồ hôi công sức lao động hơn 17 năm trên phần đất vốn là của họ chẳng lẽ lại được hỗ trợ với giá rẻ mạt như vậy? Rõ ràng, với mức 90.000đồng/m2 mà Công ty An Phú đưa ra để hỗ trợ người dân là chưa thỏa đáng.

Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1118/VPCP-KNTN ký ngày 25/2/2011 về việc chuyển đơn thư của công dân đến UBND Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết theo qui định của pháp luật. Trong danh sách những đơn thư đó có đơn khiếu nại của ông Lê Văn Hải, ngụ tại số 154A, đường Lã Xuân Oai, khu phố 7, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh về việc Công ty TNHH An Phú chiếm đất trực canh của ông không bồi hoàn thỏa đáng.

Sự việc như sau: Cha vợ ông Lê Văn Hải là ông Đặng Văn Kiễn có đất nông nghiệp diện tích 12.120m2 tại xã Tăng Nhơn Phú nay thuộc phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước 30/4/1975, chế độ cũ lập Trường Sĩ quan trù bị Thủ Đức gần đó và để tạo vành đai xung quanh trường, chúng ép buộc gia đình ông phải ký hợp đồng cho thuê đất. Ngày 20/2/1993, Ban Quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 163/QĐ-ĐĐ công nhận quyền sử dụng đất diện tích 6,9 ha ( có đất của gia đình ông Hải) thuộc khu III nằm trong tổng diện tích 24,9 ha tại phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 cho Tổng Công ty ASC kinh doanh sản xuất nay là Công ty TNHH Một thành viên An Phú. Từ đó ông Lê Văn Hải đã làm đơn khiếu nại xin được tiếp tục sử dụng 12.120m2 đất đó để canh tác (bởi trong thực tế từ tháng 4/1975 đến tháng 2/1993 phần đất này gia đình ông vẫn trồng trọt, và là nguồn sinh sống của gia đình) hoặc xin được Nhà nước đền bù thỏa đáng.

Ông Hải bên cây lâu năm mình trồng.


Ngày 4/6/2007, UBND quận 9 ra Quyết định số 172/QĐ-UBND bác đơn đòi lại đất của ông Hải vì không có cơ sở pháp lý để giải quyết, bởi: “ Toàn bộ phần đất tại khu III ( 6,9 ha ) có nguồn gốc cho quân đội chế độ cũ thuê để lập Trường sĩ quan trù bị Thủ Đức và vành đai an ninh xung quanh trường từ trước ngày 30/4/1975, nên thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lí theo điểm 6, mục I và điểm 1, mục IV Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ V/v ban hành chính sách quản lí và cải tạo XHCN đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam”. Theo đó “ Nhà nước trực tiếp quản lí toàn bộ đất cho thuê không phân biệt diện tích nhiều hay ít và nói chung không bồi hoàn, trừ trường hợp đặc biệt”.

Tuy nhiên, trong quá trình khiếu nại gia đình ông Hải đã được Công ty TNHH Một thành viên An Phú mà đại diện là ông Nguyễn Văn Khẩn (Phó Giám đốc) có ý kiến đưa ra mức hỗ trợ là 45.000đồng/m2 đất (ngày 4/12/2006), sau đó nâng lên mức 90.000đồng/m2 (ngày 18/1/2011) đối với tổng diện tích đất trên giấy tờ bằng khoán đất trước năm 1975. Ông Lê Văn Hải không đồng ý vì cho rằng mức hỗ trợ đó quá thấp so với giá trị sử dụng đất; bởi vì Nhà nước thu thuế tuyến đường Lã Xuân Oai là 2,2 triệu đồng/m2; còn giá buôn bán bất động sản khu vực này lên đến trên 20 triệu đồng/m2.

Một phần đất ASC đang cho doanh nghiệp thuê KD-SX.


Theo tìm hiểu của chúng tôi “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lí, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lí nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất” (Nghị quyết số 23/2003/QH 11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI về nhà đất do Nhà nước đã quản lí, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lí nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991) là việc không thể thắc mắc bởi Quốc hội đã ra Nghị quyết “vì lợi ích chung của toàn dân tộc”, “ coi đây là sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước”.

Song khi sự việc được nhìn nhận một cách khách quan ta sẽ thấy, vụ việc về đất đai của gia đình ông Lê Văn Hải và của một vài hộ dân khác liền kề nằm trong vành đai an ninh xung quanh Trường Sĩ quan trù bị Thủ Đức của chế độ cũ có thể được coi là trường hợp đặc biệt. Đặc biệt vì “do chính quyền chế độ cũ buộc các hộ dân phải bán hoặc cho thuê nếu không chính quyền chế độ cũ sẽ tự thu đất để xây dựng khu quân sự” (trích Công văn số 28/CV-UB của UBND xã Tăng Nhơn Phú ký ngày 13/4/1994 gửi UBND huyện Thủ Đức (nay là quận 9) V/v Đề nghị giải quyết khiếu nại đất đai giữa công dân với Công ty Dịch vụ Sản xuất An Phú ASC). Như vậy, trước tình thế bị chính quyền chế độ cũ cưỡng ép, nếu không cho thuê cũng bị mất đất thì người nông dân buộc phải chọn giải pháp cho thuê chứ không để mất trắng. Bản chất sự việc ở đây hoàn toàn khác với người giàu có ở thành thị trước năm 1975 là dùng bất động sản để kinh doanh sinh lợi nhuận.

Một khía cạnh đặc biệt nữa là đối với gia đình ông Hải, mặc dù “sau giải phóng, Nhà nước tiếp quản và giao toàn bộ cơ sở đó cho cơ quan, đơn vị quản lý…”, nhưng thực tế đơn vị được giao hoàn toàn không có sử dụng, diện tích đất vẫn do gia đình ông Hải và một vài hộ dân khác tiếp tục trực canh trồng hoa màu, lạc và các cây lâu năm cho đến ngày 20/2/1993, Ban Quản lí ruộng đất Thành phố Hồ Chí Minh mới ra quyết định công nhận quyền sừ dụng đất thuộc về Tổng Công ty ASC (nay là Công ty TNHH Một thành viên An Phú ). Được biết, khu đất này hiện nằm trong khu vực dân sinh giữa hai con đường nhựa Lã Xuân Oai và đường số 442, trên tuyến đường này không ít doanh nghiệp đang thuê ASC để kinh doanh. Mồ hôi công sức lao động hơn 17 năm trên phần đất vốn là của họ chẳng lẽ lại được hỗ trợ với giá rẻ mạt như vậy? Rõ ràng, với mức 90.000đồng/m2 mà Công ty An Phú đưa ra để hỗ trợ người dân là chưa thỏa đáng. Bởi một khi nông dân không còn đất canh tác và số tiền hỗ trợ như vậy chỉ mua được vài chục mét vuông đất ở ngay tại khu vực trên thì cuộc sống của họ sẽ ra sao?

Với những lí do nêu trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nên xem xét lại trường hợp đất đai của gia đình ông Lê Văn Hải và những hộ có đất liền kề tương tự để có chính sách bồi hoàn thỏa đáng, thấu tình, đạt lý ngõ hầu, bảo đảm được cuộc sống cho người dân.

Bài và ảnh: TQT và MNT