11:19 08/11/2012

Thằng Cồ

Thương mẹ, thương thầy cô, nhớ lớp, nhớ trường, nó đi học lại nhưng chậm mất mấy lớp. Kệ. Có còn hơn không. Trời xui đất khiến thế nào mà nó học giỏi và thông minh rất lạ thường. Bài vở trên lớp nó thuộc làu làu trong bụng.

Tin thằng Cồ đoạt giải nhất cuộc thi toán lớp 5 cấp thành phố lan nhanh trên cồn Sơn, cái cồn được mệnh danh là đảo “5 không”.


- Cha nghe tin nầy thiệt hôn? Đừng có tào lao mía lao, mắt nhắm mắt mở rồi đồn bậy bạ, chúng cười thúi đầu. Chú hai Ớt gặng hỏi mấy lượt.


- Trời đất, tui đâu có xỉn. Chính cô giáo của nó nói lúc tui xuống xuồng qua sông. Hổng tin ông gọi “điện thại ” hỏi lại cho chắc cú. Mệt ông quá trời. Tiếng chú ba Hừng bực bội trả lời.


Minh họa: Trần Thắng


- Thì tui phải hỏi cho rõ đầu đuôi câu chuyện, thiệt tui tin hổng có nổi, cái thằng ốm nhôm ốm nhách, đói như ma lem, học xong suốt ngày lội đồng chăn vịt mướn mà học hành giỏi giang. Nó làm cho dân cồn nầy nở mày nở mặt với người ta. Hứ. Phải chi... Nói đến đó chú ngừng bặt rồi thở dài thườn thượt.


- Phải chi sao ông im re bà re vậy cha, có gì nói tiếp coi. Chú ba Hừng hối thúc.


- Ai đời mình ở cách thành phố Cần Thơ có xa xôi gì đâu, giỏi lắm chừng cây số chớ mấy. Vậy mà đời mình, con mình rồi đến cháu chắt mình cứ chịu cái cảnh “5 không” hổng biết tới đời nào mới khá được. Chú thở dài ngao ngán rồi chợt nhìn ra dòng sông Hậu rộng mênh mông đang cuồn cuộn chảy cuốn theo những đám lục bình to đùng có lẽ trôi từ miệt Châu Đốc, Long Xuyên.


Hơn bảy mươi tuổi, chú hai Ớt, ba Hừng đã trói buộc đời mình trên cái cồn nầy từ lúc mới khai thiên lập địa. Hồi xưa cồn Sơn nhỏ xíu xìu xiu, đứng bên nầy bụm miệng kêu bên kia nghe lồng lộng. Nước ròng, cả lũ chăn trâu, chăn vịt tụm năm tụm bảy đá banh, đánh trỏng, thả diều, thụt cua trên nền đất cồn sền sệt sình non. Cây bần chua, dừa nước mọc um tùm tha hồ đốn buồng ăn, cua đồng cồn nầy nấu bánh canh cua thì ăn bá cháy bù chét luôn.


Thời gian cứ lặng lẽ qua đi. Cồn nầy mấy mươi năm vẫn không khá hơn là bao. Được cái là nhiều cư dân bắt đầu đến khai hoang mở đất lập nghiệp. Cam quýt xanh tốt lạ thường, cá, tôm luôn đầy dẫy, quăng cái chài là nhậu không xuể. Nhưng người dân cồn vẫn mang theo cái buồn muôn thuở bởi cái tên cư dân đảo “5 không”. Có lần thằng Cồ thắc mắc hỏi ông ba Hừng:


- 5 không là cái vụ gì hả ông ba Hừng?


- Mầy ngu quá. 5 không là không có điện, đường, trường, trạm, nước sạch. Biết chưa? Mai mốt lỡ mầy có làm ông kẹ nào bự bự thì nhớ phải xử án cho được 5 không nầy thì cháu con xứ nầy mới khá được, hiểu chưa, cái thằng chăn vịt nhiều chuyện kia.


Ông cười khanh khách, nhưng trong tiếng cười ấy vẫn man mác nỗi buồn, nỗi uất ức tuyệt vọng đến chán chường.


Tuy nhỏ nhưng thằng Cồ mang máng hiểu rằng, nó và mẹ nó cùng hàng trăm người dân trên cái cồn nầy đang chịu rất nhiều thiếu thốn thiệt thòi. Không bực mình tức tối sao được khi ban đêm trên dãy đất đèo heo hút gió nầy nhìn thấy ánh đèn sáng rực thâu đêm của thành phố Cần Thơ nhộn nhịp bên kia sông. Xa xa mấy cái đèn cao áp của cầu Cần Thơ thỉnh thoảng lại quét sáng lên trên bầu trời đen thăm thẳm những vệt sáng dài sọc như chọc tức nó. Bên kia sông, mấy thằng học trò nhỏ như nó chắc đang chơi “gam on lai”, ăn kem, hay được cha mẹ chúng dẫn vào các quán ăn sang trọng. Còn nó... xung quanh toàn là vịt, tiếng kêu càm cạp, càm cạp của mấy trăm con vịt như một bài nhạc hòa tấu muôn năm, đến nỗi mẹ nó phải nhét bông gòn vô lỗ tai thì mới ngủ được, còn nó cũng làm theo mới học bài được.

