12:11 19/12/2012

Thắng lợi của LDP thắp sáng hy vọng phục hồi kinh tế Nhật

Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản sẽ không có nhiều thời gian để nhấm nháp hương vị chiến thắng. Chắc chắn ông Abe sẽ phải nỗ lực rất nhiều để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, chống lại căn bệnh thiểu phát trầm kha và khôi phục sự lành mạnh của nền tài chính công.

Ngày 16/12, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản, lại trở thành đảng cầm quyền sau hơn ba năm để mất vị trí này vào tay Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ).

Chủ tịch LDP, cựu Thủ tướng Shinzo Abe sẽ được bầu làm Thủ tướng mới của “đất nước Mặt trời mọc" vào ngày 26/12 tới.

Những thách thức trước mắt


Trước cuộc bầu cử vừa qua, có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái. Trong tài khóa 2011 (kết thúc cuối tháng 3/2012), nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã đạt tốc độ tăng trưởng âm 1,4%. Trong quý 1 của tài khóa này (từ tháng 4 đến tháng 6/2012), nền kinh tế này đã hồi phục nhờ vào hiệu ứng tích cực của các khoản chi tái thiết khổng lồ.

Thủ tướng tương lai của Nhật Bản Shinzo Abe sẽ phải nỗ lực rất nhiều để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, trong quý tiếp theo đó, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,9% so với quý trước đó và giảm 3,5% so cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 quý qua, GDP thực tế của Nhật Bản bị giảm và đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ sau thảm họa kép tháng 3/2011.

Đáng chú ý, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm tới 60% trong tổng GDP của nước này, đã giảm 0,4%. Chuyên gia Nobuyasu Atago của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý 3 tài khóa 2012.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến Nhật Bản rơi vào suy thoái kinh tế là do nhu cầu ở trong nước đang yếu dần trong bối cảnh những hiệu ứng tích cực của các khoản tiền đầu tư phục vụ công tác tái thiết ở các khu vực thảm họa đang giảm, trong khi nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản cũng giảm do các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và đà suy giảm tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Chính vì vậy, trong cương lĩnh tranh cử LDP đã cam kết sử dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa ít nhất 3%. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện mục tiêu này lại là thách thức lớn đối với thủ tướng mới của Nhật Bản.

Một thách thức lớn khác đối với chính quyền của LDP là đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng thiểu phát đã bén rễ từ lâu ở nước này. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 2 của tài khóa 2012, chỉ số thiểu phát GDP của nước này là 0,04%.

Trong bối cảnh đó, LDP coi việc đối phó với căn bệnh thiểu phát là ưu tiên chính sách hàng đầu. LDP dự kiến sẽ tăng cường chi tiêu công và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Mặt khác, Nhật Bản hiện là nước có tỷ lệ nợ công cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2010, tỷ lệ nợ công trên tổng GDP danh nghĩa của Nhật Bản lên tới 192,7%. Con số này sẽ tiếp tục tăng và có thể sẽ đạt 222,6% vào năm 2013. Trong bối cảnh đó, chính phủ mới ở Nhật Bản phải nỗ lực rất nhiều để khôi phục sự lành mạnh của nền tài chính công.

Ngoài ra, chính quyền mới ở Nhật Bản còn phải đối mặt với các thách thức không nhỏ khác, như giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng đồng yên tăng giá, khắc phục tình trạng thiếu điện do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima và đối phó với các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của hiện tượng dân số già.

Và đối sách của LDP

Để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế và tạo thêm việc làm mới, ông Abe cho biết Chính phủ do LDP lãnh đạo sẽ tăng chi ngân sách cho các công trình công cộng.

LDP và Đảng Công minh (là đảng liên minh với LDP tạo thành phe đa số chiếm hơn 2/3 số ghế Hạ nghị viện) đã từng khẳng định trong thập kỷ tới họ sẽ triển khai các công trình công cộng có tổng trị giá lên tới 200.000 tỷ yên (2.400 tỷ USD), trong đó chủ yếu tập trung củng cố cơ sở hạ tầng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiên tai.

Thông thường, ở Nhật Bản, việc xây dựng dự thảo ngân sách quốc gia sẽ được tiến hành vào cuối tháng 12 hàng năm. Tuy nhiên, do cuộc bầu cử Hạ viện được tiến hành vào giữa tháng 12 nên công việc này sẽ diễn ra muộn hơn.

