06:05 20/06/2011

Thận trọng khi doanh nghiệp chuyển sang vay USD

Trong khi lãi suất cho vay VND trên 20%/năm, lãi suất cho vay USD chỉ từ 4 - 6%/năm, cộng với giá USD giảm và lạm phát tiền đồng tăng lên, nhiều doanh nghiệp (DN) đã cân nhắc lựa chọn: Vay USD để bán lấy tiền đồng, hoặc vay USD để nhập khẩu hàng hóa.

Trong khi lãi suất cho vay VND trên 20%/năm, lãi suất cho vay USD chỉ từ 4 - 6%/năm, cộng với giá USD giảm và lạm phát tiền đồng tăng lên, nhiều doanh nghiệp (DN) đã cân nhắc lựa chọn: Vay USD để bán lấy tiền đồng, hoặc vay USD để nhập khẩu hàng hóa.

Đua nhau vay USD

Ngày 15/6, tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 20.618 VND/USD, đây là mức giá thấp nhất trong vòng ba tháng qua, kể từ khi NHNN điều chỉnh tỷ giá. Điều này cho thấy, VND lên giá một cách đáng kể so với USD. Tuy nhiên, khi VND lên giá, lãi suất cho vay lại quá cao, trong khi tỉ giá và lãi suất cho vay USD xuống thấp đã đẩy tín dụng USD tăng cao.

pTín dụng ngoại tệ tăng cao sẽ gây sức ép lên hệ thống ngân hàng cả trong hiện tại cũng như tương lai khi đến kỳ trả nợ.

Theo thống kê của NHNN, tính đến 23/5, lượng vốn ngoại tệ các ngân hàng cho vay tăng tới 18,9%, trong khi tín dụng VND chỉ tăng 2,59%. Tại TP.HCM, dù chưa xác định tín dụng USD là bao nhiêu, nhưng ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, thừa nhận: “Do nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của DN còn rất lớn, đặc biệt là các nhà nhập khẩu, nên nhiều DN vẫn muốn sử dụng vốn vay bằng USD”. Nhiều DN xuất khẩu cho biết, do lãi suất vay USD thấp hơn so với vay bằng VND, chỉ từ 4 - 6%/năm, mặt khác tỉ giá USD ở thời điểm này đang giảm nên DN tranh thủ vay USD để “ôm” hàng trước, tránh giá hàng nhập cuối năm sẽ tăng.

Tuy nhiên, việc DN đua nhau vay USD để nhập khẩu hàng hóa đã tác động đến nhập siêu, ảnh hưởng đến thâm hụt thương mại. Chỉ tính tháng 5/2011, mức nhập siêu là 1,4 tỷ USD (cao nhất trong 5 tháng đầu năm). Nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 ước xấp xỉ 6,6 tỷ USD. Ước nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 7,5 tỷ USD. Theo diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF, việc USD tiếp tục hạ giá sẽ là áp lực đè nặng lên cán cân thanh toán.

Nỗi lo tín dụng USD

Trước tình hình tín dụng USD tăng cao, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đã bày tỏ quan điểm không nên để giá USD giảm hơn nữa. Việc USD liên tục giảm giá như vậy đã kích thích nhu cầu vay USD của các DN, khiến tín dụng ngoại tệ tăng, trong khi tín dụng VND lại giảm. Nếu đến lúc nào đó, dư nợ ngoại tệ có sự lệch pha về tiền gửi, các ngân hàng sẽ khó cân đối USD để trả nợ. Ngoài ra, tín dụng ngoại tệ tăng cao sẽ gây sức ép lên hệ thống ngân hàng cả trong hiện tại cũng như tương lai khi đến kỳ trả nợ. Hơn nữa, tín dụng USD tăng cũng là biểu hiện chưa thành công trong việc chống đô la hóa. Bởi xét cho cùng, USD vẫn được ưa dùng và điều này trước sau cũng gây sức ép lên tỷ giá hối đoái của quốc gia.

Ông Nguyễn Hoàng Minh lại cho rằng với các chính sách NHNN vừa đưa ra, như tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, giảm trần lãi suất tiết kiệm USD còn dưới 2%/năm, thì dù muốn hay không, tín dụng ngoại tệ sẽ khó tăng. Mặt khác, trong ngắn hạn, tỷ giá được dự báo sẽ vẫn tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, DN cũng nên thận trọng khi sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ, có thể mua bảo hiểm rủi ro biến động tỷ giá.

Hải Yên