Mỗi đêm trên chiếc giường tre ọp ẹp, dưới ngọn đèn bình ắc qui đùng đục, nó vừa học bài vừa nhìn chằm chằm vào cái thân thể khô đét lép xẹp như con mắm khô, đôi tay và đôi chân chỉ còn xương da của mẹ. Đến bữa ăn mẹ nó cũng không thể ngồi dậy được, nó phải đút cơm mỗi bữa. Khổ thiệt. Tiền trông vịt mướn mỗi tháng cũng chỉ vài trăm ngàn đồng, nó đâu có tiền để mua đồ ăn nào thiệt ngon cho mẹ. May mà ông hai Ớt, ông ba Hừng và bà con chòm xóm thấy tội nghiệp nên thay nhau cho gạo nấu cơm. May mắn hơn là từ nhỏ tới giờ nó chưa bị bệnh lần nào, nếu bệnh cũng hổng biết tính sao nữa. Học lớp năm mà nó bự chảng, bự con nhất lớp. Nó bỏ học mấy năm để lùa vịt chạy đồng kiếm tiền nuôi mẹ. Biết chuyện mấy thầy cô ở trường tìm tới nhà biểu nó đi học lại, khỏi phải mua sách vở gì hết ráo. Mẹ nó nói yếu ớt:


- Con phải ráng đi học. Lỡ mai mẹ có chết thì con cũng đỡ tấm thân.


Thương mẹ, thương thầy cô, nhớ lớp, nhớ trường, nó đi học lại nhưng chậm mất mấy lớp. Kệ. Có còn hơn không. Trời xui đất khiến thế nào mà nó học giỏi và thông minh rất lạ thường. Bài vở trên lớp nó thuộc làu làu trong bụng. Tối về lùa vịt vào chòi xong, nó “tu hành” bài vở một lát là xong. Không có tiền đi đò qua sông để học mỗi ngày, nó nài nỉ ông hai Ớt cho mượn chiếc xuồng ba lá nhỏ tí ti để bơi qua. Những lúc trời mưa bão, nó vẫn cứ bơi qua với cái cười khì khì nhe ra mấy cái răng sún gần hết. Có lần ông ba Hừng nói:


- Thôi nghỉ học là vừa mầy ơi. Tao thấy mầy bơi qua sông cái thấy nổi da gà quá. Có ngày hà bá rước mầy quá Cồ ơi.


- Ông đừng có nói xui xẻo miệng mắm muối hổng hên. Con mà ngán ai. Chìm xuồng hả, thì lội vô. Chuyện nhỏ. Nó lại cười khì khì.


Nhưng linh tính như mách bảo cho nó rằng mẹ nó sắp chết đến nơi rồi. Mấy bữa trước khi nó bơi xuồng đi học về thấy căn chòi giữ vịt thuê của nó có nhiều người xúm xít. Hỏi ra mới biết mấy cô chú ở phường đến thăm và tặng quà cho mẹ nó. Nó còn nghe loáng thoáng rằng mẹ nó bị bệnh si đa, si đết gì đó hổng có thuốc chữa chắc phải chết mà thôi. Nó nhớ hồi nhỏ nó cũng có cha đàng hoàng như bao bạn bè khác chớ. Sau mỗi lần cha nó lái xe tải chạy từ Bắc vô Nam về đến nhà thường mua cho nó nhiều bánh kẹo, đồ chơi mắc tiền nghe đâu bán ở bên Tàu gì đó mới có. Hổng biết sao cả năm sau không thấy cha nó về. Nó hỏi mẹ nó thì thấy cái lắc đầu và khuôn mặt đầy nước mắt. Nó tưởng tượng chắc cha nó mê bà nào đó đẹp hơn nên bỏ rơi mẹ con nó. Nhưng dần dà nó hiểu rằng cha nó đã chết vì căn bệnh lạ lùng nào đó mà người lớn hổng dám nhắc tới. Chòm xóm từ từ lánh xa mẹ con nó. Thầy cô nhìn nó với đôi mắt thương hại nhưng cứ coi chừng sợ nó tới gần lây bệnh. Người ta đưa mẹ con nó tới bệnh viện lấy máu. Nghe thầy chủ nhiệm nó kể lại với bạn bè nó khỏe như trâu, không có bệnh hoạn gì ráo. Nó mừng phát khóc. Nhưng thấy những cái thở dài của mấy ông bác sỹ khi nhìn mẹ nó, nó biết mẹ nó đã nhiễm bệnh rồi. Mẹ con nó bắt đầu một cuộc chạy trốn. Hết mướn nhà trọ chỗ nầy lại đi sang chỗ khác. Thấy vậy, ông hai Ớt và ông ba Hừng nửa đêm bơi xuồng sang sông tìm mẹ con nó. Ông hai Ớt nói:


