05:07 16/05/2014

Tháng Năm nhớ về Người

Từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ, bà Trần Thị Ngà, văn công Tổng cục chính trị, may mắn được phục vụ Bác Hồ từ năm 1961 đến khi Người mất.

Từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ, bà Trần Thị Ngà, văn công Tổng cục chính trị, may mắn được phục vụ Bác Hồ từ năm 1961 đến khi Người mất.

Vinh dự cuộc đời


Càng gần đến ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5, tâm trạng bà Trần Thị Ngà càng hồi hộp. Kể từ khi Bác mất, đồng chí Vũ Kỳ có sáng kiến, cứ vào sinh nhật Bác, những người từng trực tiếp phục vụ Bác sẽ tới ngôi nhà sàn quen thuộc, thắp nén hương tưởng nhớ Người. Năm nào cũng vậy, bà Ngà chờ đợi giây phút thiêng liêng ấy.


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp anh hùng vũ trụ Titopv của Liên Xô ngày 13/11/1966 (bà Trần Thị Ngà thứ 2 từ phải sang).

 

Bà Ngà được gặp Bác Hồ lần đầu tiên ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi ấy, Đoàn văn công Tổng cục chính trị biểu diễn phục vụ hội nghị chuẩn bị ký hiệp định Giơnevơ năm 1954. “Nhìn thấy Bác, chúng tôi vô cùng vui sướng. Mải đứng ở cánh gà nhìn xuống nơi Bác ngồi, chúng tôi quên cả tiết mục của mình đã đến lượt phải ra sân khấu”, bà Ngà nhớ lại.


 

Bà Trần Thị Ngà (ảnh chụp năm 1955).

 

Kể từ đó, bà Trần Thị Ngà còn được gặp Bác Hồ nhiều lần nữa, nhất là trong thời gian từ năm 1961 đến khi Bác mất, được vào Phủ Chủ tịch phục vụ Bác. Khi ấy, đồng chí Vũ Kỳ giao cho bà nhiệm vụ hát, đọc sách báo tài liệu cho Bác nghe; mang hoa đi tặng các đoàn khách quốc tế đến thăm Phủ Chủ tịch, rót nước cho Bác tiếp khách.


 

Lá thư Bác Hồ gửi Đoàn văn công Tổng cục chính trị năm 1964.

 

“Tôi còn nhớ năm 1955, đoàn Nghệ thuật Trung Quốc là đoàn nghệ thuật nước ngoài đầu tiên tới thăm và biểu diễn ở nước ta. Bác căn dặn chúng tôi: Đây là các bạn của nước Trung Hoa mới, các cháu phải đoàn kết, không được có thái độ thù hận. Tôi hiểu ý Bác: vì nước ta bị Tàu đô hộ hàng ngàn năm nên Bác lo rằng chúng tôi sẽ có những ấn tượng không tốt về bạn.


Lần khác, đoàn Nghệ thuật Tân Cương đến thăm và biểu diễn ở nước ta. Khi đoàn rời Việt Nam về nước, Bác cho tôi mang hoa ra ga Hàng Cỏ tiễn đoàn. Bác bảo tôi rằng: Đây là đoàn văn công của dân tộc ít người nên mình phải quan tâm. Các đồng chí lãnh đạo đoàn vô cùng xúc động, khi về nước đã gửi điện cảm ơn Bác”, bà Ngà kể.


Yêu nghề hơn vì có Bác động viên


Bà Ngà đến với Đoàn văn công Tổng cục chính trị rất tình cờ. Khi đang tản cư ở Bắc Giang, nhạc sĩ Đỗ Nhuận về đây tuyển diễn viên, cô bé Ngà đang học lớp 7 trường làng đã trúng tuyển. Những ngày biểu diễn phục vụ bộ đội nơi chiến trường ác liệt Điện Biên Phủ, cô bé mới chỉ 16 tuổi, nhỏ nhất đoàn vừa lo sợ vừa tự hào. Do còn những suy nghĩ con trẻ về nghề nghiệp từng bị coi là “xướng ca vô loài”, nên dù theo nghề đấy song có lúc cũng cảm thấy mặc cảm, tự ti.


“Sau nhiều lần được Bác quan tâm, giảng giải, phân tích, chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa mang lời ca tiếng hát động viên tinh thần bộ đội hăng say lao động học tập; thấy rõ tác dụng của công việc mình làm, từ đó chúng tôi hoàn toàn an tâm phấn đấu để trở thành những con người vừa Hồng vừa Chuyên như lời dạy của Bác”, bà Ngà kể.


