08:21 27/08/2012

Thành phố cổ Pundranagar kêu cứu

Khi anh Abdus Sattar ở làng Mahasthangarh (miền bắc Bangladesh) xây nhà, anh đã lấy những vật liệu một thời từng được dùng để xây nền một trong những thành phố vĩ đại nhất, cổ xưa nhất thế giới. Đó là thành phố cổ Pundranagar.

Khi anh Abdus Sattar ở làng Mahasthangarh (miền bắc Bangladesh) xây nhà, anh đã lấy những vật liệu một thời từng được dùng để xây nền một trong những thành phố vĩ đại nhất, cổ xưa nhất thế giới. Đó là thành phố cổ Pundranagar. Anh hồn nhiên kể: "Tôi chỉ cần lấy xẻng nậy gạch lên để xây nhà mới. Toàn bộ ba phòng trong ngôi nhà của tôi đều làm bằng thứ gạch cổ mà tôi tìm thấy ven làng".

 

Một góc thành phố cổ Pundranagar. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Làng Mahasthangarh tọa lạc tại nơi từng là thành phố cổ Pundranagar, được xây dựng cách đây 2.500 năm. Khi còn ở đỉnh cao của sự phát triển, các tu viện trong thành phố này là nơi thu hút các nhà sư từ Trung Quốc tới để truyền đạo Phật.

 

Phế tích của thành phố này là một điểm thu hút khách du lịch ở Bangladesh. Nhưng, các chuyên gia e ngại rằng chẳng bao lâu nữa thành phố từng hiện diện cả thiên niên kỷ này sẽ chẳng còn lại gì cho du khách khám phá.

 

Điều lo ngại của họ cũng có lý khi mà thành phố cổ này cứ bị các khu dân cư lấn dần, người dân như anh Sattar thì cứ vô tư cướp phá các cổ vật.

 

Hồi tháng 5, Quỹ di sản toàn cầu đã đưa thành phố cổ Pundranagar vào danh sách 10 khu vực lâm nguy nhất châu Á, có nguy cơ bị phá hủy không thể sửa chữa nổi. Sau khi một tòa án ở Bangladesh ra một phán quyết chống lại những người dân chiếm dụng khu thành phố cổ bất hợp pháp, những ngôi nhà như nhà của anh Sattar đã bị phá dỡ. Tuy nhiên, nỗ lực dường như đã quá muộn khi các nhà khảo cổ cho rằng phần lớn những gì bị phá hủy không thể khôi phục lại được.

 

Ông Shafiqul Alam, cựu Giám đốc Cục khảo cổ, nhận định: "Người dân đã phá hủy một số khu vực của phế tích trầm trọng đến mức giờ không thể nói chính xác khu vực này đã có gì. Rất nhiều mô đất được mô tả trong bản đồ đã biến mất”.

 

Bất chấp lệnh của tòa án, khu phế tích tiếp tục bị phá hủy, người dân tiếp tục đánh cắp đồ cổ và gạch từ đây để bán trên thị trường.

 

Nhiều đồ cổ tìm thấy trong khu vực phế tích cho thấy thành phố cổ này được xây từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên và tỏa sáng trong triều đại Mauryan từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 7. Pundranagar là một trong nhưng thành phố lớn nhất trên thế giới và là trung tâm nghiên cứu, giảng dạy đạo Phật quan trọng.

 

Tuy nhiên, ảnh hưởng của thành phố giảm dần và cuối cùng nó bị bỏ hoang, bị cây cỏ dại xâm chiếm. Năm 1879, nhà khảo cổ học người Anh Alexander Cunningham đã phát hiện ra khu phế tích này.

 

Theo ông M. Sadequzzaman, người đứng đầu nhóm nhà khảo cổ học phụ trách khu phế tích, quá trình khu vực này bị xâm lấn diễn ra từ cách đây 50 năm. Ông thừa nhận rằng đã bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo ban đầu khi khu phế tích xuống cấp trầm trọng.

 

Khoảng 500 ngôi nhà đã được xây trong các bức tường của thành phố cổ, phần lớn dùng nguyên vật liệu từ khu phế tích. Dần dần, ngày càng có nhiều ngôi làng mọc lên sát khu vực khảo cổ có tầm quan trọng này.

 

Ông Sadequzzaman nói: “Nhà cửa mọc lên trước khi chính quyền kịp có quan điểm nghiêm túc về bảo tồn. Chúng tôi đã muộn. Giá như đã cố gắng ngăn chặn tình trạng này trước đó, chúng tôi đã có thể cứu được nhiều cổ vật có giá trị”.

 

Những người dân thành phố Pundranagar thời nay như anh Sattar cho rằng họ bị đối xử bất công và họ không chiếm đất bất hợp pháp. Anh Sattar nói: “Nếu chúng tôi chiếm đất bất hợp pháp, tại sao họ lại để chúng tôi xây nhà?”

 

Bố Sattar đã mua mảnh đất này từ một nông dân và anh cho rằng việc tìm kiếm đồ vật trong khu phế tích từ lâu đã được coi là một nghề kiếm sống. Anh nói: “Hàng trăm ngôi nhà đã được xây từ những viên gạch cổ này. Chúng tôi không ăn cắp, chúng có mặt ở khắp nơi. Ai cũng làm thế. Không ai cấm chúng tôi cả”. Anh còn cho biết, người dân thường nhặt những thứ như hạt vòng, đá, đồng xu lộ lên mặt đất sau khi trời mưa to.

 

Trong khi người dân cứ vô tư như vậy còn chính quyền chưa biết làm gì để khắc phục hậu quả, khu phế tích Pundranagar cứ thế bị ăn mòn cho đến khi không còn gì nữa.

 

 

Thùy Dương (theo AFP)