- Bây cũng phải tính tới hậu sự chớ, thằng Cồ có tội tình gì đâu. Thôi thu xếp dìa bên cồn với tụi tao, có gì tao tính. Chạy lung tung kiểu nầy hoài sao đặng.


Vậy là mẹ con nó thu xếp về hẳn bên cồn. Hồi đầu nhiều người ớn mẹ con nó lắm nhưng được ông ba Hừng giải thích, dần dà họ cũng quen, không còn làm mặt lạnh như trước nữa. Ở đây yên tĩnh giữa mênh mông sông nước nhưng khốn khó vô chừng. Cái cồn nầy đi đâu cũng gặp mận An Phước, bưởi, cam, hầm cá nên bờ mẫu từa lưa, không có xe nào chạy được kể cả xe đạp. Cách bờ bên kia mấy trăm thước mà không có điện nên đảo cứ tối om om, nghe đâu Nhà nước hứa kéo điện qua sông nhưng chờ hoài hổng thấy. Năm ngoái cồn nầy có xây một cái trạm phát điện vài tiếng đồng hồ mỗi ngày nhưng muốn có điện phải tốn mấy triệu đồng. Nó thèm chảy nước miếng rồi im re mơ tưởng. Trên cồn con nít cỡ nó đâu có mấy thằng, vậy là trường học cũng không luôn. Ốm đau bất tử thì kiếm ghe xuồng qua bên sông vì đảo nầy đào đâu ra cái trạm y tế. Chuyện xài nước “phông tên” hồi đầu cũng tạm được nhưng riết rồi nước chảy yếu xìu lúc có lúc không nên quanh quẩn chỉ có mươi nhà đăng ký, còn nó nghèo rớt mồng tơi thì xài nước sông cái muôn năm. Vậy mà nó khỏe như bò kéo xe mới lạ.


Đêm nay nó không ngủ được mà cứ ôm chầm lấy mẹ nó. Mấy năm nay từ khi mẹ con nó trôi dạt về sống ở cái cồn nầy, mẹ nó cứ nằng nặc không cho nó đến gần. Nửa đêm, mẹ nó tỉnh giấc thều thào:


- Mẹ sắp đi rồi. Đừng lại gần mẹ, nguy hiểm lắm. Cố gắng học nghe con.


- Không. Con là con của mẹ. Con chỉ còn có mình mẹ. Con phải ở bên mẹ suốt đời. Nó khóc rống lên. Đêm đó cơn bão số mười tràn vào thành phố. Trong căn chòi vịt trống trước hụt sau, mẹ nó run bần bật mặt mày xanh tái lét, ho ra máu từng cơn rồi tắt thở. Nó ân hận vì chưa báo tin cho mẹ, nó mới đoạt giải nhất cuộc thi toán cấp thành phố thì mẹ nó đã ra đi. Tiếng vịt kêu càm cạp, càm cạp cứ vang lên vô tư trong đêm vắng. Mắt nó ráo hoảnh. Nó không còn nước mắt. Nó phải biết đứng lên tạo lập cuộc đời, làm tròn ước nguyện của mẹ nó trước phút lâm chung.


Đám tang trên đảo bắt đầu. Bắt đầu ngay cái ngày Nhà nước kéo điện vượt sông về cồn Sơn nầy. Thằng Cồ quỳ trước quan tài mẹ nó lẩm bẩm điều gì đó mà có lẽ chỉ mình nó hiểu. Trời tối âm âm. Cơn bão vẫn chưa tan. Nước sông Hậu tiếp tục dâng cao, sóng đánh vào bờ đê cồn nghe thình thịch. Ngày mai nó sẽ về ở với thầy chủ nhiệm phía bên kia sông để tiếp tục việc học hành, để hoàn thành ước mơ trở thành một bác sỹ. Mỗi đêm nó sẽ ra đứng bên bờ sông nhìn về dãy đất bên kia để tìm về bên nấm mồ mẹ nó. Rồi cái đảo “5 không” ấy sẽ có những con đường thật đẹp, dòng điện sáng mênh mông, nguồn nước trong lành bên ngôi trường làng xinh xắn; sẽ không còn những tiếng kêu quặn lòng của người bệnh phải qua sông giữa những đêm giông bão. Thằng Cồ tin như vậy.



Vân Anh