09:11 10/09/2012

Thần dược gây thảm hoạ

Mới mấy hôm trước, ngày 30/8/2012, 50 năm sau khi thuốc thalidomide ra khỏi thị trường, công ty Grunenthal mới đưa ra lời xin lỗi đầu tiên! Vào thập niên 60 thế kỷ 20, thảm hoạ thalidomide ụp xuống.

Mới mấy hôm trước, ngày 30/8/2012, 50 năm sau khi thuốc thalidomide ra khỏi thị trường, công ty Grunenthal mới đưa ra lời xin lỗi đầu tiên! Vào thập niên 60 thế kỷ 20, thảm hoạ thalidomide ụp xuống.



Hơn 10.000 trẻ khuyết tật tại 46 nước. Khoảng 40% nạn nhân chết trong vòng một năm sau khi chào đời. Hiện có khoảng 5.000 người sống sót trên toàn cầu.


Lời xin lỗi muộn màng


Freddie Astbury, 52 tuổi, người Anh (trái). Lynette Rowe ở nước Úc (phải).


Harold Stock, giám đốc điều hành tập đoàn Grunenthal nói là công ty muốn xin lỗi các bà mẹ đã dùng thuốc suốt thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước và xin lỗi các bé đã chịu khuyết tật do hậu quả của thuốc, nhân lễ đặt bức tượng đồng trẻ sơ sinh thalidomide không cánh tay tại trụ sở của công ty tại thành phố Stolberg, nước Đức. Nhóm người Đức nạn nhân phản đối tên này, vì tất cả nạn nhân đã thành người lớn.


Freddie Astbury ở Liverpool (nước Anh) ra đời không cánh tay sau khi người mẹ dùng thalidomide, nay được 52 tuổi cho rằng lời xin lỗi quá trễ tràng: “Hàng bao nhiêu năm, họ cứ rêu rao là không làm điều gì sai lầm và tránh nói chuyện với chúng tôi”.


Ilonka Stebnitz phát ngôn cho hiệp hội Nạn nhân Contergan ở Đức nói: “Lời xin lỗi không giúp chúng tôi sống qua ngày, chúng tôi cần những thứ khác”. Stebnitz nói việc thương lượng năm 1970 ở Đức đưa đến việc lập quỹ 150 triệu euro cho 3.000 nạn nhân, nhưng đâu đủ cho người sống đến 85 tuổi. Vào tháng 7, một phụ nữ Úc sinh ra không có chân tay lấy được hàng triệu đôla do thương thảo với công ty phân phối ở Anh. Còn công ty mẹ Grunenthal thì từ chối thương lượng. Khi xin lỗi, Stock vẫn giữ quan điểm xưa “chuyện đau lòng xảy ra 50 năm trước trong một thế giới khác hẳn hôm nay”. Việc chế tạo Contergan đã dựa trên các kiến thức khoa học của thời điểm đó, theo đúng các tiêu chuẩn thử nghiệm lâm sàng vào thập niên 1950 và 1960.


Harold Evans, người biên tập của Reuters, lãnh đạo phong trào đòi bồi thường nạn nhân thalidomide nói: “Năm mươi năm bất công không thể gỡ lại bằng lời xin lỗi thống thiết, không kèm theo bất cứ sự bồi thường nào cho nỗi đau và thống khổ từng ngày của hàng ngàn nạn nhân”.


Trong 50 năm, Grunenthal có một chiến lược chối bỏ các hậu quả đạo đức, y đức và tài chính của hành động cẩu thả trong những năm 1950 và 1960.


Thảm hoạ thalidomide


Thalidomide được tung ra vào tháng 10.1957 dưới tên Contergan ở Đức như là thuốc an thần và chống đau rất hiệu quả. Như thuốc tiên trị mất ngủ, cảm ho, nhức đầu. Rồi lại thấy hiệu quả chống nôn ói, kềm được chứng khó ở buổi sáng. Vậy là hàng ngàn phụ nữ dùng thalidomide cho bớt bị thai hành. Vào thập niên 1960, thảm hoạ ụp xuống. Các trẻ sơ sinh ra đời mang các dị tật trầm trọng từ các phụ nữ dùng thalidomide trong khi mang thai. Trẻ ra đời không có chân, tay, bàn chân, bàn tay; cột sống khuyết tật, hở môi hoặc hàm ếch, dị tật hoặc không có tai ngoài, dị tật tim thận sinh dục, hệ tiêu hoá bất thường. Ở Đức có khoảng 2.500 bé thalidomide. Bác sĩ phụ sản người Áo William McBride và bác sĩ nhi khoa người Đức Widukind Lenz nghi ngờ mối liên hệ giữa các khuyết tật bẩm sinh và thalidomide. Rồi Lenz làm rõ ra năm 1961. Thảm hoạ thalidomide! Rộ lên phản ứng toàn cầu. Thuốc bị rút khỏi thị trường nhiều nước vào năm 1961.


