10:08 28/10/2014

Tham vọng làm sống lại Con đường tơ lụa của Trung Quốc

Con đường tơ lụa ngày nay không chỉ là một phần của quá khứ huyền thoại mà đã trở thành một thành tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Con đường tơ lụa, một cụm từ gắn với hình ảnh lãng mạn, nửa lịch sử, nửa truyền thuyết, của những đoàn con lạc đà uốn lượn trên những cung đường đi xuyên qua các sa mạc khô cằn, những dãy núi hiểm trở của vùng Trung Á hàng nghìn năm trước. Con đường tơ lụa ngày nay không chỉ là một phần của quá khứ huyền thoại mà đã trở thành một thành tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Từ con đường huyền thoại tới đường lối ngoại giao-kinh tế


Con đường tơ lụa trong lịch sử là tuyến giao thương trên bộ và trên biển nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển sang Đông Á và Nam Âu hàng hóa, ý tưởng, bao gồm từ chè tới giấy, thuốc súng, compa - những phát minh của Trung Quốc, hay các sản phẩm văn hóa như kinh Phật, âm nhạc của Ấn Độ. Con đường này, chủ yếu là đường bộ, ngược lại, tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp cận nền thiên văn học của Ấn Độ, cây trồng và các tín ngưỡng như Phật giáo và Hồi giáo.


Năm 1411, Đô đốc Trịnh Hòa, người được cho là đã đi qua Ấn Độ Dương 7 lần, đã dựng một tấm bia đá, được viết bằng tiếng Trung, Ba Tư và Tamil, gần thị trấn bờ biển Galle của Sri Lanka, kêu gọi các vị thần của Hindu phù hộ cho nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình dựa trên hoạt động giao thương.



600 năm sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Tháng 9/2013, phát biểu tại Đại học Nazarbayev, Kazakhstan, ông Tập đã đưa ra cái gọi là “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”, một ý tưởng ngoại giao mới nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và cùng phát triển Á – Âu. Ông đề ra 5 mục tiêu chính để hiện thực hóa ý tưởng này là: tăng cường hợp tác kinh tế, nâng cao khả năng kết nối giao thông, thúc đẩy thương mại và đầu tư, chuyển đổi tiền tệ và tăng cường trao đổi nhân dân.


Một tháng sau đó, trước Quốc hội Indonesia, ông Tập lại kêu gọi tái thiết lập mạng lưới giao thương trên biển xa xưa nhằm tạo nên “Con đường tơ lụa trên biển” của thế kỷ 21 hòng tăng cường kết nối quốc tế, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, môi trường và nghề cá.


Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp tục tái khẳng định các mục tiêu này trong năm 2013 tại Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Kể từ đó tới nay, việc thiết lập một Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển đã chính thức trở thành một đường lối ngoại giao được Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện nước này thông qua.


Con đường tơ lụa dường như là một dự án được ông Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm. Hồi tháng 3 vừa qua, ông đã tới Đức để thúc đẩy dự án đường sắt Yuxinou từ Trùng Khánh tới thành phố Duisburg, nơi hợp lưu của sông Rhine và sông Ruhr và có cảng nội địa lớn nhất thế giới. Tuyến đường sắt dài 11.000 km này sẽ đóng vai trò vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu như Con đường tơ lụa trong lịch sử. Với tốc độ vận chuyển nhanh gấp đôi đường biển trong khi chi phí chỉ bằng một nửa so với vận tải hàng không, Trung Quốc đang xem dự án đường sắt này là một tiềm năng rất lớn để phát triển các trung tâm công nghiệp tại Trùng Khánh và Thành Đô.


Tuy nhiên, làm sống lại các mối bang giao hữu hảo trước đây, như tuyên bố của ông Tập Cận Bình, trong một thế giới toàn cầu hóa có phải là mục tiêu duy nhất trong bối cảnh khoảng cách giàu – nghèo, tăng trưởng giữa miền Tây và Đông Trung Quốc ngày càng lớn?


Một trong những những thách thức kinh tế- xã hội lớn Trung Quốc đang đối mặt là phát triển hài hòa khu vực nông thôn rộng lớn với các vành đai công nghiệp hóa ở các vùng duyên hải phía Đông. Theo thống kê chính thức, hiện vẫn có khoảng hơn 400 triệu người dân Trung Quốc sống dưới mức nghèo khổ. Điều này đang làm tổn hại khả năng đạt được sự tăng trưởng bền vững, đồng nhất mà Bắc Kinh rất cần để vươn tới vị thế quốc gia có mức thu nhập cao. Do vậy, chính phủ Trung Quốc hy vọng sáng kiến Con đường tơ lụa sẽ giúp tạo ra động lực cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.


Dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.


Những quan ngại địa chính trị


Tuy nhiên, quy mô quốc tế của ý tưởng là vấn đề đáng quan tâm nhất và khá phức tạp. Trong những năm gần đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đề xuất một loạt các cơ chế và công cụ nhằm xây dựng hoặc củng cố một cách tối đa sức ảnh hưởng của cường quốc này. Chúng bao gồm Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Hành lang Bangladesh-Trung-Ấn-Myanmar, Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan và các hành lang năng lượng mới giữa Trung Quốc và Trung Á, Myanmar. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã thiết lập Ngân hàng Phát triển mới với các thành viên nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.


Có thể tài chính không phải là vấn đề nhưng tham vọng xây dựng Con đường tơ lụa nhiều khả năng sẽ vấp phải trở ngại về chính trị, nhất là liên quan tới lộ trình trên biển của nó. Ở thời điểm mà Trung Quốc duy trì lập trường cứng rắn đối với các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, ý tưởng về Con đường tơ lụa trên biển làm dấy nên nhiều e ngại địa chính trị.


Thực vậy, những quan ngại này có nguồn gốc từ xa xưa khi các cuộc thám hiểm của Đô đốc Trịnh Hòa đã gắn liền với hoạt động can thiệp quân sự tại các vùng lãnh thổ nay là Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Ấn Độ để dựng lên những nhân vật thân Bắc Kinh và kiểm soát các chốt chiến lược trên Ấn Độ Dương. Ông thậm chí còn lấy đi di vật của Đức Phật, một biểu tượng về chủ quyền chính trị của Sri Lanka.


Những quốc gia trên tuyến hải trình của Trịnh Hòa do vậy gọi những thám hiểm của ông không chỉ như ý tưởng thúc đẩy giao thương và thiết lập những liên kết thương mại, mà còn là sự can thiệp vào công việc của họ, nhằm dẫn dắt các dân tộc dưới sự cai trị của Hoàng đế Trung Hoa.


Con đường tơ lụa trên biển chắc chắn sẽ củng cố vai trò của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, ở quần đảo Maldives, Sri Lanka, nước đã tỏ ý ủng hộ ý tưởng trên của ông Tập Cận Bình. Ấn Độ cũng được mời tham gia song nhận thức được sự nhạy cảm của vấn đề dù Bắc Kinh liên tục trấn an rằng dự án không phải là một chính sách nhằm ngăn chặn hay tạo ra thách thức mới cho New Delhi. Theo nhìn nhận của một số chuyên gia Ấn Độ, Con đường tơ lụa giống như một dạng “Chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc tìm cách thiết lập xung quanh quốc gia Nam Á này để kiềm chế ảnh hưởng của New Delhi.



Thái Nguyễn (Theo Diplomat)