Chắc chắn, vào đầu năm sau, Chính phủ do LDP lãnh đạo mới có thể bắt tay vào xây dựng dự thảo ngân sách cho tài khóa 2013. Nhiều khả năng đến đầu tháng 5/2013, dự thảo ngân sách này mới được Quốc hội thông qua.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu trước mắt của ông Abe là soạn thảo ngân sách bổ sung có giá trị lớn cho tài khóa hiện nay để kích thích nền kinh tế. Phát biểu trên truyền hình tối 16/12, chính trị gia này nói: “Ngân sách chính cho tài khóa tới sẽ đến muộn nên chúng tôi sẽ phải soạn thảo một ngân sách bổ sung lớn cho tài khóa hiện nay”.

Ông Akira Amari, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Chính sách của LDP, cho biết dự thảo ngân sách bổ sung sắp tới sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nước này tăng khả năng trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Công minh Natsuo Yamaguchi cho biết ngân sách bổ sung có thể có giá trị lên tới 10.000 tỷ yên.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chính quyền mới sẽ tìm đâu ra nguồn tài chính để tài trợ cho ngân sách khổng lồ đó trong bối cảnh LDP chủ trương giảm một số sắc thuế, như thuế thu nhập công ty, thuế mua xe ô tô và chỉ có thể đảm bảo gần 3.000 tỷ yên thông qua việc sắp xếp lại các khoản chi tiêu hiện nay của Chính phủ, như trợ cấp cho những người có thu nhập thấp và chi lương cho bộ máy hành chính công.

Nhiều khả năng chính quyền mới sẽ phải phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ cho ngân sách bổ sung. Bên cạnh đó, họ có thể sẽ phải tạm gác kế hoạch tăng thuế tiêu dùng, vốn được coi là chìa khóa để cải thiện sự lành mạnh của nền tài chính dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda. Tuy nhiên, các động thái này có thể sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính của Nhật Bản trong bối cảnh tỷ lệ nợ công ở nước này đã ở ngưỡng nguy hiểm.

Cùng với việc tăng chi tiêu công, ông Abe cho biết Chính phủ sẽ hối thúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đạt được tỷ lệ lạm phát 2%/năm, cao gấp 2 lần so với mục tiêu của BOJ.

Phát biểu với các phóng viên hôm 17/12, ông nói “tôi sẽ chỉ thị cho các bộ trưởng liên quan tiến hành đàm phán đạt được thỏa thuận chính sách với BOJ khi nội các mới được thành lập” vào cuối tháng này để đối phó với căn bệnh thiểu phát và hiện tượng đồng yên tăng giá.

Hiện nay, BOJ đang giữ lãi suất chủ chốt ở ngưỡng gần 0% và bơm vốn vào hệ thống ngân hàng thông qua chương trình mua lại trái phiếu chính phủ và các tài sản khác từ các tổ chức tín dụng.

Để đối phó với khả năng tăng giá của đồng yên, trong cương lĩnh tranh cử của mình, LDP cũng khẳng định sẽ cân nhắc xây dựng thành lập quỹ trái phiếu nước ngoài công – tư kết hợp nhằm ổn định hệ thống tài chính của Nhật Bản. Tuy nhiên, biện pháp này có thể sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bởi vì họ tin rằng giá trị của một đồng tiền phải được thị trường quyết định.

Vì vậy, ông Kazumasa Iwata, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER), đã đề xuất Bộ Tài chính Nhật Bản và BOJ cùng thiết lập một quỹ để mua trái phiếu nước ngoài. Ông Iwata nói quỹ này sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước trên bằng cách cam kết mua các công cụ nợ do Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) phát hành.

Mặt khác, Nhật Bản không thể và không đủ sức làm thay đổi xu hướng tăng giá của đồng yên. Vì vậy, trong cương lĩnh tranh cử, LDP cũng cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế vĩ mô với các nước khác. Mặc dù chi tiết của cam kết này chưa được tiết lộ, nhưng theo các nhà phân tích, chính phủ do LDP lãnh đạo có thể sẽ tìm cách xây dựng một sự đồng thuận trên toàn cầu về sự cần thiết phải ngăn chặn đồng yên tăng giá thông qua chính sách ngoại giao chủ động.