Vào năm 2009, vai trò của sự sinh mạch được dùng giải thích tác dụng quái thai. Thalidomide có hoạt tính ức chế sự tăng trưởng của các mạch máu mới (sự sinh mạch), ngăn cản sự hình thành tay chân của thai phôi. Chân tay đang phát triển đặc biệt nhạy vì còn non, dẫy đầy mạng lưới mạch máu.


Tái xuất giang hồ

Năm 1964, Jacob Sheskin, giáo sư bệnh viện Đại học Jerusalem (giám đốc bệnh viện phong Hansen, Jerusalem) thấy thalidomide làm giảm cơn đau hành hạ của bệnh phong dạng nốt đỏ. Năm 1991, BS Gilla Kaplan ở đại học Rockefeller, New York giải thích được cơ chế chống đau này. Ngày 18.7.1998 cơ quan FDA Hoa Kỳ phê chuẩn thalidomide trị bệnh phong dạng nốt hồng (ENL – Erythema Nodosum Leprosum). Thuốc chỉ được phân phối trong điều kiện kiểm soát gắt gao. Các nghiên cứu tiếp theo cho thấy thalidomide hiệu quả với loại ung thư hiếm gặp gọi là đau tuỷ. Vào ngày 26.5.2006 FDA lại phê duyệt thalidomide (Thalomide, công ty Celgene) phối hợp thuốc Dexamethason trong điều trị đau tuỷ. Vậy là kẻ gây thảm hoạ lại tái xuất giang hồ.


Nhu cầu thalidomide tăng lên. Thị phần khoảng nửa tỉ USD năm 2007, cũng xấp xỉ như vậy trong chín tháng đầu năm 2008. Còn thuốc Revlimid (dẫn xuất của thalidomide do Celgene sản xuất) tăng vọt, thị phần 28 triệu năm 2005 lên đến 1 tỉ trong chín tháng đầu năm 2008.


 Tổ chức Y tế thế giới không khuyến khích dùng thalidomide trong điều trị bệnh phong vì các tác hại của nó. Kinh nghiệm cho thấy không có được sự quản lý hiệu quả việc lạm dụng thuốc. Hiện nay, một số trẻ thalidomide vẫn ra đời hàng năm bộc lộ mặt yếu của kiểm soát an toàn thuốc. Thuốc clofazimine làm giảm rõ ràng mức trầm trọng của ENL. Thuốc này được WHO cung cấp miễn phí cho người bệnh. Theo WHO, không có chỗ cho thalidomide trong điều trị bệnh phong.

Phước hay hoạ

Năm 1968 Brazil cho phép dùng thalidomide để chữa phong dạng ENL. Thuốc thalidomide luôn có sẵn ở các vùng nhiều người bệnh phong. Brazil dân số 190 triệu là một trong những nước có số người bị phong đứng đầu thế giới, tần suất khoảng 5/10.000. Ở nước này, thalidomide còn được dùng điều trị đau tuỷ, loét lở hốc miệng ở bệnh nhân AIDS. Việc cho bán rộng rãi trên thị trường và tình hình lan tràn bệnh phong, cùng việc thiếu kiểm soát làm thảm hoạ trẻ em thalidomide tái hiện trong khoảng những năm 1970 – 1990. Còn lỗ hổng quản lý. Bzazil có hơn 1.000 trẻ thalidomide được ghi nhận. Vậy là tới thế hệ thalidomide thứ hai rồi.

FDA Hoa Kỳ cho rằng đã cho thực thi những điều lệ gắt gao quản lý thuốc trên thị trường để tránh ảnh hưởng cho phụ nữ mang thai. Có nhiều người nghi ngờ tính hiệu quả của những quy định này. Thalidomide đang được thử nghiệm cho nhiều loại bệnh, thải bỏ mô ghép, viêm khớp, bệnh lupút, sarcôm Kaposi ở bệnh nhân HIV, viêm loét ruột... Thalidomide có hứa hẹn, nhưng nguy cơ dùng thuốc phải được lưu tâm nhiều. Cân nhắc các cách dùng mới của thalidomide là một tình thế hết sức tế nhị. Mong chờ có thuốc tương tự với cùng các tác dụng tốt mà không có tác hại ghê sợ.


Rõ ràng bi kịch thalidomide vẫn lởn vởn trong đầu mọi người, thầy thuốc, người bệnh, nhất là những người xây dựng chiến lược thuốc men cho toàn cầu. Cho đến nay chưa có thuốc nào như thalidomide tác động sâu xa đến thế.


Con người đang tìm cách thoát khỏi vòng vây của chính mình.


Theo Dantri.com.vn