01:15 07/01/2015

Thận trọng với lạm phát thấp

Lạm phát thấp, không hẳn do thắt chặt chi tiêu mà người dân ngày càng tiêu dùng thông minh hơn. Đây được coi là tín hiệu tốt của nền kinh tế, tuy nhiên không nên chủ quan khi lạm phát thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 so với tháng 12/2013 tăng 1,84%. CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, đây mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi tháng tăng 0,15%. Tuy nhiên, trong năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.945,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, lạm phát thấp, không hẳn do thắt chặt chi tiêu mà người dân ngày càng lựa chọn tiêu dùng thông minh hơn. Đây được coi là tín hiệu tốt của nền kinh tế, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng không nên chủ quan và cần tập trung kiểm soát cả khi lạm phát thấp.

Lạm phát thấp không hẳn do sức cầu yếu

Năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.945,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%, con số này cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013.

Tháng 12, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 205,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và thấp hơn mức tăng 2,8% của cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm 2014 ước tính đạt 2.216 nghìn tỷ đồng, chiếm 75% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 11,3% so với năm 2013.

Người dân mua sắm tại siêu thị. Ảnh: TTXVN


Mức tăng của các nhóm ngành hàng năm nay so với năm 2013 như sau: Lương thực, thực phẩm tăng 1,7%; hàng may mặc tăng 4,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 16%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 33,2%... Doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch năm 2014 đạt 381,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước.

Một số ý kiến đã cho rằng, lạm phát thấp do sức cầu yếu; đồng thời, giá cả thấp sẽ không khuyến khích đối với đầu tư, thất nghiệp sẽ tăng lên… Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, thực tế, mức CPI năm 2014 tăng thấp do giá xăng dầu và một số loại nhiên liệu giảm, cùng với sự quản lý giá cả tương đối chặt chẽ của cơ quan quản lý, không bị hiện tượng tăng giá đột biến gây hiệu ứng tâm lý.

Hơn nữa, nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào và người tiêu dùng hiện nay không hẳn thắt chặt chi tiêu mà có khả năng tiêu dùng tốt hơn. Sức mua của người dân phụ thuộc vào thu nhập của họ, chính sách của Chính phủ là làm sao tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định và ngày càng cao sẽ làm tăng tổng cầu của nền kinh tế và kích thích tăng trưởng.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh, giá cả hàng hóa không tăng cao sẽ làm cho kinh tế vĩ mô ổn định, làm cho mức sống dân cư không bị thay đổi. Lạm phát thấp là tín hiệu rất tốt của nền kinh tế.

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, ông Nguyễn Đức Thắng nhận định, lạm phát thấp đem lại cơ hội lớn trong việc thu hút FDI, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Khi CPI thấp sẽ kéo theo thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ổn định, ổn định xã hội. Tuy nhiên, thách thức là thu ngân sách và khả năng hoàn vốn khó khăn…

Cần kiểm soát cả khi lạm phát thấp

Giá tiêu dùng năm 2014 đã có những bước đi chậm ít gây ra những cú “giật mình”, nhưng cuối năm, CPI vẫn làm nhiều người ngỡ ngàng khi nhiều quy luật bị phá vỡ. Năm nay, giá cả tăng thấp đã khơi dậy nhiều hơn những bình luận tích cực về việc sản xuất sẽ được hưởng lợi do được vay với lãi suất thấp, ít đi những lo ngại về nguy cơ kinh tế thiểu phát, bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù chỉ số giá cả và sức mua tương đối khả quan, nhưng cũng không nên chủ quan, vì mức lạm phát thấp chưa thật sự bền vững.

Các chuyên gia kinh tế nhận nhận định, mặc dù, lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Như trong trường hợp các mặt hàng như: dầu, gas, giá cước vận tải… đang giảm mạnh. Liệu mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 5% trong năm 2015 có thể thực hiện được?

Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang phục hồi chậm nên cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc nhập khẩu của Việt Nam. Trong nước, một số yếu tố ảnh hưởng là xăng dầu, hiện, giá dầu đang giảm mạnh nhưng thời gian tới có thể tăng trở lại sẽ là yếu tố ảnh hưởng lạm phát rất lớn. Nhóm dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục đang được cải thiện về chất lượng nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh giá trong năm tới…

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng chiến lược do nhà nước quản lý (như giá dịch vụ y tế, học phí, đặc biệt giá điện) tới mặt bằng giá năm 2015, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, sẽ tham mưu với Chính phủ thời điểm và mức tăng giá để có phương án thích hợp, không ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung. Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có đề xuất tăng giá bán lẻ điện thêm 9,5% so với mức giá hiện hành.

Về ảnh hưởng của giá dầu thế giới giảm tới tăng trưởng của Việt Nam năm 2015, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, nếu giá dầu thô giảm nhiều, việc khai thác không còn hiệu quả sẽ phải cắt giảm sản lượng và chắc chắn ảnh hưởng tới tăng trưởng năm 2015. Tuy vậy, nếu ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 9,5-10% (như năm 2010), sẽ bù được vào mức tăng trưởng thiếu hụt do cắt giảm sản lượng dầu thô.

Theo các chuyên gia thống kê, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng như: cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) thông qua nâng cao năng suất lao động; cải thiện trình độ khoa học công nghệ; tái cơ cấu DN, đặc biệt DN nhà nước; tận dụng cơ hội tới từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ có hiệu lực trong năm 2015…

Tuy nhiên, những thách thức từ mức lạm phát thấp cũng đòi hỏi các nhà làm chính sách phải lưu tâm. Lạm phát thấp, sẽ tác động trực tiếp đến thu ngân sách. Chính phủ sẽ thiếu tiền cho đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách và phát triển kinh tế- xã hội.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến,Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Bộ Tài chính nhận định, khi lạm phát thấp nếu kéo dài, cộng thêm với thâm hụt ngân sách liên tiếp diễn ra sẽ dễ dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế. “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào con số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để”, ông Nguyễn Ngọc Tuyến nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không chủ quan mức lạm phát thấp, cần tập trung kiểm soát lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới.


Thúy Hiền (TTXVN)