10:23 18/10/2011

Thành công đến từ sự khác biệt

Thực tế đã chứng minh sự khác biệt sẽ là bí quyết mang đến thành công cho rất nhiều cá nhân, nhiều nghiên cứu, ứng dụng, nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN)…

Thực tế đã chứng minh sự khác biệt sẽ là bí quyết mang đến thành công cho rất nhiều cá nhân, nhiều nghiên cứu, ứng dụng, nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN)…

Có thể khẳng định, người tiêu dùng trên toàn thế giới ít ai xa lạ với thương hiệu Apple gắn với hình quả táo cắn dở và slogan bất hủ “Think different”. Apple, từ ý nghĩ khác biệt, những sản phẩm và ứng dụng khác biệt, đã xây dựng thành công giá trị của mình và tạo nên những thành công ngoài sức tưởng tượng. Người sử dụng không khó để có thể cảm nhận được sự khác biệt mà các sản phẩm của thương hiệu này đem lại. Quả táo đã tự tìm cho mình một lối đi riêng, đặc trưng hoàn toàn so với các thương hiệu khác từ mẫu mã cho đến các ứng dụng, phần mềm cũng như các tính năng của sản phẩm, kích thích trí tò mò, sự ham muốn khám phá của người sử dụng...

Kinh nghiệm từ Apple được rất nhiều DN trên toàn thế giới học hỏi. Trong thời buổi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong từng ngành hàng, thì điều khác biệt có thể coi là chìa khóa để đưa đến thành công cho DN. Đầu tiên, sự khác biệt luôn gây được sự chú ý trong một mặt bằng đồng đều và có khi đã nhàm chán. Các chuyên gia kinh tế khẳng định, khác biệt hóa là chiến lược quan trọng bậc nhất trong cạnh tranh. Một khi không có lợi thế về chi phí để cạnh tranh bằng giá thấp, khác biệt hóa trở thành sự lựa chọn gần như là duy nhất để DN đứng vững và phát triển trong một thị trường nhiều đối thủ.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu chỉ nghĩ khác mà không biết cách “làm khác” một cách hợp lý thì cá nhân hay DN đều có thể dễ dàng thất bại. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, để khác biệt hóa, các nhà quản lý bên cạnh việc phải có những “tư duy đột phá”, những lối “suy nghĩ khác người” thì còn phải biết biến tư duy ấy thành những hành động khác biệt hiệu quả cao. Sự khác biệt không chỉ là định hướng để phát triển, mà còn là cách thức để tồn tại. Không khác biệt sẽ bị đè bẹp, không đột phá sẽ bị bao vây! Tuy nhiên, những ý tưởng khác biệt phải kèm theo những hành động khác biệt, để tạo ra những giá trị khác biệt và vượt trội.

Những bài học thực tế từ sự khác biệt trong kinh doanh luôn là chủ đề hấp dẫn không chỉ với các doanh nhân mà còn thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Trường hợp khách sạn Westin Stamford ở Xinhgapo đã từng truyền thông rất mạnh về sự khác biệt của mình là khách sạn cao nhất thế giới (“the world’s tallest hotel”), nhưng cũng không thành công, vì sự khác biệt này không đem lại giá trị gì cho khách thuê phòng. Ở Việt Nam từng có doanh nghiệp tạo sự khác biệt bằng cách đưa món phở chay vào bán chung trong chuỗi phở mặn nhưng không thành công, vì người vào quán phở mặn không ai có ý định ăn chay…

Nhưng cũng có những DN dám nghĩ khác và biết cách làm khác đã đem lại sự thành công ngoài mong đợi mà điển hình là tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát. Trước đây thị trường nước giải khát với thói quen của NTD Việt Nam sử dụng các loại nước ngọt có ga thì Tân Hiệp Phát chính là DN đầu tiên đã “nghĩ khác” và hướng đến một phân khúc thị trường hoàn toàn mới lạ với các sản phẩm đồ uống chiết xuất từ nguyên liệu thiên nhiên và có lợi cho sức khỏe NTD. Sau khi nghĩ khác, Tân Hiệp Phát liền bắt tay vào việc quyết tâm “làm khác”. Bước đột phá này đã đóng góp hàng loạt thương hiệu quốc gia nổi tiếng như Trà xanh Không Độ, trà thảo mộc Dr Thanh… đưa một làn gió mới vào thị trường đồ uống Việt; sự khác biệt của sản phẩm từ vẻ ngoài đến chất lượng, mùi vị kết hợp với chiến lược quảng cáo, truyền thông cũng hết sức sáng tạo đã đưa các sản phẩm của THP tạo thành một cơn lốc trên thị trường. Và kết quả là từ nông thôn tới miền núi hay thành thị, phố phường, ở đâu người ta cũng dễ dàng thấy sự hiện diện của Trà xanh Không Độ, trà thảo mộc Dr Thanh… với sự tin dùng và yêu thích của mọi đối tượng khách hàng.

Doanh nghiệp nghĩ khác để phát triển cần biến suy nghĩ thành hành động. Nhiều “tư duy đột phá” chỉ dừng lại ở mức tư duy. Sự chậm chạp, bảo thủ trong quá trình triển khai đã làm cho các tư duy đột phá không còn mang tính đột phá nữa. Bởi vậy, muốn thành công, một khi đã dám “nghĩ khác”, doanh nghiệp cần phải tiến thêm một bước - “làm khác”. Ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc công ty Tân Hiệp Phát chia sẻ: “Cùng một đối tượng người tiêu dùng sẽ có rất nhiều đối thủ cạnh tranh đang cố gắng thu hút, vì vậy sản phẩm công ty nào nổi bật hơn sẽ thành công. Nếu doanh nghiệp không có một lợi thế độc đáo so với đối thủ cạnh tranh, thì nó chẳng có lý do gì để tồn tại cả”.

Sự khác biệt sẽ truyền “lửa” cho tư tưởng và hành động dẫn tới thành công. Phát triển DN theo hướng khác biệt và đột phá là “lá bùa” hiệu nghiệm để nhiều doanh nghiệp tiếp tục con đường chinh phục thị trường không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới, với những ấp ủ về nhiều sản phẩm khác biệt nữa trong tương lai. Điều này hoàn toàn đúng và rất đúng nếu so với chiến lược và sự thành công của nhiều DN nổi tiếng trong nước và thế giới.

Danh Chân