10:15 20/10/2013

Thăng trầm đặc sản hạt dẻ Trùng Khánh

Hạt dẻ Trùng Khánh khác biệt với các loại hạt dẻ khác, như: Hạt dẻ Trung Quốc, hạt dẻ Lạng Sơn, hạt dẻ Quảng Uyên…, bởi các tính chất và chất lượng đặc thù với hương vị thơm ngon, ngọt bùi, vị ngậy không giống bất cứ nơi nào.

Hạt dẻ Trùng Khánh là một trong những đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng với hương vị thơm ngon, ngọt bùi, vị ngậy không giống bất cứ nơi nào. Một tin vui đã đến với những người trồng dẻ là vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Trùng Khánh tổ chức Lễ công bố Văn bằng Chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh” cho sản phẩm hạt dẻ huyện Trùng Khánh. Tuy nhiên, câu chuyện được mùa mất giá tưởng như chỉ xảy ra đối với các loại nông sản thông thường nhưng năm nay, hạt dẻ Trùng Khánh đã rớt giá.

Hạt dẻ Trùng Khánh khác biệt với các loại hạt dẻ khác, như: Hạt dẻ Trung Quốc, hạt dẻ Lạng Sơn, hạt dẻ Quảng Uyên…, bởi các tính chất và chất lượng đặc thù của nó. Về hình thái : hạt dẻ Trùng Khánh to đều (gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng), có hình dáng hơi tròn (kích thước ba chiều gần bằng nhau); vỏ hạt màu nâu sẫm, rất bóng, trên vỏ có lớp lông tơ màu trắng nhạt, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng tơ, vị bùi, thơm ngậy.

Khi quả dẻ chín và tự rụng xuống đất, người dân sẽ nhặt mang về rồi tách vỏ. Ảnh: baocaobang.vn


Về chất lượng, hạt dẻ Trùng Khánh có sự khác biệt rõ ràng so với các loại dẻ trồng ở các vùng khác thông qua các chỉ tiêu, như: Hàm lượng nước trong nhân hạt dẻ (48,72% - 52,89%); hàm lượng gluxit trong nhân hạt dẻ (36,63% - 43,41%); hàm lượng glucoza trong nhân hạt dẻ (0,73% - 1,41%); hàm lượng lipit trong nhân hạt dẻ (1,51% - 2,16%); hàm lượng protein trong nhân hạt dẻ (3,09% - 3,94%).

Chất lượng đặc biệt của hạt dẻ Trùng Khánh có được là nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực địa lý. Khu vực địa lý được phân bố ở các sườn đồi có độ cao khoảng 450-600 m, xung quanh được bao bọc bởi núi đá vôi tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây dẻ. Khu vực địa lý có nhiều sông và suối lớn chảy qua cung cấp phù sa và nước tưới cho cây. Ngoài yếu tố tự nhiên, phương pháp sản xuất và canh tác của người dân địa phương, như phương pháp trồng và chăm sóc cây dẻ, kỹ thuật thu hái và bảo quản hạt dẻ cũng góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của hạt dẻ Trùng Khánh.

Hạt dẻ Trùng Khánh năm nay được mùa - đó là khẳng định của người trồng dẻ ở Trùng Khánh. Điều này cũng được thể hiện ở lượng hạt dẻ bày bán tại mỗi phiên chợ địa phương, cả một dãy dài đầu chợ bạt ngàn hạt dẻ, hạt dẻ đựng trong bao tải, trong túi lớn, túi nhỏ, nhưng người bán nhiều hơn người mua, vì thế người dân trồng dẻ ở Trùng Khánh năm nay lại kém vui hơn những năm trước. Bà Hoàng Thị Hoan, ở xã Đình Phong - một trong những xã trồng nhiều dẻ của huyện cho biết: Năm nay, hơn 100 gốc dẻ của gia đình tôi cho thu hoạch vụ thứ 3 và cũng là năm rộ nhất, thế nhưng giá cả của loại hạt “xoá đói giảm nghèo” này chẳng còn được như những năm trước, mà lại tiêu thụ chậm, giá hạt dẻ năm nay xuống thấp, do phụ thuộc vào nguồn khách du lịch.

