04:06 04/04/2015

Tháng hai trẩy hội Tây Thiên

Cứ đến ngày rằm tháng hai âm lịch, hàng vạn du khách, phật tử lại nô nức trẩy hội Tây Thiên, một trong những lễ hội lớn ở khu vực miền Bắc.

Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày rằm tháng hai âm lịch, hàng vạn du khách, phật tử lại nô nức trẩy hội Tây Thiên, một trong những lễ hội lớn ở khu vực miền Bắc. Lễ hội Tây Thiên xuân Ất Mùi diễn ra từ ngày 15-17/2 âm lịch (tức ngày 3 - 5/4/2015) tại Khu danh thắng Tây Thiên, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, miền đất cổ, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.

Đồng bào Sán Dìu rước kiệu dâng hương trong lễ hội.

Theo Ngọc phả thời Hùng Vương: Hùng Chiêu Vương thứ 7 lên núi Tam Đảo lập đàn cầu cho Quốc thái dân an, bởi đây là miền đất linh thiêng nhất. Tại đây Nhà vua đã gặp và kết duyên với cô sơn nữ Lăng Thị Tiêu - người con gái được sinh ra từ khí thiêng sông núi Tây Thiên. Bà được sắc phong làm Hoàng phi, đã có công giúp vua chiêu binh mãi tướng, luyện tập quân sỹ, đánh đuổi quân giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn. Bà đã dạy dân trồng lúa, chăn tằm dệt vải trong buổi bình binh của dân tộc. Khi đất nước thanh bình, bà không màng danh lợi, mà đã trở về quê hương và “hóa” tại đây.

Trải qua bao đời nay, từ các triều đại phong kiến Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong bà là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương - Thượng đẳng phúc thần, hàng năm cứ vào ngày 15/2 âm lịch, cử các quan đại thần lên cúng tế, dâng lên Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính. Tưởng nhớ công đức của bà, nhân dân trong vùng đã tôn vinh bà là Quốc Mẫu Tây Thiên, lập đền thờ quanh năm thờ phụng, hương khói. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp, là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Nghi thức trong lễ hội Tây Thiên mang những nét độc đáo. Phần lễ có lễ cáo, lễ rước, lễ dâng hương và lễ tạ. Phần hội sẽ kéo dài trong suốt 3 ngày, từ ngày 15 - 17/2 âm lịch, với nhiều trò chơi, trò diễn độc đáo của cư dân nông nghiệp từ thời các vua Hùng dựng nước. Một trong những trò diễn thu hút nhiều người tham gia là trò cướp cây bông (còn gọi là hội tung bông).

Trò diễn này diễn lại tích Mị Nương (con Vua Hùng thứ 18 - Hùng Duệ Vương, vợ của thánh Tản Viên), người có công dạy dân trồng bông và truyền nghề dệt cho dân làng. Bên cạnh đó, còn có nhiều trò chơi, trò diễn như nấu cơm thi, hú đáo, thi làm bánh chưng, thi kéo co, chọi gà, đu tiên, cờ người, múa rồng, múa lân, nhảy bao bố, bắt trạch trong chum, thi hát chầu văn, hát chèo, hát soọng cô, tổ chức chợ tình hát “giao duyên” của dân tộc Sán Dìu…

Một trong những điểm độc đáo trong lễ hội Tây Thiên, đó là vào dịp lễ hội, đồng bào Sán Dìu sinh sống ở khu vực Tam Đảo đều mặc trang phục truyền thống về đây dự hội. Những cô gái Sán Dìu xinh đẹp, trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình tham gia đoàn rước kiệu, dâng hương tưởng nhớ Mẫu Tây Thiên. Những người già trong làng kể: Từ tục xưa, những năm mất mùa, đói kém, hoặc bị thú rừng phá hoại lúa ngô, người Sán Dìu làm lễ tạ Quốc Mẫu Tây Thiên, xin bà bảo vệ và diệt các loại thú rừng phá hoại đời sống của họ.

Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào người Sán Dìu ở Tam Đảo coi mình là con cháu lâu đời của Quốc Mẫu, nên rất nhiều dòng họ người Sán Dìu ở đây đã tự đổi họ mình sang họ Lăng, là họ của Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, để tỏ lòng biết ơn công đức của bà, đã luôn phù hộ cho đồng bào Sán Dìu làm ăn thuận lợi, được mùa, sinh con đẻ cái. Hàng năm, cứ đến ngày 15/2 âm lịch, đồng bào lại về Tây Thiên dâng hương tưởng nhớ Mẫu Tây Thiên, trình diễn các làn điệu dân ca truyền thống như hát soọng cô, hát chầu văn của nam thanh, nữ tú dân tộc Sán Dìu.

Tây Thiên còn được biết đến như một miền đất địa linh, nơi giao hòa giữa đạo Phật và đạo Mẫu, tạo nên không khí thanh tịnh và linh thiêng. Tương truyền, từ xa xưa, ngài Khương Tăng Hội - một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Người ta cho rằng đến với Tây Thiên là "Đến với Phật, về với Mẫu".

Khu danh thắng Tây Thiên những năm qua được trùng tu, tôn tạo và xây dựng ngày càng khang trang, kết nối các công trình như Đền Thượng, đền Tam Tòa Thánh Mẫu, đền Cô Chín, Đại Bảo Tháp, đền Thõng, đền Thượng, đường sân Trung tâm lễ hội... Toàn khu danh thắng này là điểm du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng. Lễ hội Tây Thiên được tổ chức hàng năm góp phần khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống, các chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức, đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha. 

Năm nay, BTC đã cùng với các ban, ngành chức năng tổ chức, quản lý lễ hội quy củ, trật tự, không có tình trạng chèo kéo khách, vệ sinh môi trường đảm bảo, tạo môi trường sạch, đẹp, văn minh, lịch sự cho ngày lễ hội, để du khách về lễ hội được hưởng cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.


Nguyễn Hòa