Năm 1964, khi đoàn văn công đang biểu diễn ở Trung Quốc, Bác đã viết thư động viên. Thư Bác viết với những chữ cái rất đặc trưng: “Thân ái gửi đoàn Văn công của cục Chính trị - Quân đội Nhân zân. Được tin các cháu đi biểu diễn ở Trung Quốc anh em, Bác gửi mấy lời khuyên các cháu: Đoàn kết nội bộ, đoàn kết với anh em Trung Quốc, zữ zìn tốt kỷ luật. Cố gắng biểu ziễn tốt. Cố gắng học hỏi các đồng chí Trung Quốc, nhờ các đồng chí Trung Quốc thẳng thắn fê bình, để không ngừng tiến bộ. Zữ zìn sức khỏe. Chúc các cháu thành công và gửi các cháu nhiều cái hôn. Bác Hồ”. Thư viết ngày 11/5/1964.


Trong hoàn cảnh xa nhà, xa Tổ quốc, nhận được thư Bác động viên vào đúng sinh nhật Bác, cả đoàn đã bật khóc. Đêm ấy, mọi người thức trắng. Lá thư được các đồng chí Trung Quốc chụp ảnh lại và tặng cho đoàn mỗi người một bản làm kỷ niệm. Lá thư đến bây giờ bà Ngà vẫn còn giữ, coi như một báu vật.


Những kỷ niệm về Người


Bà Ngà nhận được rất nhiều sự quan tâm của Bác. Những kỷ niệm ấy đi theo suốt cuộc đời bà. “Chiều ngày 27/3/1964, Bác đi họp Hội nghị Chính trị đặc biệt, các chú bảo tôi mang sữa lên mời Bác. Bác bảo tôi lấy thêm cho Bác một cái cốc rồi chia cốc sữa ra làm hai, đưa cho tôi một cốc. Tôi nói: Thưa Bác, con mời Bác, con không dám, con uống các chú sẽ phê bình phạm “tiêu chuẩn” của Bác. Bác cười vui: Thôi! “đồng cam cộng khổ” với Bác một tý”. Vui sướng vì được Bác quan tâm, bà đã cầm cốc sữa uống cạn.


“Cuộc đời tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc vì có những năm tháng được gần Bác. Trong công việc tôi luôn luôn cố gắng để xứng đáng với tấm lòng, tình cảm của Bác đã dành cho”.

Một lần vào thăm Bác, khi về Bác cho bà tập đĩa hát vở Opera La Traviata của nhạc sĩ Verdi mà Đảng Cộng Sản Ý biếu Bác. - Bé có thuộc bài nào trong này không? - Thưa Bác, con hát một đoạn để Bác nghe. “Tôi đã hát đoạn người cha khuyên con trai rời bỏ chốn đô hội để trở về với gia đình nơi miền quê Proven êm đềm”, bà Ngà nói. Tháng 5/2009 kỷ niệm 119 năm, sinh nhật Bác, nhân buổi giao lưu “Tháng 5 - Những hồi ức về Bác kính yêu”, bà Ngà đã đem món quà quý giá mình đã cất giữ trong suốt mấy chục năm qua tặng lại Khu Di Tích chủ tịch Hồ Chí Minh.


Một lần khác, khi tiễn cô bé ra về, nhìn lên cây sấu trong vườn thấy các các đồng chí cảnh vệ đang hái, Bác bảo: Các chú hái cho bé một ít. Mang sấu về nhà, cô bé đem chia cho mọi người, chỉ giữ cho mình hai quả. Nhưng trong niềm vui sướng và cả hãnh diện ấy, cô bé không muốn ăn trái sấu đó.


Cô bé lấy con dao to mang ra đầu hồi nhà bới đất lên vùi hai quả sấu xuống với hy vọng nó sẽ mọc lên thành cây. Chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy mầm non nào nhú lên. Có lẽ vì quả sấu còn non. Mà lúc ấy cô bé cũng không biết người ta trồng sấu bằng hạt hay bằng gì nữa. Chỉ thấy tiếc mãi vì quả sấu đó là kỷ niệm nơi Bác ở.


Vào chủ nhật, cô bé Ngà thường được Bác cho vào ăn cơm cùng. Bữa cơm có khi có bác Tôn, có lần có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bữa ăn của Bác rất thanh đạm: một bát canh, mấy quả cà hoặc đĩa dưa chua, khúc cá kho. “Lần nào có tôi cùng được ăn, các chú thường có thêm món nem rán, Bác gắp nem cho tôi và bảo: Ngày xưa, Bác cũng thích nem rán lắm, nhưng lúc đó không có mà ăn. Bây giờ có thì lại không ăn được. Nghe Bác nói tôi thấy xúc động và thương Bác vô cùng. Sức khỏe của Bác lúc đó đã yếu đi nhiều”, bà Ngà kể.


Xuân Phong