Trong quá khứ, vào năm 1987, nhóm G7 đã nhất trí thiết lập biên độ giao động “có thể chấp nhận được” đối với đồng tiền của từng nước trong nhóm. Nhiều khả năng Nhật Bản có thể sẽ kêu gọi các nước khác tái thiết lập một hệ thống tương tự với lý do, trong báo cáo hồi tháng 8/2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng đồng yên đang được định giá quá cao.

Để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, ông Abe dự định sẽ thành lập một nhóm công tác tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Nhật Bản, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành tiên tiến và cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong lĩnh vực nông nghiệp, LDP chủ trương xem xét hệ thống lợi tức cố định hiện nay và áp dụng chương trình này cho cả các hộ trồng rau và hoa quả.

Liên quan tới chiến lược năng lượng, trong vòng 10 năm tới, Chính phủ do LDP lãnh đạo sẽ xây dựng các chiến lược năng lượng trung và dài hạn. Trong vòng 3 năm tới, họ sẽ quyết định số phận của từng nhà máy điện hạt nhân cụ thể.

Về chiến lược kinh tế đối ngoại, Chính phủ do LDP lãnh đạo lại phản đối việc Nhật Bản tham gia đàm phán về hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chừng nào TPP vẫn yêu cầu các nước thành viên xóa bỏ tất cả các loại thuế. Ngoài ra, Chính phủ mới sẽ xem xét lại mục tiêu cắt giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 được thông qua dưới thời chính quyền của DPJ.

Thắp sáng hy vọng cho thị trường

Ngay sau khi kết quả bầu cử Hạ viện ở Nhật Bản được công bố với chiến thắng áp đảo của LDP, các thị trường tài chính và tiền tệ đã phản ứng một cách tích cực.

Do ông Abe chủ trương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nên đồng yên đã suy yếu trước đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác. Tỷ giá yên/USD đã tăng lên mức 84,55, cao nhất trong 20 tháng qua. Đây là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của “đất nước Mặt trời mọc”.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số Nikkei-225 đã tăng 0,94% so với phiên giao dịch trước lên mức 9.828,88 điểm, cao nhất trong hơn 8 tháng qua. Thậm chí, có lúc chỉ số này tăng quá ngưỡng 9.900 điểm, cao nhất kể từ ngày 4/4/2012. Trong khi đó, chỉ số Topix cũng tăng 6,8 điểm lên 807,84.

Ông Hiroichi Nishi, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nghiên cứu pháp nhân tại Công ty Chứng khoán SMBC Nikko, nói: “Trước cuộc bầu cử này, các nhà đầu tư nước ngoài mua vào rất nhiều chứng khoán của Nhật Bản, và hiện nay, có vẻ như các nhà đầu tư có tổ chức ở trong nước cũng bắt đầu mua vào”. “Các hy vọng trên thị trường đối với sự lãnh đạo của LDP đang rất cao”.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại phản ứng tích cực này có thể sẽ không kéo dài nếu ông Abe không thể thực hiện các cam kết chính sách của mình. Ông Yasuhiro Sato, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Mizuho và hiện đang lãnh đạo Hiệp hội các chủ nhà băng Nhật Bản (JBA), nói: “Nếu (chính phủ mới) không có hành động cụ thể, các hy vọng của thị trường có thể sẽ dễ dàng chuyển thành sự thất vọng”.

Trong khi đó, chuyên gia Elena Okorochenko của Standard & Poor's (S&P) cũng cảnh báo, thắng lợi áp đảo của LDP trong cuộc bầu cử ở Nhật Bản có thể cho phép đảng này nhanh chóng thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng liệu LDP sẽ tiến hành các cuộc cải tổ mang tính quyết định trong những tháng tới hay không.

Theo bà Okorochenko, S&P hiện xếp mức tín nhiệm của Nhật Bản ở mức AA- với triển vọng tiêu cực. Tổ chức này có thể sẽ cân nhắc hạ xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn và dài hạn (của Nhật Bản) nếu đường cong nợ công của chính phủ nước này vẫn tiếp tục xu hướng hiện nay hoặc bắt đầu làm suy giảm vị thế bên ngoài ròng của nước này”.


Thanh Tùng