Hạt dẻ Trùng Khánh. Ảnh: baocaobang.vn


Gia đình ông Ngôn Văn Quằn, xóm Phia Gà, xã Khâm Thành - một trong những gia đình có diện tích hạt dẻ khá lớn ở đây. Thường năm vào những ngày này, tư thương đã đến để đặt tiền thu mua hạt dẻ, nhưng năm nay thì khác, không ai đến thu mua mà gia đình phải mang ra chợ huyện bán. Ông cho biết: Mọi năm vào dịp này, hạt dẻ loại 1 có giá từ 60.000-80.000 đồng/100 hạt, nhưng hiện nay giá hạt dẻ chỉ còn có khoảng từ 20.000-35.000 đồng/100 hạt. Các hộ dân cho biết, hạt dẻ năm nay được mùa nhưng đến thời điểm thu hoạch hạt dẻ thì không có cách gì bảo quản, nếu để khoảng 1 tuần thì hạt bị thối và kém chất lượng. Ông Quằn cho biết thêm: Cây dẻ dễ trồng, dễ chăm sóc có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, từ nhiều năm qua vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học cho việc chế biến sau thu hoạch thành các sản phẩm hàng hóa, mà chủ yếu chỉ để làm quà biếu và chế biến thức ăn. Cũng chính vì thế, hạt dẻ khi được mùa thì lại mất giá.

Hiện nay, huyện Trùng Khánh có 200 ha cây dẻ cho quả, năng suất trung bình 5 tạ/ha, sản lượng 100 tấn, giá trị ước đạt trên 7 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các xã: Đình Minh, Phong Châu, Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Minh, Phong Châu; trung bình mỗi hộ trồng từ 500 – 1.000 m 2 . Tuy nhiên, một số diện tích có cây già, năng suất thấp, người dân đã chặt bỏ và trồng thay thế cây mới, theo chương trình trồng mới và mở rộng diện tích của huyện. Huyện Trùng Khánh đến nay vẫn có nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc nhưng người dân không phát triển trồng dẻ.

Một nguyên nhân nữa khiến hạt dẻ Trùng Khánh xuống giá là do khoảng vài năm trở lại đây, bỗng nhiên xuất hiện tràn lan một loại hạt dẻ có hình thức na ná như hạt dẻ Trùng Khánh bán tràn lan trên thị trường, và đương nhiên người ta gán cho nó cái tên: “Hạt dẻ Trùng Khánh”. Loại hàng nhái này nhiều đến nỗi đi đâu cũng thấy và họ bán quanh năm. Ngay tại huyện Trùng Khánh cũng xuất hiện loại hạt dẻ này, người bản địa còn phân biệt được nhưng khách thập phương thì chịu. Người Trung Quốc có lẽ biết được giá trị của loại hạt này nên đã đem về trồng. Họ trồng rất bài bản và khoa học, thu được sản lượng lớn, nhưng dù cố gắng thế nào đi nữa nó vẫn không cho ra loại hạt có mùi thơm đặc trưng như hạt dẻ Trùng Khánh, dù vị trí của thổ nhưỡng chỉ cách nhau một con sông. Thế nhưng với số lượng áp đảo, cách bảo quản khoa học nên họ luôn sẵn sản phẩm. Họ bán quanh năm, ào ạt tấn công thị trường Việt Nam, lại lợi dụng thương hiệu nên họ vẫn thắng.

Đã có những doanh nhân Cao Bằng ôm tham vọng: biến hạt dẻ Trùng Khánh thành hàng hoá. Họ muốn chế biến chúng thành nhiều loại sản phẩm như: rượu hạt dẻ, bột hạt dẻ, mứt hạt dẻ… nhưng tất cả đều thất bại. Sự thất bại chỉ nằm ở chỗ sản lượng hạt dẻ không nhiều và chỉ chín trong một thời gian ngắn. Loại hạt này khó tính đến nỗi chỉ cần thu hoạch chậm vài ngày nó sẽ tự thối rữa hoặc nảy mầm, nếu dùng hoá chất để bảo quản thì mùi vị của chúng cũng không còn. Nói chung, cho đến nay người ta chưa thể nào biến chúng thành sản phẩm của nền công nghiệp.

Để duy trì, phát triển và quảng bá thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh, ngày 16/10, huyện Trùng Khánh chính thức đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh” đối với sản phẩm hạt dẻ của huyện. Theo đó, người dân hưởng lợi từ việc được nhà nước bảo hộ tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý hạt dẻ Trùng Khánh. Như vậy, hạt dẻ vùng khác không được mang tên Trùng Khánh để tránh gây nhầm lẫn. Trong khi chờ đợi tính hiệu quả của chỉ dẫn địa lý hạt dẻ Trùng Khánh phát huy, những hộ dân trồng dẻ ở Trùng Khánh vẫn lo cho giá hạt dẻ đang "rớt giá".


Hùng Hà