05:22 13/05/2015

Thanh Hóa cần có chiến lược phát triển hợp tác xã

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển hợp tác xã trên địa bàn.

Ngày 13/5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển hợp tác xã trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Tại buổi làm việc với đoàn công tác chiều 13/5, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2014, 4 tháng đầu năm 2015 và tình hình hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Toàn tỉnh hiện có 908 hợp tác xã, bao gồm 57 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 120 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 15 hợp tác xã thương mại - dịch vụ, 44 hợp tác xã thủy sản...


Những năm qua, việc liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp được chú trọng để cung cấp dịch vụ, ứng trước phân bón, giống mới, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. 86% số hợp tác xã liên kết với các công ty thủy nông để phục vụ tưới tiêu, 70% số hợp tác xã liên kết với các cơ quan bảo vệ thực vật làm dịch vụ phòng trừ sâu bệnh, 77% số hợp tác xã liên kết với các trạm, trại, công ty giống làm dịch vụ giống cây trồng, 60% số hợp tác xã được ứng trước vật tư, phân bón cung cấp cho xã viên.


Tuy nhiên, không ít trường hợp nhận thức về mô hình hợp tác xã còn khác nhau, chưa phân biệt được mô hình hợp tác xã với mô hình các thành phần kinh tế khác; quy mô của hợp tác xã còn nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã còn thấp; một số hợp tác xã chưa bảo đảm nguyên tắc của Luật Hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã sau chuyển đổi, thành lập mới còn lúng túng về tổ chức, nội dung hoạt động.


Các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận những vấn đề liên quan đến thực trạng hoạt động của hợp tác xã hiện nay, vấn đề tín dụng cho hoạt động của hợp tác xã, cần sớm hoàn thành việc sắp xếp các nông lâm trường...


Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành tích phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí cho rằng, Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã đề ra. Đối với hoạt động của các hợp tác xã, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với 95% hợp tác xã có quy mô toàn xã là vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để hợp tác xã thực sự là đòn bẩy để nâng cao thu nhập của xã viên trong điều kiện kinh tế thị trường và cạnh tranh hội nhập quốc tế. Đồng chí cũng đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã có đề án củng cố, phát triển hiệu quả hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 và Nghị quyết 16 vừa mới ban hành của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020.


Năng suất trong nông nghiệp của nước ta không ngừng tăng nhưng thu nhập của người dân không cao bởi nông dân là người sản xuất giỏi nhưng không phải là người buôn bán giỏi. Do vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Hợp tác xã phải giúp nông dân làm vai trò nhà buôn, nghiên cứu thị trường, khuyến cáo nông dân trồng cái gì, nuôi con gì và sau đó biết cách bán sản phẩm ra thị trường. Điều nông dân cần là tiêu thụ hàng hóa, nghiên cứu thị trường, hoạch định sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Chức năng hàng đầu của hợp tác xã phải đặt ra là tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tuy nhiên đây cũng là một khâu yếu hiện nay, có tới 72% hợp tác xã chưa làm được nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.


Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý Thanh Hóa cần tổng rà soát phân loại hợp tác xã từ làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho đến trình độ nguồn nhân lực quản lý hợp tác xã, cơ cấu, mô hình hợp tác xã, từ đó có định hướng phát triển phù hợp trong thời gian tới. Đồng chí cho rằng tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, cách làm hiệu quả nhất là thông qua hợp tác xã; tỉnh nên có kế hoạch tổng rà soát phân loại hợp tác xã theo tiêu chí quy định trong Luật Hợp tác xã đi đôi với việc đánh giá xây dựng hợp tác xã kiểu mới như thế nào cho phù hợp với địa phương. Trong đó cần tập trung vào việc dự báo nhu cầu thị trường, định hướng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, việc tăng thu nhập của xã viên. Đồng thời, tỉnh cần tổ chức các cuộc hội thảo cấp tỉnh, huyện về thực trạng các trụ sở làm việc, nhà kho của hợp tác xã, về vấn đề vay vốn, thu hút nhân lực có trình độ tham gia vào bộ máy quản lý hợp tác xã, liên kết thị trường bao tiêu sản phẩm...


Cũng trong chiều 13/5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và làm việc với Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức thành viên. Ghi nhận các kết quả hoạt động của MTTQ tỉnh Thanh Hóa 4 tháng đầu năm 2015 đã bám sát và triển khai đúng hướng Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, Nghị quyết của Tỉnh ủy, đặc biệt là công tác giám sát, phản biện cấp tỉnh và cấp huyện đã có nội dung đăng ký và được Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ trong thời gian tới, hoạt động giám sát cần được MTTQ tỉnh quan tâm sâu hơn, gắn với giám sát đầu vào nông nghiệp, bảo hiểm xã hội, tham khảo kỹ hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng ghi nhận một số kiến nghị của MTTQ tỉnh Thanh Hóa, lưu ý khi giám sát cần gắn với các ban, ngành, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên để triển khai công việc hiệu quả, phát huy trí tuệ của các hội đồng tư vấn.


Sáng cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã thăm và làm việc với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa. Đồng chí ghi nhận hợp tác xã Phú Lộc đã làm tốt trách nhiệm đảm bảo dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của xã viên. Đồng chí cho rằng việc hợp tác xã chăm lo liên kết, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu tới 70% sản phẩm cho xã viên trước khi bắt đầu sản xuất là cách làm bền vững để nâng cao thu nhập cho xã viên. Là hợp tác xã toàn xã với số xã viên lên tới trên 1.600 người, lương của chủ nhiệm hợp tác xã đạt 4 triệu đồng/tháng, lương bình quân của các thành viên chuyên trách đạt 3,2 triệu đồng/tháng là mức thu nhập khá cao so với mặt bằng thu nhập của ban lãnh đạo hợp tác xã trong cả nước hiện nay. Bên cạnh đó, việc 10 Bí thư chi bộ hưởng lương từ hợp tác xã Phú Lộc là cách làm hay, bài học tốt cần được nghiên cứu.


Tại hợp tác xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh hợp tác xã đã tạo quy trình chuẩn từ cung cấp nguồn nước đến con giống, kỹ thuật cho xã viên, khắc phục những nhược điểm của việc nuôi trồng tự phát trước đây. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ với cách làm hiện nay, không có chứng nhận chất lượng thủy sản, hợp tác xã sẽ không thể xuất khẩu sản phẩm được. Trong vòng 5 năm tới, nếu hợp tác xã không mở rộng được sản xuất, không xuất khẩu được, phải nuôi quảng canh thì phải chú trọng đến khâu chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ.


Thanh Vân - Đức Phương